Thực hiện văn hóa công vụ, góp phần nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công

Những năm gần đây, chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An luôn nằm trong tốp 10 của cả nước, tuy nhiên, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có chiều hướng giảm. Một trong những giải pháp góp phần nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh hiện nay là thực hiện tốt văn hóa công vụ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính (CCHC).

Thay đổi tác phong phục vụ nhân dân

Gần 11 giờ trưa, ông Nguyễn Công Bằng, ngụ ấp 1, xã biên giới Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, vui vẻ bước ra từ Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hồ sơ hành chính của xã. Ông nhận xét: “Cán bộ ở đây đón tiếp chúng tôi niềm nở và hướng dẫn rất nhiệt tình. Thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, giải quyết nhanh, gọn”.

Chuẩn mực ứng xử của công chức đối với người dân khi giải quyết công việc là phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc

Chuẩn mực ứng xử của công chức đối với người dân khi giải quyết công việc là phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị - Nguyễn Thanh Phú cho biết: “Góp phần nâng cao chỉ số PAPI, chúng tôi ban hành Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động trong cơ quan, đơn vị. Theo đó, quy định chi tiết về ứng xử tại nơi làm việc từ giao tiếp đến những việc không được làm,… góp phần tạo sự hài lòng cho người dân, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì nhân dân phục vụ”.

“Là công chức phụ trách tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, tôi luôn tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ. Đặc biệt, khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp, tôi luôn giữ thái độ hòa nhã, không hách dịch, nhũng nhiễu, cửa quyền” - cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hồ sơ hành chính xã Thạnh Trị - Lê Thị Băng Châu chia sẻ.

Phía trước Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hồ sơ hành chính xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng có tấm bảng treo khá lớn với dòng chữ in đậm: “CBCCVC xã Vĩnh Thạnh thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện mô hình Năm Dân vận chính quyền với phương châm “4 xin, 4 luôn””. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Võ Ngọc Nhồi thông tin: “Mỗi ngày, nhìn vào tấm bảng này, CBCCVC xã nói chung, cán bộ “một cửa” nói riêng thực hiện tốt các nội dung “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe thấu hiểu, luôn giúp đỡ). Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết TTHC, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCCVC.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Võ Ngọc Nhồi, thực hiện văn hóa công sở, cán bộ tiếp dân ngoài nắm vững các quy chế, nguyên tắc, thủ tục, hướng dẫn cặn kẽ còn phải làm việc đúng giờ quy định, giải quyết TTHC nhanh, gọn, công khai, minh bạch. Muốn vậy, cán bộ phải thường xuyên rà soát, bổ sung, hệ thống hóa các văn bản chính sách thuộc lĩnh vực theo thẩm quyền, chỉnh sửa và bổ sung theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với các văn bản mới ban hành.

Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 733/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của CBCCVC; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có Quyết định 319/QĐ-BNV, ngày 18/4/2019 triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; trong đó, có các nội dung cụ thể tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.

Thông tin từ Sở Nội vụ, qua theo dõi, đánh giá từ hoạt động thanh tra công vụ cơ quan hành chính nhà nước cho thấy, sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo, sự giám sát tích cực của tổ chức Công đoàn, cuộc vận động thực hiện văn hóa công vụ dần đi vào nề nếp. Qua đó, góp phần làm thay đổi tinh thần làm việc, tác phong phục vụ nhân dân, hình thành tác phong công nghiệp; hình ảnh người CBCCVC trở nên đẹp hơn trong cái nhìn của doanh nghiệp và người dân.

Tiếp tục cải thiện và nâng chỉ số PAPI

PAPI là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Kết quả xếp hạng PAPI năm 2018 của tỉnh đạt 43,58/80 điểm, thuộc nhóm thứ 3 đạt điểm trung bình thấp, đứng hàng thứ 35/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 24 bậc so với năm 2017. Một trong những “điểm trừ” khiến tỉnh bị tụt hạng là 3/4 chỉ số nội dung thành phần thuộc thủ tục hành chính công năm 2018 giảm hơn so với năm 2017: Dịch vụ chứng thực, xác thực của chính quyền cơ sở giảm 0,02 điểm; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm 0,07 điểm và dịch vụ hành chính công cấp xã giảm 0,08 điểm. Qua đây cho thấy, người dân chưa thật sự được tạo điều kiện tham gia, trải nghiệm việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động bộ phận “một cửa” góp phần cải thiện chỉ số PAPI

Nâng cao hiệu quả hoạt động bộ phận “một cửa” góp phần cải thiện chỉ số PAPI

Để tiếp tục cải thiện, nâng chỉ số PAPI, năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung triển khai đẩy mạnh công tác CCHC gắn với thực hiện Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg. Đề án nêu rõ, chuẩn mực ứng xử của CCVC đối với người dân khi giải quyết công việc là phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc và giải quyết cặn kẽ đối với người dân, trong đó có quy định “4 xin và 4 luôn”. Thế nhưng, hiện nay, không ít CBCC cơ quan nhà nước khi tiếp xúc, giao dịch với người dân còn thái độ cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà, nhũng nhiễu.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị - Nguyễn Thanh Phú, việc thực thi công vụ hiện nay cần hướng vào những giá trị cơ bản, giá trị đặc biệt của nền công vụ - đó là giá trị phục vụ với tư cách phục vụ nhân dân. Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, một trong những khâu đột phá, vì vậy, người đứng đầu cũng như toàn thể CBCC của cơ quan, đơn vị cần nỗ lực trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thái độ, đạo đức tốt trong việc thực thi văn hóa công vụ.

Hiện nay, cùng với đẩy mạnh xây dựng văn hóa công vụ, Long An triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI; trong đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tham gia vào quá trình ra quyết định của địa phương. Các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, xã tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của chính quyền cơ sở, chủ động tiếp thu, phản hồi ý kiến của công dân; xây dựng và thực hiện quy trình ban hành, thực thi chính sách có sự tham gia đầy đủ, mở rộng của mọi tầng lớp nhân dân; tăng công tác thanh tra công vụ: thanh tra thường xuyên, đột xuất,... Qua đó, tạo sự chuyển mạnh mẽ, hiệu quả trong thực hiện kỷ cương hành chính, làm cốt lõi để lan tỏa, xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội./.

Phong Nhã

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/thuc-hien-van-hoa-cong-vu-gop-phan-nang-cao-chi-so-quan-tri-va-hanh-chinh-cong-a91612.html