Thực hiện xã hội hóa y tế thế nào để tránh bị lạm dụng?

Tại hội thảo góp ý dự án Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi, chuyên đề về xã hội hóa, hợp tác công tư trong khám, chữa bệnh, một số ý kiến cho rằng, vẫn có tình trạng lạm dụng dịch vụ khám chữa bệnh xã hội hóa để tăng thu, góp phần tăng chi phí y tế, đặc biệt là tăng chi trả trực tiếp từ tiền túi cho y tế.

Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế bày tỏ lo ngại về tình trạng lạm thu, làm mất công bằng của hệ thống y tế.

Ông NGUYỄN HOÀNG LONG - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế: “Tôi đề nghị trong các văn bản và hướng sắp tới thì chúng ta phải cân nhắc việc này để tránh để tư nhân vào nhằm kiếm chác thì sẽ làm lệch định hướng của mình. Mà nên tập trung vào những lĩnh vực mà Tư nhân có lợi thế để cùng y tế công để phát triển ngành, là mục đích chúng ta mong muốn nhất.”

Các đại biểu có ý kiến đồng tình, cho rằng lo ngại này là đúng. Thế nhưng, việc này hoàn toàn có thể giải quyết nếu có quy định rõ cách tính giá cho các dịch vụ khám chữa bệnh xã hội hóa.

Bà TRƯƠNG LÊ HOÀNG ANH THY - Chuyên gia về pháp lý và quản trị xã hội: “Tôi nói đúng, cái đó là do không công khai minh bạch. Chỉ nội bộ thôi thì đố ai biết được. Bây giờ 1 thiết bị đó, hợp đồng 2 tháng, 5 năm hay 10 năm? Làm sao quyết định 5 năm hay 10 năm, làm sao quyết được giá dịch vụ là bao nhiêu? Có cách tính hết. Tại sao chúng ta không tính ra?”

Đại diện phía doanh nghiệp và cơ sở y tế tư nhân bày tỏ mong muốn được đồng hành cùng Nhà nước trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, cần phải có khung hành lang pháp lý một cách minh bạch, đặc biệt là trong việc sử dụng máy đặt, máy mượn.

Chị TRƯƠNG THỊ TỐ HOA - Đại diện công ty TNHH Roche Việt Nam: “Theo góc nhìn của doanh nghiệp thì đây là 1 hợp đồng giao dịch kinh tế chứ không phải đi vào quản lý tài sản công theo phân tích của Bộ tài chính. Giữa các ban ngành tranh cãi, thì doanh nghiệp chịu 1 áp lực rất lớn là cho máy hoặc cho thuê dưới hình thức tượng trưng. Tất cả những cái đó tôi thấy chưa minh bạch.”

Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ - Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân: “Rất muốn chính phủ và Quốc hội điều chỉnh ngay, sớm để cộng đồng doanh nghiệp được yêu nước, được cống hiến nhiều hơn.”

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định xã hội hóa y tế là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và cần được thể hiện bằng Luật định.

Bà cũng khẳng định xã hội hóa không phải là cắt giảm ngân sách Nhà nước cho y tế. Bên cạnh đó, bà lưu ý việc không được thực hiện cổ phần hóa bệnh viện.

Bà ĐÀO HỒNG LAN - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: “Nhà nước rất khuyến khích các thành phần tư nhân cùng tham gia như xây bệnh viện tư, phòng khám… Tuy nhiên, một chủ trương trong kết luật của Bộ Chính trị năm 2009 đó là chúng ta không thực hiện cổ phần hóa bệnh viện. Cái này phải quán triệt rất rõ ràng. Và đối với bệnh viện công, đây là cơ sở an sinh xã hội trụ cột của nhà nước, chúng ta không thể thoát ra được những nguyên tắc đã được định hướng.”

Trên cơ sở ghi nhận góp ý của các đại biểu, dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào tháng 9/2022 và được biểu quyết thông qua vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 10 năm nay.

Thực hiện : Phương Thảo Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thuc-hien-xa-hoi-hoa-y-te-the-nao-de-tranh-bi-lam-dung