Thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong tình hình mới. Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch về DS - KHHGĐ đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU, ngày 27/4/2018 của Tỉnh ủy (khóa XVI) thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Công tác dân số trong tình hình mới, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND về Chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4079/ KH-UBND, ngày19/2/2018 về thực hiện Chương trình hành động số 110-CTHĐ/ TU và Kế hoạch hành động số 5703/KHUBND, ngày 11/12/2020 về việc thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam, Chương trình truyền thông dân số và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025.
Qua 3 năm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách trên, công tác DS - KHHGĐ của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu lực quản lý. Đặc biệt, Sở Y tế phối hợp với Sở Nội vụ sắp xếp lại tổ chức bộ máy trạm y tế xã, trong đó bố trí mỗi trạm y tế có 1 viên chức làm công tác dân số, điều chuyển số viên chức dân số bị dôi dư sang vị trí việc làm khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, thường xuyên đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số phù hợp với yêu cầu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến tâm lý, tập quán của cộng đồng.
Các mô hình can thiệp truyền thông tại cộng đồng được nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động. Mô hình tư vấn, cung cấp dịch vụ DS - KHHGĐ cho thanh niên, vị thành niên triển khai tại 37 xã, phường, thị trấn; mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng tiếp tục được triển khai tại 18 xã, phường, thị trấn, thành lập được 36 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”. Đặc biệt, mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên tiếp tục được các địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện. Từ năm 2018 đến nay có thêm 50 thôn, khu phố tổ chức phát động xây dựng mô hình; có 38 thôn, khu phố đạt thành tích 3 năm liên tục và 26 thôn, khu phố đạt thành tích 5 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ cơ bản đáp ứng nhu cầu của người sử dụng về sự đa dạng, thuận tiện và an toàn. Dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được tăng cường qua kênh xã hội hóa. Để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, Nghị quyết số 45/2020/NQ - HĐND của HĐND tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung các chính sách dân số của địa phương như nâng mức thù lao cộng tác viên dân số từ 150 nghìn đồng/ tháng lên 300 nghìn đồng/tháng và tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm sinh khác; điều chỉnh, bổ sung một số chính sách mới thực hiện các chương trình, đề án về cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số…
Nhờ vậy, tỉ suất sinh thô giảm từ 15,5%o năm 2017 xuống còn 14,6%o năm 2020, giảm bình quân trên 0,3%o/năm; tổng tỉ suất sinh giảm từ 2,85 con năm 2017 xuống 2,43 con năm 2020; tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định ở mức dưới 1%; tỉ số giới tính khi sinh giảm từ 112,8 trẻ nam/100 trẻ nữ 2017 xuống 110,1 trẻ nam/100 trẻ nữ năm 2020; tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc bình quân đạt trên 35%/năm, tỉ lệ sàng lọc sơ sinh được sàng lọc đạt bình quân 25%/năm; tỉ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tăng từ 15% năm 2017 lên 35% năm 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS - KHHGĐ đang gặp nhiều thách thức và các vấn đề mới nảy sinh như tổng tỉ suất sinh vẫn đang ở mức cao 2,43 con/bà mẹ. Hầu hết các địa phương đều chưa đạt mức sinh thay thế, mức sinh giảm chậm và không ổn định, không đồng đều giữa các vùng, tổng tỉ suất sinh ở các huyện miền núi còn rất cao như Đakrông 3,44 con, Hướng Hóa 2,84 con; tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng từ 20,3% (năm 2018) lên 22,0% (năm 2020); số lượng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên tăng so với những năm trước; tỉ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao; chưa tận dụng được lợi thế cơ cấu dân số vàng; chất lượng dân số vẫn còn thấp, tuổi thọ trung bình của người dân chỉ mới 68,3 tuổi, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước là 73,6 tuổi…
Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Trương Hữu Thiện cho biết: “Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác dân số cần tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền và các ngành, đoàn thể các cấp. Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng quy mô gia đình 2 con nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội để tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2025. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số cũng như tăng cường các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS - KHHGĐ. Đồng thời, triển khai có hiệu quả chương trình hành động, các kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam, Chương trình truyền thông dân số và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155587