Thực hư bức ảnh 'bạch tuộc mất nhà trong siêu bão Yagi'
Một bức ảnh được chụp từ năm 2018 đang viral trên mạng xã hội với những thông tin sai lệch liên quan đến bão Yagi (bão số 3).
Tối 6/9, nhiều trang mạng xã hội đồng loạt chia sẻ bức ảnh một con bạch tuộc lơ lửng giữa không trung với những dòng chú thích như: "Một con bạch tuộc tại đảo Hải Nam, Trung Quốc khi bão Yagi ập vào, đã mất đi luôn nhà của mình" hay "Tưởng không thật nhưng mà thật đó, Hải Nam, Trung Quốc trong cơn bão".
Những trang này đều có hàng chục nghìn hay thậm chí là hàng trăm nghìn follower nên hình ảnh này nhanh chóng viral, thú hút cả triệu lượt tương tác.
Tuy nhiên, những thông tin này là hoàn toàn sai lệch. Bức ảnh con bạch tuộc này không hề liên quan đến bão Yagi, mà đã được chụp từ năm 2018. Hình ảnh được ghi lại tại thành phố ven biển Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc. Lúc đó, một số động vật biển bị vòi rồng, ảnh hưởng từ một cơn bão, cuốn vào đất liền và ném lên không trung, tạo nên "cơn mưa hải sản".
Một vài trang đăng sai thông tin đã sửa caption đính chính, trong khi những trang khác vẫn giữ bài đăng cũ.
Đây không phải lần đầu tiên các trang mạng xã hội chia sẻ thông tin sai lệch về bão Yagi. Trước đó, nhiều trang đã đăng bức hình chụp bão Maysak từ Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2015 với chú thích không rõ ràng hoặc có đề cập đến bão Yagi.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tới khoảng 7h hôm nay (7/9), vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Móng Cái (Quảng Ninh) cách khoảng 180 km về phía Đông Nam, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 220 km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166 km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/h. Đến 16h hôm nay, bão số 3 trên đất liền phía Đông Bắc Bộ, mạnh cấp 11, giật cấp 13.
Người dân cần chủ động theo dõi thông tin diễn biến bão để có ứng phó kịp thời, không chủ quan trước bão số 3. Tuy nhiên, mọi người cũng cần tìm hiểu thông tin từ nguồn đáng tin cậy, chính thống; tỉnh táo trước các bài đăng sai lệch, câu tương tác trên mạng xã hội.