Thực hiện tốt lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Triệu Thành ngày càng khởi sắc
Tổng Bí thư Lê Duẩn sinh ngày 7/4/1907, tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, suốt đời vì nước, vì dân, trong những lần về thăm quê, Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn căn dặn bà con phải phấn đấu vươn lên, yêu thương đùm bộc nhau cùng phát triển. Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Triệu Thành không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng
Cũng như bao chiến sĩ tiền bối, đồng chí Lê Duẩn nhiều lần bị địch bắt tù đày. Vượt qua những thử thách khắc nghiệt của nhà tù đế quốc, với quyết tâm biến nhà tù thành trường học cách mạng, đồng chí luôn tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tổ chức việc học tập chính trị, vừa học tập, nghiên cứu, vừa hướng dẫn các đồng chí khác học tập, phê phán quan điểm phi vô sản, lệch lạc, đấu tranh giải phóng dân tộc.
Gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí được giao những trọng trách quan trọng của Đảng: Bí thư Xứ ủy Trung kỳ (1937), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (1939), Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1946 - 1954), Ủy viên Bộ Chính trị (1951), Bí thư thứ Nhất, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng từ năm 1960 - 1986.
Trên cương vị Bí thư thứ Nhất và Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng liên tục 26 năm (1960 - 1986), cùng với Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định, hoàn thiện đường lối và phương pháp cách mạng, đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và đã chỉ đạo thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng của hai miền.
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, tại các đại hội lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) của Đảng và nhiều hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng với BCH Trung ương từng bước xây dựng hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đã lãnh đạo thực hiện đạt được những thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, xây dựng Đảng, QP-AN và đối ngoại, đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tại hội thảo khoa học do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhiều nhà nghiên cứu lý luận tiếp tục khẳng định, Tổng Bí thư Lê Duẩn là một nhà yêu nước lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Là một nhà lý luận, nhà tư tưởng lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và của Nhân dân ta, Tổng Bí thư cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp người “khai quốc công thần”. Đồng chí được mệnh danh là “Tổng công trình sư” của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bản Đề cương Cách mạng miền Nam do đồng chí soạn thảo chính là phác thảo ban đầu. Với những quan điểm mang tính đột phá, bản đề cương đã góp phần tìm ra lối thoát cho cách mạng Việt Nam và tỏ ra tầm nhìn vượt trội, tư duy sáng tạo, tinh thần cách mạng tiến công, cũng như sự gắn bó máu thịt với Nhân dân của một nhà cách mạng kiệt xuất.
Điều chủ yếu toát lên từ tấm gương của đồng chí Lê Duẩn, đó là một nhà lãnh đạo suốt đời say mê tìm tòi, sáng tạo, luôn nêu cao phong cách tư duy độc lập, tự chủ, luôn xới lật vấn đề, khuyến khích tranh luận để tiếp cận chân lý. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát hiện quy luật, vận dụng quy luật (quy luật chiến tranh Nhân dân, quy luật từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, quy luật kinh tế, văn hóa, tư tưởng...) vào thực tiễn đời sống. Nhờ đó, trên bình diện nhà lý luận, đồng chí Lê Duẩn đã thực sự có những đóng góp quan trọng, làm phong phú thêm lý luận của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư
Sau ngày đất nước thống nhất, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Tổng Bí thư Lê Duẩn đều dành thời gian về thăm hỏi người dân quê hương. Lần cuối cùng vào năm 1983, khi gặp mặt cấp ủy, chính quyền và người dân quê hương đồng chí xúc động nói, “Đối với tất cả chúng ta, quê hương là tình sâu nghĩa nặng. Riêng tôi, ngoài công việc chung của cả nước vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay sống như thế nào. Hôm nay về thăm lại quê nhà, tuổi đã cao, sức đã yếu, còn không biết về lần nữa hay không, nhưng hôm nay tôi vui mừng đến tuôn trào nước mắt khi thấy quê hương từng ngày phát triển thay da, đổi thịt. Lần này tôi về mừng nhất là đồng làng ta có nước, cấy lúa được 2 vụ, dân ta cần cù nhất định làm nên giàu có.
Trước đồng bào Quảng Trị nghèo giờ sẽ không nghèo nữa. Làng Hậu Kiên, làng Bích La Đông, các làng trong thôn, trong xã, trong huyện mình tốt lắm, thương yêu nhau lắm, có một bát canh ngon, một nồi nước chè xanh cũng kêu nhau đến. Sau này nghỉ hưu, tôi về với làng. Tôi mong bà con mình trong gia đình phải thương yêu nhau, phải sống nhẹ nhàng êm ái với nhau. Bất cứ người nào phải có lao động, phải có tình thương, lẽ phải. Đừng ai cậy mình là con, là cháu, là quê hương của Tổng Bí thư mà ỷ lại, cần phải phấn đấu mà vươn lên. Bà con đồng ý không?”
Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong Lê Cảnh Tường cho biết, từ nhiều năm nay, cán bộ, đảng viên và người dân trong xã luôn khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn để nỗ lực xây dựng quê hương đổi mới, gia đình ấm no. Đối với cấp ủy, chính quyền xã Triệu Thành luôn bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương chủ động đề ra chương trình, kế hoạch, vận động Nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất, phát triển văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bằng những cách làm sáng tạo, giải pháp đột phá nên đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, bộ mặt nông thôn đổi mới từng ngày. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 62,06 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt 79,43 tỉ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 91,62 tỉ đồng, thương mại - dịch vụ 178,71 tỉ đồng. Hiện trên địa bàn xã có 538 cơ sở ngành, nghề, thương mại, dịch vụ hoạt động. Đặc biệt, nhãn hiệu nem chả Sáu Tuấn đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ cấp quyền bảo hộ. Tỉ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 5,25%...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cấp ủy, chính quyền quyết tâm xây dựng bộ máy cán bộ của xã “vừa hồng, vừa chuyên”. Đến nay, đội ngũ cán bộ công chức đều đạt chuẩn. Công tác đánh giá, sắp xếp bố trí cán bộ được tiến hành thường xuyên, tỉ lệ cán bộ nữ, trẻ được nâng lên. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, mặt trận, đoàn thể trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.