Thực hiện nhiều giải pháp ngăn xâm hại rừng đặc dụng

Để bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng tự nhiên tại Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể, Ban Quản lý VQG Ba Bể đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, thu được kết quả tích cực.

Lực lượng kiểm lâm VQG Ba Bể cùng người dân thực hiện tuần tra kết hợp vệ sinh môi trường rừng.

Vườn Quốc gia Ba Bể nằm trên địa bàn thuộc 07 xã của huyện Ba Bể và 02 xã của huyện Chợ Đồn, với diện tích vùng đệm là 25.309ha. Hiện nay có 45 cộng đồng thôn bản đang thụ hưởng chính sách quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ theo Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Do chịu áp lực về dân số sống trong vùng lõi (tỷ lệ tăng dân số cao 1,7%), trình độ dân trí chưa đồng đều, tập quán canh tác của một bộ phận người dân còn lạc hậu và có nhu cầu sử dụng tài nguyên rừng lớn; cộng đồng dân cư sống tại vùng thấp tổ chức các hoạt động du lịch tự phát... đã tạo ra các mối đe dọa và thách thức lớn đối với công tác bảo vệ tài nguyên rừng ở VQG Ba Bể.

Ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc BQL VQG Ba Bể trao đổi về những thuận lợi trong công tác QLBVR.

Trước thực trạng trên, VQG Ba Bể đã thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng như: Thực thi nghiêm ngặt các chính sách bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật; áp dụng các chính sách khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, hỗ trợ tài chính, đào tạo nghề nghiệp thay thế hoặc phát triển các dự án sinh kế bền vững...

Từ năm 2023 đến nay VQG Ba Bể đã chủ động phối hợp với các cộng đồng thực hiện gần 30 công trình trên địa bàn hơn 20 thôn, bản như: Bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, đường sản xuất; làm các công trình nước sạch, đường điện chiếu sáng, công trình thủy lợi, nhà vệ sinh công cộng, sân chơi thể thao cộng đồng…

Những cây gỗ cổ thụ được VQG Ba Bể bảo vệ nghiêm ngặt.

VQG Ba Bể còn xây dựng hệ thống giám sát; sử dụng công nghệ hiện đại như GPS, ảnh vệ tinh để theo dõi tình trạng rừng và phát hiện sớm các hành vi vi phạm. Tăng cường lực lượng kiểm lâm, trang bị các thiết bị và công cụ cần thiết để thực thi nhiệm vụ. Chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của rừng cho cộng đồng.

Lãnh đạo VQG Ba Bể nêu những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ rừng đặc dụng.

Trong những năm qua, người dân ở vùng lõi, vùng đệm VQG Ba Bể đã được tiếp cận với các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững; hỗ trợ chuyển đổi từ các hoạt động gây hại cho rừng sang các nghề nghiệp bền vững hơn như du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu, hoặc nuôi ong; được tiếp cận các khoản vay ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo vệ rừng và phát triển sinh kế bền vững.

Ngoài ra, VQG Ba Bể đã học hỏi, phối hợp áp dụng các mô hình bảo vệ rừng thu được thành công tại các địa phương khác. Thực hiện các nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng, tác động của con người và biến đổi khí hậu đến rừng để đưa ra các giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả. Quy hoạch và phát triển các tuyến du lịch sinh thái bền vững, hạn chế các hoạt động du lịch gây hại cho môi trường. Tuyên truyền, giáo dục cho người dân và du khách về ý thức bảo vệ môi trường khi sinh sống, sản xuất và tham quan tại VQG Ba Bể.

Công tác phối hợp với cộng đồng dân cư để tuần rừng được VQG Ba Bể thực hiện thường xuyên nhằm ngăn chặn việc xâm hại rừng đặc dụng.

Giám đốc BQL VQG Ba Bể cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp. Trong đó tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, bám nắm địa bàn để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ bảo tồn đa dạng sinh học, chống săn bắt động vật hoang dã trái phép.../.

Đình Văn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/thuc-hien-nhieu-giai-phap-ngan-xam-hai-rung-dac-dung-post63840.html