Thực hư các băng nhóm Rồng xanh, Rắn lục... từng gây xôn xao ở Đà Nẵng
Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, có những băng nhóm nghe tên rất kêu: Rồng xanh, Xóm Chùa, Rắn lục... nhưng khi kiểm tra thì không phải như vậy.
Sáng 31/1, thông tin với báo chí, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đánh giá, năm 2023 các mặt an ninh trật tự trên địa bàn thành phố được đảm bảo, thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, được Bộ Công an, lãnh đạo Trung ương, địa phương biểu dương khen thưởng. Trong đó, công an Đà Nẵng dẫn đầu cụm thi đua trên địa bàn của ngành Công an.
Theo thiếu tướng, một trong những điểm nhấn trên là công tác đấu tranh, phòng ngừa, không để các băng nhóm, ổ nhóm tội phạm lộng hành. Đâu đó có một số hiện tượng các đối tượng băng nhóm, ổ nhóm tội phạm có tổ chức nhưng trên địa bàn không còn phức tạp.
Đà Nẵng từng xuất hiện một số băng nhóm nhỏ kiểu học đòi trên mạng. Tuy nhiên đến nay, thành phố truy quét, ngăn chặn 2/3, còn lại khoảng 1/3 đang được tiếp tục đấu tranh, xử lý nghiêm.
"Internet là thành tựu của khoa học công nghệ, đem lại sự phát triển nhưng mặt trái của nó thì rất nhiều. Bộ Công an và Đà Nẵng đã dự báo từ rất lâu về tác hại của mạng xã hội. Kiểu giang hồ mạng có ở nhiều địa phương, phần lớn là các đối tượng nhỏ tuổi, cách hoạt động na ná nhau. Nhưng Đà Nẵng đang chủ động để xử lý kịp thời.
Có những băng nhóm nghe tên rất kêu: Rồng xanh, Xóm Chùa, Rắn lục... nhưng khi kiểm tra thì không phải như vậy. Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan, mình phải phòng ngừa từ đầu, quán triệt từ trên xuống dưới, tất cả các lực lượng tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, không để bị động bất ngờ...", thiếu tướng Vũ Xuân Viên nhấn mạnh.
Đáng kể, theo người đứng đầu Công an TP Đà Nẵng, thời gian qua, công an thành phố cũng mạnh dạn tiến hành điều tra một số vụ án giúp cho các địa phương, tỉnh bạn và cả nước.
Điển hình như vụ tiền giả. Đây là hiện tượng xuất hiện từ lâu và đã được các đơn vị chức năng cảnh báo. Tuy nhiên, vẫn nhiều biến tướng thời gian qua và tồn tại ở hầu hết các địa phương. Đáng nói, qua điều tra, tiền giả không chỉ sản xuất ở nước ngoài như trước mà nay đã tổ chức sản xuất và tiêu thụ ở trong nước.
Thiếu tướng Viên thông tin, từ một manh mối ở Đà Nẵng khi lực lượng phá án đã báo cáo Bộ Công an để Đà Nẵng đánh án và lần đầu tiên phát hiện sản xuất tiền giả trong nước, tiêu thụ tại 40 tỉnh, thành.
Theo thiếu tướng Viên, vụ thứ 2 phải kể đến là chiến công của Đà Nẵng trong truy quét tín dụng đen. Đây cũng là hiện tượng quy mô cả nước, có đến hơn 1,3 triệu người tham gia. Nhóm đối tượng cầm đầu thành lập trên 10 doanh nghiệp, hoạt động công khai.
Đà Nẵng tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng khi phát hiện manh mối, Công an Đà Nẵng tiến hành điều tra, đi sâu đánh án. Theo thiếu tướng, qúa trình phá án khó khăn do toàn bộ chiêu trò, mánh khóe đều lưu trên mạng khi cần là đánh sập để xóa dấu vết. Các đối tượng sử dụng nhà cao tầng ở TP. HCM, người ngoài hầu như không thể tiếp cận được.
Công an TP Đà Nẵng báo cáo Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự và trực tiếp xuất hơn 100 quân phối hợp với các đơn vị để ập vào phá án, bắt giữ 193 đối tượng sau đó phân loại để xử lý.
Đến nay khởi tố gần 30 đối tượng. Thống kê bước đầu, các đối tượng này cho vay và thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng.
"Đà Nẵng đánh án, "xuất khẩu" cả an ninh trật tự cho các tỉnh góp phần vì bình yên chung cho cả nước", thiếu tướng Viên nói.