Thực hư bức ảnh gây sửng sốt về em bé trong bão Helene

Cơ quan chức năng cảnh báo những hình ảnh giả mạo nạn nhân bão Helene, được tạo bởi AI, có thể bị dùng để lừa đảo quyên góp từ thiện.

Sau khi cơn bão Helene càn quét nhiều khu vực ở nước Mỹ, những thông tin giả mạo về thiệt hại do bão gây ra cũng tràn lan mạng xã hội, trong đó có bức ảnh cô bé ôm chú chó giữa cơn lũ lụt.

Trong những bức ảnh, cô bé đang mặc chiếc áo phao, ôm chặt lấy chú chó nhỏ và bật khóc, trong khi cơ thể đã ướt đẫm vì mưa. Hình ảnh xúc động được lan truyền chóng mặt trên các nền tảng, thu hút hàng triệu lượt yêu thích và bình luận.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn có thể nhận ra những điểm bất thường. Theo Fobes, đây là ảnh deepfake được tạo ra từ công nghệ AI.

Hai tấm ảnh về cô bé trong bão Helene được xác định là tạo bởi AI. Ảnh: Larry Avis West/Facebook.

Hai tấm ảnh về cô bé trong bão Helene được xác định là tạo bởi AI. Ảnh: Larry Avis West/Facebook.

Trong một bức hình, cô bé có vẻ thừa một ngón tay. Màu sắc và kiểu áo cũng khác nhau trong hai bức hình. Phần mũi của chú chó cũng khác nhau trong hai bức ảnh, một bên mũi màu vàng nhạt, trong khi tấm kia có mũi màu nâu đen.

Thượng nghị sĩ Mike Lee của bang Utah là một trong những người bị đánh lừa bởi bức ảnh này. Ông đã chia sẻ nó vào ngày 3/10. Sau đó, ông đã xóa nó sau khi người dùng chỉ ra rằng hình ảnh này là giả mạo.

Một người dùng Facebook cũng bị lừa bởi hình ảnh deepfake này và chia sẻ nó với dòng cảm xúc: "Lạy Chúa, hãy giúp đỡ những đứa con của chúng con và gia đình của chúng!".

Helene là cơn bão mạnh cấp 4 đã tàn phá khu vực Đông Nam nước Mỹ và giết chết hơn 200 người. Đây là cơn bão lớn thứ hai nếu tính đến thiệt hại về người ở Mỹ trong vòng 50 năm qua.

Cơn bão đã gây ra lũ lụt thảm khốc, khiến nhiều người mất nhà cửa. Công cuộc tìm kiếm người mất tích gặp trở ngại vì cầu đường nhiều nơi đã bị xóa sổ hoàn toàn, khiến việc tiếp cận trở nên rất khó khăn.

Theo Forbes, hình ảnh giả về thảm họa có thể gây ra hậu quả lâu dài, làm phức tạp các nỗ lực cứu trợ, tạo ra những câu chuyện sai lệch, làm mất lòng tin của công chúng trong thời kỳ khủng hoảng và gây tổn thương cho những nạn nhân thực sự.

Những hình ảnh AI này cũng có thể bị các nhóm lừa đảo dùng để kêu gọi mọi người quyên góp cho các hoạt động gây quỹ giả mạo, mặc dù không rõ liệu hình ảnh em bé đang lan truyền có được sử dụng cho mục đích đó hay không.

 Bão Helene gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều khu vực ở Đông Nam nước Mỹ. Ảnh: New York Times.

Bão Helene gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều khu vực ở Đông Nam nước Mỹ. Ảnh: New York Times.

Những thông tin sai lệch khác liên quan đến bão Helene đã lan truyền trên mạng xã hội, khiến Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) phải ra mắt trang "Hurricane Helene: Rumor Response" (Phản hồi tin đồn về bão Helene), nhằm giải quyết những thông tin sai lệch. Trong đó, một tin giả nói rằng cơ quan này đang tịch thu tài sản của những người sống sót, phân phối viện trợ dựa trên đặc điểm nhân khẩu học và tịch thu các khoản quyên góp và vật tư.

Ngoài ra, còn có một thuyết âm mưu vô căn cứ cho rằng chính phủ đã sử dụng công nghệ kiểm soát thời tiết để hướng cơn bão vào các cử tri đảng Cộng hòa .

FEMA khuyên người dân: "Hãy bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng của bạn sau cơn bão Helene bằng cách cảnh giác với những tin đồn và trò lừa đảo, đồng thời chia sẻ thông tin chính thức từ các nguồn đáng tin cậy".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thuc-hu-buc-anh-gay-sung-sot-ve-em-be-trong-bao-helene-post1502537.html