Thực hiện xuất sắc vai trò tham mưu, chỉ huy Quân đội trong các giai đoạn cách mạng
LTS: Sáng 26-8, tại Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) tổ chức Hội thảo khoa học 'BTTM Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1945-2020)'.
Đây là một trong chuỗi hoạt động trọng tâm kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống BTTM (7-9-1945/7-9-2020). Gần 90 tham luận gửi về Ban tổ chức, tập trung làm sáng tỏ nhiều vấn đề, đồng thời thống nhất đánh giá: Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, BTTM đã thực hiện xuất sắc vai trò tham mưu, đề xuất và tổ chức, chỉ huy quân đội trong các giai đoạn cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu một số ý kiến tại hội thảo.
* Trung tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng:
Đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp bảo vệ vùng trời Tổ quốc
Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BTTM đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, có đóng góp đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp bảo vệ vùng trời Tổ quốc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trước yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, BTTM đã tập trung chỉ đạo huấn luyện, xây dựng lực lượng đánh địch trên không ngày càng vững mạnh. Vì vậy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng phòng không, nòng cốt là Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận chuyển chiến dịch, bảo vệ các sư đoàn chủ lực và lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch; bao vây khống chế sân bay, cắt cầu hàng không của địch; bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại, góp phần to lớn vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, cùng với sự phát triển các quân, binh chủng, BTTM đã tham mưu, chỉ đạo xây dựng bộ đội phòng không-không quân (PK-KQ) nhanh chóng phát triển lực lượng và nghệ thuật tác chiến, lập nên nhiều chiến công, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như các chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng (năm 1967, 1972), bảo vệ giao thông vận chuyển chiến lược trên chiến trường Quân khu 4 (năm 1968); hoàn thành tốt nhiệm vụ chi viện kịp thời cho bộ binh, xe tăng và pháo binh, góp phần vào thắng lợi to lớn của toàn bộ chiến dịch tiến công chiến lược trên hướng chủ yếu Trị-Thiên (năm 1972). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, BTTM chỉ đạo lực lượng PK-KQ luôn cơ động bám sát đội hình của bộ đội binh chủng hợp thành, chiến đấu giành thắng lợi oanh liệt trong Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng PK-KQ đã tổ chức đánh địch cả trên không và mặt đất, yểm trợ cho 5 cánh quân thần tốc tiến công vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong tình hình hiện nay, để bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc, BTTM đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng tiếp tục xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, giữ vững vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận bảo vệ vùng trời Tổ quốc, tập trung vào một số nội dung, giải pháp quan trọng. Trước hết, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về tình hình nhiệm vụ quốc phòng, xác định đúng đối tác, đối tượng tác chiến trong tình hình mới. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo duy trì, giữ vững nền nếp công tác tham mưu tác chiến, SSCĐ, quản lý vùng trời; làm tốt công tác xây dựng thế trận lực lượng phòng không 3 thứ quân và không quân toàn quân ngay từ thời bình, có khả năng chiến đấu cao, vững chắc và chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời trong các tình huống tác chiến, phù hợp với thực tiễn; tổ chức thực hiện nghiêm quy định về các chế độ SSCĐ, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay; xây dựng hệ thống sở chỉ huy các cấp có trang bị hiện đại, vững chắc, khả năng SSCĐ cao, bảo đảm chỉ huy thường xuyên, liên tục trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng SSCĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...
PHẠM HUY (ghi)
* Thiếu tướng Trương Minh Khải, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9:
Không ngừng củng cố thế trận quốc phòng ở cực Nam Tổ quốc
Quân khu 9 là địa bàn chiến lược quan trọng ở cực Nam của Tổ quốc, được xác định là hướng chỉ đạo trọng điểm của BTTM. Trong 3 thập niên kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự chỉ đạo của BTTM, LLVT 3 thứ quân của Quân khu 9 được xây dựng vững mạnh, trưởng thành, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, viết nên truyền thống “Quân dân đoàn kết, kiên cường bám trụ, tự lực tự cường, anh dũng chiến đấu”.
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của BTTM, LLVT Quân khu 9 đã tiến hành hiệu quả công tác huấn luyện, diễn tập. Thông qua diễn tập, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và vai trò làm tham mưu của cơ quan quân sự các cấp đạt hiệu quả ngày càng cao.
Những năm tới, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 765/NQ-QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện, LLVT Quân khu 9 xác định trước hết phải quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cùng với đó, từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, gắn với yêu cầu “nhanh, mạnh, chính xác” đối với lực lượng thường trực, “thiết thực, chất lượng, hiệu quả” đối với lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát nhiệm vụ, sát địa bàn hoạt động của từng lực lượng, từng đơn vị, từng địa phương, gắn với tổ chức biên chế, trang bị hiện nay và khả năng phát triển trong tương lai. Trong huấn luyện lấy thực hành là chính, tăng thời gian huấn luyện đêm để đưa bộ đội sát với thực tế chiến đấu. Tổ chức tốt nhiệm vụ huấn luyện và các cuộc diễn tập; kết hợp hiệu quả giữa huấn luyện dã ngoại với làm công tác vận động quần chúng ở các địa phương trên địa bàn; giữa huấn luyện với xây dựng nền nếp chính quy, quản lý và duy trì kỷ luật; tổ chức tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm huấn luyện kịp thời, thực chất, hiệu quả ở các cơ quan, đơn vị.
Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của BTTM, LLVT Quân khu 9 sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện và không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, tạo nên sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận quốc phòng ngày càng vững chắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
MỸ HƯƠNG (ghi)
* Đại tá Đàm Xuân Tuấn, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân:
Chỉ đạo xây dựng lực lượng hải quân tiến thẳng lên hiện đại
Thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới và các quan điểm, tư tưởng của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ, BTTM đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền chủ trương xây dựng Quân chủng Hải quân (QCHQ) tiến thẳng lên hiện đại.
Vai trò tham mưu, chỉ đạo xây dựng QCHQ tiến thẳng lên hiện đại của BTTM thể hiện nổi bật trên một số nội dung cơ bản. Trước hết, BTTM đã tham mưu, chỉ đạo đối với việc xây dựng chủ trương đưa quân chủng tiến thẳng lên hiện đại. BTTM đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng báo cáo, đề xuất Trung ương Đảng ban hành các chủ trương, giải pháp xây dựng LLVT, trong đó ưu tiên xây dựng hải quân tiến thẳng lên hiện đại; đồng thời chỉ đạo QCHQ nghiên cứu xây dựng Đề án “Xây dựng QCHQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” báo cáo BTTM, trình QUTƯ, Bộ Chính trị... qua đó tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho việc xây dựng, phát triển QCHQ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ hai, đã tham mưu, chỉ đạo về xây dựng tổ chức biên chế, vũ khí trang bị hải quân tiến thẳng lên hiện đại, bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thời bình và tác chiến bảo vệ biển, đảo, BVTQ trên hướng biển khi có chiến tranh, xung đột xảy ra. Đến nay, QCHQ đã hình thành các vùng hải quân dọc bờ biển đất nước. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân chủng được nâng lên rõ rệt; vừa có lực lượng phòng thủ tại chỗ, vừa có lực lượng cơ động chi viện, có khả năng tác chiến bảo vệ các mục tiêu chiến lược trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tổ quốc.
Thứ ba, BTTM đã chỉ đạo QCHQ nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, xây dựng chính quy, hiện đại, quản lý kỷ luật. Theo đó, quân chủng đã đầu tư xây dựng nguồn lực con người đồng bộ với lộ trình mua sắm vũ khí, trang bị hiện đại; tăng cường huấn luyện biển xa, điều kiện thời tiết phức tạp, đồng thời chú trọng tổ chức diễn tập có thực binh, bắn đạn thật, vòng tổng hợp, đối kháng; tổ chức diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng nhằm rèn luyện bản lĩnh, sức khỏe, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội và trình độ tổ chức, chỉ huy, tham mưu hiệp đồng tác chiến cho cán bộ...
Thứ tư, đã chỉ đạo xây dựng thế trận, nghiên cứu phát triển lý luận, nghệ thuật quân sự hải quân; chỉ đạo lấy hải quân làm nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các loại vũ khí để đánh địch hiệu quả.
Có thể khẳng định, sự chỉ đạo sâu sát của BTTM đã tạo điều kiện cho việc xây dựng QCHQ tiến thẳng lên hiện đại, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.