Thực hiện trách nhiệm nêu gương ở Bắc Ninh

Xác định rõ trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, có vai trò động lực tạo chuyển động tích cực cho cả bộ máy, các cấp ủy tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp có tính sáng tạo. Hiệu quả của công tác trên được ghi nhận từ thực tế, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ðổi mới tác phong, lề lối làm việc

Chúng tôi tới phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh vào thời điểm cả hệ thống chính trị cùng người dân hợp sức triển khai các biện pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ðảng ủy phường đã ban hành nghị quyết chuyên đề. UBND phường xây dựng kế hoạch, triển khai tới khu phố. Cán bộ, đảng viên được phân công trực tiếp xuống cơ sở theo dõi, đôn đốc, quản lý từng hộ dân để áp dụng các biện pháp chống lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Bí thư Ðảng ủy phường Nguyễn Tiến Lợi cho biết, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, trước hết từ các cấp ủy viên, nói đi đôi với làm. Cấp ủy nêu gương thực hiện quy chế làm việc. Qua chủ đề công tác năm, Ðảng ủy chỉ đạo, phân công đúng người, đúng việc.

Vấn đề nổi lên trên địa bàn phường Khắc Niệm là tình trạng ô nhiễm do ảnh hưởng từ các làng nghề làm bún. Chất thải từ hơn 160 máy làm bún không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp. Khắc phục tình trạng này, Ðảng ủy phường đã thành lập Ban Chỉ đạo, đồng chí Bí thư làm trưởng ban, thành viên là lãnh đạo ủy ban, cấp ủy viên, người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Ở các khu dân cư, thành lập các tổ tự quản vận động nhân dân giữ vệ sinh. Bí thư chi bộ và tổ trưởng dân phố có trách nhiệm chỉ đạo và kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm… Sau các buổi sinh hoạt chi bộ, nội dung này thường xuyên được thông tin đến người dân. Sau hai năm, tình trạng ô nhiễm cơ bản được khắc phục, người dân có ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh môi trường.

Theo Bí thư Thành ủy Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, Ban Thường vụ Thành ủy khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tác phong làm việc khoa học, dân chủ, cầu thị và lắng nghe, song hành với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ban Thường vụ Thành ủy lập tổ giám sát, tăng cường giám sát đột xuất, không báo trước. Thành ủy thực hiện nghiêm quy định cấp ủy đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ, qua đó, giao việc cho cấp ủy cơ sở và đảng viên, đi liền với giám sát, đôn đốc. Người đứng đầu phải có sức lôi cuốn cả đội ngũ vào việc nhằm phát huy trí tuệ tập thể; động viên, phê bình hợp lý, hợp tình. Khi đã giao việc cần tin tưởng, đồng thời theo dõi chất lượng, tiến độ, truy đến cùng những vướng mắc, tồn tại ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm… Ðã có đơn vị như phường Võ Cường phải thay thế hầu hết các vị trí cán bộ chủ chốt do không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy đã ban hành và triển khai hiệu quả những nghị quyết phù hợp và đáp ứng đòi hỏi của thực tế. Cụ thể như nghị quyết về tăng cường trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị; về đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn; tăng cường công tác vệ sinh môi trường… Nhờ đó, thành phố đã có thay đổi rõ nét. Các tuyến phố văn minh đô thị, phố chuyên doanh hình thành, tăng tỷ lệ công viên, cây xanh, khu vui chơi miễn phí phục vụ cộng đồng, xóa bỏ đường đất, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng đến các khu dân cư…

Tại Huyện ủy Tiên Du, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Ðình Phương cho biết, việc thực hiện vai trò nêu gương, đổi mới tác phong luôn gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Tất cả các cấp ủy đảng từ huyện tới cơ sở nghiêm túc rà soát, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp từng ngành, địa phương, đơn vị, với phương châm "sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện". Qua ba đợt kiểm tra, giám sát, 100% các đơn vị trực thuộc đều xây dựng chương trình hành động của tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy về đăng ký việc làm theo. Trong đó, xác định rõ nội dung đột phá ở từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, từng vị trí và trách nhiệm cá nhân.

Từ năm 2011, Tỉnh ủy đã triển khai quy định về cấp ủy đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ. Quy định yêu cầu mỗi cấp ủy đi cơ sở ít nhất một tháng một lần, dự sinh hoạt chi bộ cơ sở ít nhất mỗi quý một lần, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy các cấp đối với cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Năm 2018, 100% các đồng chí Tỉnh ủy viên dự sinh hoạt chi bộ theo quy định, tương ứng 229 lượt, tăng 25 lượt so với năm 2017. Một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã dự hơn bảy buổi trong năm. Qua đó, các đồng chí Tỉnh ủy viên nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở địa bàn phụ trách theo dõi, phát hiện tình hình, kịp thời chỉ đạo hướng giải quyết; nâng cao chất lượng cấp ủy, nội dung, nền nếp sinh hoạt chi bộ.

Tăng cường đối thoại, giải quyết bức xúc

Huyện Tiên Du là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, Huyện ủy đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, tiến tới xây dựng đô thị loại 4. Với điều kiện chủ quan, khách quan, có sự điều chỉnh lộ trình hợp lý, mục tiêu huyện nông thôn mới đã về đích trước bốn năm (so mục tiêu năm 2020 đề ra trước đó). Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Ðình Phương, kết quả ghi nhận sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó, việc đối thoại, giải quyết bức xúc ngay từ cơ sở đóng vai trò quan trọng. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua Trung tâm hành chính công cấp huyện, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đối thoại trực tiếp với nhân dân; đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm… đã tạo điều kiện tốt cho người dân và doanh nghiệp; cơ bản ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai ở cơ sở. Một số việc bức xúc, nổi cộm kéo dài trên địa bàn các xã Tri Phương, Tân Tri, Liên Bão… được giải quyết triệt để. Tại xã Nội Duệ, lãnh đạo xã đã tổ chức sáu buổi đối thoại, tập trung giải quyết hiệu quả việc thu hồi đất dự án Ðồng Bươu, Bờ Hới, Cửa Miếu, dự án trạm y tế điểm dân cư nông thôn tại thôn Lộ Bao…

Tại xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Hữu Trang nêu vấn đề, là địa phương đầu tiên trong tỉnh phát triển công nghiệp, với hai khu công nghiệp tập trung Tiên Sơn và Ðại Ðồng - Hoàn Sơn, với 85% diện tích đất hai xã. Số lượng công nhân tại địa phương thường ở mức gần 18 nghìn người, gấp rưỡi so số khẩu thường trú của xã. Do đó, địa phương luôn tiềm ẩn phức tạp nảy sinh, do hạ tầng, môi trường, trường học, y tế đều quá tải. Ðối thoại với người dân để giải quyết bức xúc ngay từ cơ sở luôn được cấp ủy coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Nhiều tranh chấp đất đai, mâu thuẫn ở khu dân cư, khiếu kiện trong đền bù, giải phóng mặt bằng… đã được tháo gỡ qua đối thoại trực tiếp.

Tham gia buổi đối thoại với gia đình bà Nguyễn Thị Vọng, khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh về việc bồi thường, hỗ trợ hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp cho dự án làng nghề, có đầy đủ cán bộ chủ chốt: Bí thư, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND phường và phòng, ban liên quan. Những kiến nghị, khúc mắc đã được hai bên đối thoại thẳng thắn, rõ quan điểm và đúng quy định. Những yêu cầu của gia đình đã được đồng chí Bí thư Ðảng ủy trả lời và kết luận rõ, đồng thời vận động gia đình phối hợp để hoàn thành dự án phát triển làng nghề đã được UBND tỉnh phê duyệt triển khai.

Theo Tỉnh ủy Bắc Ninh, quy định lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân được thực hiện từ năm 2013. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong các tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đối thoại với nhân dân trên các lĩnh vực nhằm giải quyết vấn đề được dư luận và nhân dân quan tâm trong từng giai đoạn. Quy định bắt buộc lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân ít nhất hai lần trong năm. Kết quả thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân là cơ sở để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ hằng năm của lãnh đạo các cấp và được nêu trong báo cáo kết quả công tác của cán bộ, đảng viên để giám sát. Năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 485 hội nghị đối thoại, trong đó, cấp tỉnh tổ chức 16 cuộc, cấp huyện là 163 và 316 cuộc cấp xã, hiệu quả góp phần rất lớn ổn định tình hình để phát triển trên địa bàn tỉnh.

Khẳng định chuyển biến mạnh mẽ trong tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, đó là cả quá trình, với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có tác động tích cực, lan tỏa đối với cả hệ thống chính trị. Nêu gương trước hết đối với bản thân, với tập thể và với công việc. Ðó là cơ sở nền tảng tạo sự thống nhất, đoàn kết nội bộ, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân. Ba năm đầu nhiệm kỳ, Bắc Ninh đã huy động sức mạnh tổng hợp hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16 trong số 26 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đứng đầu cả nước về giá trị sản xuất nông nghiệp; đứng thứ hai về GRDP bình quân đầu người (6.500 USD)… Ðây là kết quả tạo đà để Bắc Ninh hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 19, chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng; hoàn thành mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Lâm Phương Sơn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/41036202-thuc-hien-trach-nhiem-neu-guong-o-bac-ninh.html