Thực hiện sớm và còn cần phải nghiêm
Huyện Nông Cống phải thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện theo Chỉ thị 15 từ 18 giờ ngày 24-8-2021, trong đó có những xã, thôn phải áp dụng nghiêm ngặt hơn theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Lực lượng chức năng trong ngày đầu (25-8) trực tại điểm chốt thôn Thanh Liêm, xã Hoàng Sơn (Nông Cống).
Vẫn biết đó là điều ít ai mong muốn vì sẽ làm đứt gãy đi nhịp sống thường nhật của rất nhiều người, nhưng không còn cách nào khác lúc này. Chỉ có áp dụng đầy đủ các biện pháp khẩn cấp thì mới có thể khóa chặt nguồn lây, nhấn chìm nguồn bệnh sớm nhất, nhanh nhất. Thực hiện càng nghiêm, thì hiệu quả càng cao. Chúng ta đã có nhiều bài học từ địa phương khác trong việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 thời gian qua.
Từ những bài học ấy cho chúng ta thêm kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành, ứng phó đó là: Không thể thực hiện “giãn cách thật nghiêm” chỉ bằng tuyên bố hay mệnh lệnh, dù biết rằng các biện pháp hành chính là điều không thể thiếu được. Bên cạnh các biện pháp hành chính, phải là dân vận, hậu cần và nhiều thứ khác nữa. Nhìn chung là phải có sự đồng bộ, thống nhất, nhất là đảm bảo không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung cầu hàng hóa thiết yếu tại các địa bàn phong tỏa, cách ly. Và cách để triển khai hiệu quả, đồng bộ, thống nhất các biện pháp hành chính ấy, tránh sự phản ứng, phân bì, ngoài sự cương chính của lực lượng thực thi pháp luật trong phòng, chồng dịch, thì yếu tố rất quan trọng đó phải là nhận thức chia sẻ và hành động của người dân ở những địa bàn thực hiện giãn cách.
Chủ tịch UBND huyện Nông Cống đã rất sớm, kịp thời ban hành công điện xác định rõ địa bàn thực hiện giãn cách, cách ly ở mức độ nào sau khi trên địa bàn phát hiện ca bệnh F0. Điều đó thể hiện sự chủ động của chính quyền trong việc phản ứng với các tình huống khẩn cấp, rất đáng ghi nhận. Vấn đề tiếp theo là trong thời gian thực hiện giãn cách, tùy vào từng địa bàn đang áp dụng theo Chỉ thị nào của Thủ tướng Chính phủ, để chính quyền và cơ quan chức năng có sự ứng xử phù hợp, vừa kiên quyết, nhưng cũng không quá cứng nhắc, máy móc dẫn đến nguy cơ xảy ra một số tình huống không mong muốn như chúng ta đã nghe ở một số địa phương khác trong thời gian qua.
Để thực hiện hiệu quả việc giãn cách xã hội, nhất là ở những địa bàn áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ rất cần người dân chia sẻ và chung tay với chính quyền, không gây cản trở đối với lực lượng thực thi pháp luật chống dịch. Ngược lại chính quyền cũng cần đảm bảo một kế hoạch cung ứng thực phẩm cũng như phương án đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe khi người dân có nhu cầu. Có như vậy họ mới yên tâm “ai ở đâu ở yên đó”.
Chắc chắn một bàn tay không làm nên tiếng vỗ, rất khó để “giãn cách thật nghiêm” nếu thiếu đi sự thấu cảm và hợp tác của người dân. Chính quyền không có “trăm tay nghìn mắt” để giám sát tất cả người dân. Từng người một phải tự ý thức thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, nhìn ra các nguy cơ nếu như họ cố tình vi phạm, để bảo vệ bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Thời điểm này điều đặc biệt quan trọng để chống dịch thành công là phải duy trì được “kỷ luật thép” nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách người với người, nhà cách ly với nhà, thay vì chỉ duy trì lực lượng tập trung kiểm tra ở các điểm chốt chặn.
Mặt khác, nếu phát hiện bất cứ hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch nào của bất cứ ai đều phải xử phạt ngay và nghiêm để đủ sức răn đe. Chỉ có làm nghiêm, làm chặt, thì mới hy vọng khóa chặt, nhấn chìm được nguy cơ lây lan mầm bệnh như chúng ta mong muốn khi quyết định giãn cách, cách ly.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/thuc-hien-som-va-con-can-phai-nghiem/142665.htm