Thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng tại Hà Nội: Chung tay phòng, chống dịch

Những ngày qua, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, người dân trên địa bàn Thủ đô đã ý thức sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng; rửa tay diệt khuẩn mọi lúc, mọi nơi; giữ khoảng cách khi tiếp xúc cộng đồng, xếp hàng khi mua hàng tại siêu thị... Khu vực công cộng luôn là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19, vì thế mỗi người dân Thủ đô cần thực hiện nghiêm các quy định trên để góp phần chung tay phòng, chống dịch.

Người dân thực hiện nghiêm các quy định tại nơi công cộng góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Ảnh: Lê Tuấn

Trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng

Vẫn giữ nếp chạy thể dục buổi sáng ven hồ Giảng Võ, song trong những ngày thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, ông Phạm Quang Duy (phố Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, quận Ba Đình) chủ động tập một mình, không hẹn người quen chạy cùng. Ông Duy chia sẻ: “Cả nước đang gồng mình chống dịch, mình không thể vì thói quen cá nhân mà ảnh hưởng đến nỗ lực chung”. Cùng một cách hành xử, tại nhà thuốc Phương Chính (phố Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) cảnh chen lấn đông đúc thường thấy đã được thay bằng hình ảnh người dân đeo khẩu trang, xếp hàng trật tự, giãn cách 2m, chờ đến lượt mua hàng.

Còn tại siêu thị Big C (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), các kệ hàng ăm ắp nhu yếu phẩm và khách hàng tuân thủ hướng dẫn giãn cách khi mua hàng. Mua hàng tại siêu thị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (phố Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy) cho biết: “Thời điểm này, gia đình tôi chủ yếu ở nhà, chỉ ra đường khi có việc thực sự cần và vật dụng không thể thiếu của mỗi thành viên là khẩu trang, chai nước rửa tay diệt khuẩn”.

Những thay đổi như thế trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của người dân không chỉ diễn ra ở các quận nội thành, mà còn lan tỏa tới nhiều làng quê ngoại thành của Hà Nội để chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Đó là việc người dân ở nhiều thôn, xóm hạn chế ra đường, giãn cách xã hội khi tiếp xúc tại nơi công cộng, sử dụng khẩu trang và vệ sinh tay thường xuyên khi ra ngoài... Tại chợ Huyện (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai), cảnh họp chợ đông đúc thường ngày đã thay đổi khi nay chỉ còn một vài quầy bán rau, thịt, cá phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân...

Tương tự tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, cũng không còn cảnh người dân tụ tập trò chuyện nơi công cộng và đều sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Người dân Hà Nội thực hiện giữ đúng khoảng cách khi mua hàng tại các siêu thị. Ảnh: Quang Thái

Lan tỏa tinh thần “chung tay chống dịch”

Thành phố Hà Nội và cả nước đang trải qua những ngày đặc biệt khi toàn dân hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, khu vực công cộng luôn là nơi có nguy cơ cao khiến dịch Covid-19 lây lan. Do đó, thực hiện nghiêm các quy định tại nơi công cộng là hết sức quan trọng giúp phòng, chống dịch hiệu quả. Việc hầu hết người dân khi ra đường đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp xã hội đã thể hiện ý thức, nhận thức của mỗi người dân trước nguy cơ về dịch bệnh, từ đó có cách ứng xử phù hợp nơi công cộng.

Dù vẫn còn một số biểu hiện, cách hành xử chưa đúng ở nơi này, nơi khác, song có thể thấy, đông đảo người dân trên địa bàn Hà Nội ý thức rõ trách nhiệm của mình với việc đồng lòng cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long bày tỏ, không bất ngờ trước sự chuyển đổi về ý thức, hành vi của người dân Thủ đô trong những ngày qua. Ngoài việc các ngành, các cấp thực hiện thông tin kịp thời, minh bạch về tình hình dịch bệnh; hướng dẫn, khuyến cáo đầy đủ về phương pháp phòng, chống dịch, thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch ở các địa phương cũng góp phần lan tỏa ý thức trách nhiệm, văn hóa ứng xử trong mùa dịch.

Đồng tình với nhận xét trên, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, ý thức trách nhiệm, văn hóa ứng xử nơi công cộng của người dân có tính chất quyết định với hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh. Để khơi dậy, lan tỏa điều này, quận Tây Hồ đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về phòng, chống dịch gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố.

Cũng với tinh thần như thế, tại huyện Ba Vì, công tác tuyên truyền cổ động trực quan được đẩy mạnh. Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Nguyễn Việt Giao cho biết, huyện duy trì các chương trình truyền thanh ba buổi mỗi ngày, cùng với đó là thông tin bằng xe tuyên truyền lưu động hằng ngày. Ngoài ra, tại các thôn, xóm cũng treo các băng rôn, khẩu hiệu về phòng, chống dịch...

Phát huy hơn nữa hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 trong xây dựng, lan tỏa văn hóa ứng xử nơi công cộng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục có những hướng dẫn về đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, gắn với phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, nhấn mạnh vào việc vận động người dân hạn chế ra đường, không xả rác bừa bãi, chủ động dọn vệ sinh trước cửa nhà cũng như tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay sau khi tham gia các hoạt động ở nơi công cộng... Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, Sở vừa ban hành kế hoạch tổ chức trang trí tuyên truyền, cổ động trực quan, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh ở mỗi cá nhân.

“Các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được tăng cường nhiều hơn nữa trên Bản tin văn hóa Hà Nội và Cổng thông tin điện tử của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố. Hà Nội cũng tổ chức 30 cụm pa nô ở dải phân cách và treo 5.000 băng rôn dọc các tuyến phố chính thuộc khu vực trung tâm thành phố. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô cũng được yêu cầu trang trí tuyên truyền cổ động trực quan, bằng nhiều hình thức, như: Cụm pa nô, băng rôn, biểu ngữ..., góp phần củng cố, lan tỏa tinh thần chung tay chống dịch từ những việc nhỏ bé, giản đơn nhưng phù hợp với vai trò, trách nhiệm của mỗi người trước cộng đồng”, bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/963420/thuc-hien-van-hoa-ung-xu-noi-cong-cong-tai-ha-noi-chung-tay-phong-chong-dich