Thực hiện tốt quy hoạch, nỗ lực phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025
Sáng 6/4, tại thành phố Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.
Cùng dự có đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các đối tác, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1745/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch tuân thủ và phù hợp định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước; Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
Mục tiêu tổng quát: đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Các nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung và cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh…
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh.
Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận Nhà đầu tư, văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu dự án cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát quy hoạch của Thừa Thiên Huế: bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và bền vững; tin tưởng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, chúng ta sẽ thực hiện thành công bản Quy hoạch, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng; có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả không gian: mặt đất, mặt nước - biển, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể và bao trùm; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải bảo đảm tính lớp lang, hệ thống, khoa học, từng bước thực hiện có hiệu quả; nếu có nhà tư vấn tốt thì sẽ có quy hoạch tốt, từ đó có các dự án tốt, nhà đầu tư tốt, góp phần thực hiện quy hoạch hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch: luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân; quy hoạch phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.
Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch: tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và tổ chức thực hiện khai thác tốt; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải bằng được; xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; huy động nguồn lực thực hiện gồm nguồn lực của Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, trong đó nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài; đồng thời không thể thiếu nguồn lực bên ngoài là vốn, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị. Phát huy các động lực truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và coi trọng, bổ sung các động lực tăng trưởng mới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Thủ tướng lưu ý, việc huy động nguồn lực của tỉnh phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với xu thế phát triển của thời đại, đó là chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Công tác tổ chức quy hoạch phải hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội, có trọng tâm, trọng điểm, xác định cái gì cần làm trước, làm sau; làm việc nào dứt việc đó; vận dụng sáng tạo nghệ thuật “chiến tranh nhân dân” trong phát triển kinh tế hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng, nằm giữa đất nước, là cầu nối giữa bắc và nam, do đó phát triển Huế toàn diện là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên mang tính hàng đầu. Thừa Thiên Huế có lợi thế kinh tế biển và đầm phá, do đó phải phát huy tối đa đặc thù này. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, văn hiến, văn hóa…
Bày tỏ vui mừng trước những kết quả quan trọng mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh". Theo đó, “1 trọng tâm” là: huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, đầu tư cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
“2 tăng cường” gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối văn hóa và du lịch, hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thị trường.
“3 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng cho khu vực, thế giới; nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của địa phương; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ:
Thứ nhất, phải bảo đảm tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Tỉnh cần tập trung phối hợp bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Thứ hai, phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.
Thứ ba, phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn. Nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô - Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Quần thể di tích Cố đô Huế...
Thứ tư, quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này.
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số như PAPI, PCI...; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, đối với nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải phổ biến, quán triệt bản Quy hoạch để họ hiểu, cùng làm, với tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển.
Về nhiệm vụ của các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thủ tướng nhấn mạnh: tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố.
Thủ tướng đề nghị đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư: phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần “ba cùng”: “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh… Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cùng với tỉnh để thực hiện chính sách “3 thông”: chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh. Đóng góp ý kiến tham vấn cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ. Tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa kinh doanh là các bên cùng thắng, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội. Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; tạo khí thế, động lực mới cho phát triển. Các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ giám sát, thực hiện hiệu quả Quy hoạch; điều chỉnh phù hợp, khách quan; chống sách nhiễu phiền hà; địa phương phải cùng với Trung ương, vùng phát huy sức mạnh tổng hợp khi thực hiện Quy hoạch.
* Sáng cùng ngày, trong chương trình công tác tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2.
Cùng dự có đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam, được thành lập theo sắc lệnh của vua Thành Thái năm thứ 6 (1894). Trải qua 130 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện không ngừng lớn mạnh ngày càng hiện đại cùng đội ngũ thầy thuốc có trình độ cao, tâm huyết với nghề.
Là bệnh viện hạng đặc biệt với 3 cơ sở, quy mô trên 5.000 giường bệnh và có trên 4.100 nhân viên. Bệnh viện Trung ương Huế hằng năm tiếp nhận gần 1 triệu lượt bệnh nhân trong và ngoài nước đến khám, điều trị; phẫu thuật gần 50.000 ca.
Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới áp dụng trong các chuyên ngành, đặc biệt là ghép tạng (gần 2000 ca), trong đó có rất nhiều ca ghép tạng xuyên Việt (đứng đầu cả nước).
Bệnh viện đã được Chính phủ và Bộ Y tế chọn là 1 trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt được nâng cấp quy hoạch trở thành bệnh viện ngang tầm quốc tế. Đặc biệt Bệnh viện Trung ương Huế còn có các lợi thế để trở thành một “trung tâm du lịch chăm sóc sức khỏe” khi hội tụ các yếu tố vô cùng thuận lợi.
Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế khánh thành từ năm 2014 là cơ sở y tế đạt chuẩn Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam ở Bệnh viện công lập, với quy mô 300 giường bệnh đạt chuẩn Quốc tế, được trang bị cơ sở vật chất hiện đại và các trang thiết bị tiên tiến, các thiết bị y tế thuộc loại hiện đại nhất như hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính phổ 512 Revolution (GE, Hoa Kỳ), MRI 1.5 T SIGNA Explorer AIR IQ mang lại chất lượng hình ảnh vượt trội, phẫu thuật nội soi 3D, 4K, Spy Glass phát hiện sớm ung thư, máy xạ trị kỹ thuật mới,… là những bước đột phá trong công tác chẩn đoán, điều trị và triển khai các dịch vụ chất lượng cao. Bệnh viện đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng khám và chữa bệnh cho bệnh nhân trong và ngoài nước, hằng năm,
Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế thu hút gần 200.000 lượt bệnh nhân, phẫu thuật hơn 8.000 bệnh nhân. Công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt xấp xỉ 100%. Nhu cầu khám chữa bệnh tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế ngày càng tăng cao, có nhiều thời điểm đã bị quá tải.
Với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân trong và ngoài nước, khách du lịch nước ngoài; việc mở rộng Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế là nhu cầu cấp bách, và dự án Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2 đã được ra đời.
Dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 3603/QĐ-BYT với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng phần xây dựng và gần 100 tỷ đồng phần trang thiết bị y tế. Công trình có quy mô đầu tư gồm một tòa nhà 6 tầng nổi và 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng 21.000 m2, với đầy đủ hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại.
Công trình gồm các phòng mổ Hybrid, hệ thống thận nhân tạo, hệ thống xét nghiệm Full Automation, hệ thống chẩn đoán hình ảnh hoàn chỉnh, PACS, LIS, HIS… kết hợp hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng khả năng tiếp nhận thêm 300 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế (5 sao). Tiến độ từ khi khởi công xây dựng - hoàn thành là 700 ngày.