Thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực

Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua ngày 24/6/2023 quyết nghị một số nội dung quan trọng về lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội đó là: Triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội và chiến lược, quy hoạch về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

Như chúng ta đã biết, phát triển nguồn nhân lực được xem là 1 trong 3 khâu đột phá trong chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xác định rõ điều này, nhiều năm qua tỉnh Bình Thuận cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp trong công tác phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, nguồn nhân lực của tỉnh đã có sự thay đổi rất lớn cả về số lượng và chất lượng, lực lượng lao động đang làm việc tại các ngành, lĩnh vực trong tỉnh được đào tạo và đào tạo lại tăng dần qua các năm. Tuy đạt được những thành tựu đáng kể đó nhưng nguồn nhân lực ở tỉnh vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu và thiếu tính bền vững, cả về sức khỏe, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ý thức lao động, kỷ luật lao động... Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng trong tổng lực lượng lao động chưa cao so với yêu cầu công việc nên chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Chất lượng lao động, lao động chưa được đào tạo còn nhiều, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động. Mặt khác, cơ cấu ngành nghề và cấu trúc đào tạo chưa hợp lý, thiếu các chuyên gia kỹ thuật và quản lý giỏi. Đặc biệt là nguồn nhân lực để phục vụ phát triển du lịch của tỉnh hiện nay cũng thiếu hụt rất nhiều. Theo thống kê, cuối năm 2019 toàn tỉnh có 28.500 lao động phục vụ trong các cơ sở, doanh nghiệp du lịch nhưng đến giữa năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã khiến nhiều doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính dẫn tới nhiều lao động trong ngành đã phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc mới. Đến nay, ngành du lịch của tỉnh đã phục hồi, cộng với 2 tuyến cao tốc đã hoàn thành đưa vào sử dụng nên lượng khách đến với Bình Thuận ngày càng đông hơn dẫn đến nguồn nhân lực không đủ đáp ứng nhu cầu du lịch đang tăng cao trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, trình độ người lao động tại các cơ sở du lịch hiện nay chỉ ở mức trung bình, lao động ngành du lịch thường xuyên tiếp xúc với khách quốc tế nhưng còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng 4.0, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định. Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực đối với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, chiến lược phát triển con người luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, coi đó vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Để đáp ứng tốt nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tiếp tục hoàn thiện chính sách đào tạo nghề, ưu tiên cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, các giải pháp phân luồng trong giáo dục phổ thông. Triển khai việc vừa đào tạo nghề và dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề. Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động. Bên cạnh đó tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực gắn kết với nhu cầu vị trí việc làm, nhu cầu xã hội và xem đây là một trong những giải pháp lớn, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trên các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển mạnh 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao trên các lĩnh vực thế mạnh, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thuc-hien-thanh-cong-dot-pha-chien-luoc-ve-phat-trien-nguon-nhan-luc-111047.html