Thực hiện quản lý, sử dụng biên chế của hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2026

Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTVTU) ban hành Kế hoạch thực hiện quản lý, sử dụng biên chế của hệ thống chính trị (HTCT) tỉnh giai đoạn 2022 - 2026. Trong đó, phân bổ biên chế năm 2023 cơ bản giữ ổn định biên chế có mặt năm 2022; căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của từng cơ quan, đơn vị, địa phương (CQ,ĐV,ĐP) để định hướng phân bổ đến năm 2026.

Mục đích của việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị (CQ,ĐV) trong tình hình mới và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HTCT, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên.

Việc quản lý và sử dụng biên chế thực hiện theo nguyên tắc: Tinh giản biên chế phải đi đôi với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không cào bằng. Bảo đảm sắp xếp biên chế đi đôi với sắp xếp tổ chức bộ máy. Tiếp tục rà soát lại bộ máy của các CQ,ĐV, tăng cường việc sắp xếp để đạt được hiệu lực, hiệu quả phù hợp với biên chế được giao. Phân bổ biên chế năm 2023 cơ bản giữ vững ổn định biên chế có mặt năm 2022; căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của từng CQ,ĐV,ĐP để định hướng phân bổ đến năm 2026. Từ năm 2024, các CQ,ĐV,ĐP tăng cường điều chỉnh biên chế nội bộ, nơi số biên chế có mặt dôi dư nhiều hơn thì phải giảm nhiều hơn. Đối với các đơn vị số biên chế có mặt quá thấp, không đủ điều kiện hoạt động hoặc thiếu các vị trí đặc biệt quan trọng thì sẽ được bố trí thêm biên chế nhưng không được vượt quá tổng số biên chế được phân bổ đến năm 2026.

Lộ trình và chỉ tiêu cụ thể đối với khối các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH cấp tỉnh, cấp huyện: Biên chế CB,CC được giao năm 2022 là 998 biên chế, đến năm 2026 giảm còn 948 biên chế (giảm 50 biên chế, giảm 5%). Biên chế viên chức được giao năm 2022 là 108 biên chế, đến năm 2026 giảm còn 97 biên chế (giảm 11 biên chế, giảm 10%). Như vậy, đến ngày 1/1/2026, tổng số CQ,ĐV sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH cấp tỉnh, cấp huyện là 1.045 biên chế (gồm 948 biên chế CB,CC và 97 biên chế viên chức).

Đối với khối chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) cấp tỉnh, cấp huyện; đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thì biên chế CB,CC được giao năm 2022 là 2.358 biên chế, đến năm 2026 giảm còn 2.240 biên chế (giảm 118 biên chế, giảm 5%). Biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (bao gồm hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ) được giao năm 2022 là 28.611 biên chế, đến năm 2026 giảm còn 25.750 biên chế (giảm 2.861 biên chế, giảm 10%). Như vậy, đến ngày 1/1/2026, tổng biên chế khối chính quyền địa phương là 27.990 biên chế (gồm 2.240 biên chế CB,CC và 25.750 biên chế viên chức). Phấn đấu giảm tối thiểu 20% ĐVSNCL so với năm 2015; phấn đấu có ít nhất 20% ĐVSNCL cấp tỉnh, cấp huyện tự chủ về tài chính và chuyển các ĐVSNCL đủ điều kiện thành công ty cổ phần theo quy định; giảm ít nhất 10% biên chế đối với các cơ quan hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Đối với CB,CC cấp xã giữ ổn định số lượng 2.744 CB,CC cấp xã năm 2022 và giảm tương ứng theo lộ trình giảm các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2022 - 2026. Việc bố trí CB,CC cấp xã thực hiện theo Nghị định số 34 ngày 24/4/2019 của Chính phủ và các Nghị quyết của HĐND tỉnh về CB,CC và người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Để thực hiện đảm bảo các nguyên tắc và lộ trình nêu trên, BTVTU xác định 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, CB,ĐV,CC,VC và người lao động, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, CQ,ĐV về tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC. Thứ hai, rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, CQ,ĐV; hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt đề án vị trí việc làm của các tổ chức, CQ,ĐV từ cấp huyện đến cấp tỉnh; quản lý biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB,CC,VC theo vị trí việc làm. Thứ ba, thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL và lộ trình chuyển đổi cơ chế tự chủ tài chính của các ĐVSNCL; tăng cường quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các ĐVSNCL; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL; tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học hợp lý, thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các ĐVSNCL bảo đảm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, chuyên môn nghiệp vụ; cải tiến quy trình, quy chế làm việc kết hợp với cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa; sắp xếp tổ chức bộ máy các CQ,ĐV theo hướng thu gọn đầu mối, phù hợp với tình hình thực tế; đổi mới phương thức đánh giá CB,CC,VC theo vị trí việc làm, khối lượng và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ phân công, thủ trưởng CQ,ĐV có thẩm quyền quyết định, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại CB,CC,VC theo thẩm quyền. Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức CT-XH và Nhân dân trong thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt; phê bình những tập thể và người đứng đầu thực hiện không nghiêm chủ trương của Đảng và kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có).

BTVTU yêu cầu các CQ,ĐV,ĐP tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình sử dụng biên chế; xây dựng kế hoạch sử dụng, quản lý biên chế năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2026 trong tổng số biên chế được giao. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, CQ,ĐV chịu trách nhiệm chính về việc tinh giản, quản lý và sử dụng biên chế của CQ,ĐV,ĐP.

NP

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/thuc-hien-quan-ly-su-dung-bien-che-cua-he-thong-chinh-tri-tinh-dong-thap-giai-doan-2022-2026-111521.aspx