Nỗi lo giá hàng hóa tăng theo lương
Mức lương cơ sở chính thức tăng lên 30% từ ngày 1/7/2024 cũng kéo theo tâm lý e ngại của người tiêu dùng, vì khi lương tăng, giá cả các loại hàng hóa cũng tăng.
Là một giáo viên đang công tác tại trường mầm non thuộc địa bàn xã Đông Hội, Huyện Đông Anh, cô giáo Nguyễn Thị Nhật Lệ chia sẻ rằng việc tăng lương là một tin vui, nhưng khi các mặt hàng từ thực phẩm đến đồ dùng học tập đều tăng giá, đây lại là thử thách lớn đối với những người dân. Đặc biệt là những gia đình có thu nhập trung bình như chị.
Việc tăng lương là rất cần thiết, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động từ đó tạo động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp hợp lý, việc tăng lương sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng theo.
Trước đây, sau những đợt điều chỉnh tiền lương đã xuất hiện tình trạng "té nước theo mưa". Thậm chí, lương chưa kịp tăng, giá cả đã đẩy lên.
Bác sĩ trẻ Ngô Thế Cường (30 tuổi), làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh lo lắng rằng giá cả tăng cao sẽ khiến anh phải tự quản lý chi tiêu, làm sao vẫn phải cân bằng được cuộc sống ở mức ổn định nhất.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế nhận định: "Để ngăn tình trạng lương tăng, giá cả tăng, cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, đảm bảo lưu thông. Từ đó giúp nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào. Bên cạnh đó cũng phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá."
Các biện pháp kiểm soát giữ ổn định nền kinh tế là biện pháp quan trọng. Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra kiểm tra quá trình niêm yết giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tình trạng tăng giá bất hợp lý làm mất đi ý nghĩa việc tăng lương, gây ảnh hưởng đời sống người lao động.
Chỉ khi giá cả hàng hóa được kiểm soát, hay chỉ khi hạn chế được tình trạng giá tăng theo lương thì mục đích của việc tăng lương cho người lao động mới thật sự có ý nghĩa.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/noi-lo-gia-hang-hoa-tang-theo-luong-249801.htm