Thực hiện tốt chính sách đối với người có công cách mạng

Chăm lo đời sống người có công với cách mạng vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa thể hiện đạo lý truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn' cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Quảng Trị là một trong những địa phương tiêu biểu trong cả nước thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng.

Bộ CHQS tỉnh thường xuyên chăm lo các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh - Ảnh: XUÂN DIỆN

Bộ CHQS tỉnh thường xuyên chăm lo các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh - Ảnh: XUÂN DIỆN

Những năm qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước.

Toàn tỉnh hiện có trên 140.000 người có công với cách mạng, trong đó có 19.173 liệt sĩ, 12.125 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 3.089 bệnh binh, 2.833 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), (trong đó 25 mẹ hiện còn sống), 77.400 người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến, 14.631 người có công, 4.533 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học được giải quyết trợ cấp ưu đãi và hàng chục ngàn người là các đối tượng có công với cách mạng khác. Hiện tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 18.500 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với tổng số tiền chi trả gần 32 tỉ đồng/tháng.

Để thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ, thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, thương binh, liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, coi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý, sự tri ân đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh.

Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công; người tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ; Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư 55/2022/ TT-BQP ngày 27/7/2022 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.

Quan tâm giải quyết các hồ sơ tồn đọng về liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong các cuộc chiến tranh. Tích cực rà soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng đối với người tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế và đối tượng dân công hỏa tuyến theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 24-CT/TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chương trình của Ban chỉ đạo Quốc gia 515, Thông tư của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, bổ sung hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; xác minh kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong nước và ở Lào, cũng như nâng cao vai trò hoạt động công tác đối ngoại quân sự với nước bạn Lào.

Thực hiện việc vận động đóng góp, quản lý, sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện chính sách xã hội trong quân đội và hậu phương quân đội, từ năm 2019 đến nay, Bộ CHQS tỉnh vận động đóng góp khoảng 1,198 tỉ đồng để chăm lo thực hiện tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, ưu tiên các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, biên giới và vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh.

Các tổ chức quần chúng trong quân đội tích cực tham gia thực hiện chương trình xây tặng “Nhà đồng đội”; “Ngôi nhà 100 đồng” tặng đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở đang công tác trong LLVT tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, đã vận động các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội triển khai xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 59 nhà tình nghĩa hỗ trợ các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn trị giá 5,740 tỉ. Tiếp tục phụng dưỡng 6 Bà mẹ VNAH còn sống với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/mẹ/tháng.

Bằng tình cảm và trách nhiệm với đồng chí, đồng đội, Bộ CHQS tỉnh đã tuyển dụng 2 trường hợp là thân nhân liệt sĩ hy sinh tại Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 vào quân đội và công tác tại Bộ CHQS tỉnh. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và nhân văn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng đối với những tấm gương hy sinh vì dân, vì nước cũng như thể hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, nhằm kịp thời động viên, chia sẻ mất mát lớn của gia đình các liệt sĩ.

Cùng với đó, hằng năm, nhân các ngày lễ, Tết và kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, Bộ CHQS tỉnh đều thực hiện tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân đối với người có công cách mạng và thân nhân các gia đình liệt sĩ đang công tác trong cơ quan Bộ CHQS tỉnh nói riêng một cách chu đáo, nghĩa tình. Đến nay, hầu hết người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đều được chăm sóc và có mức sống bằng hoặc cao hơn so với mức trung bình trong cộng đồng khu dân cư.

Thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng thông qua những hành động cụ thể, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, giữ vững ổn định chính trị trong mọi thời điểm.

Phối hợp chặt chẽ cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Tăng cường xã hội hóa việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với người có công, nhất là gia đình chính sách đang còn gặp hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, coi trọng việc động viên, phát triển sâu rộng các phong trào, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với các hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng.

Kim Quy

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/thuc-hien-tot-chinh-sach-doi-voi-nguoi-co-cong-cach-mang/178614.htm