Thực hư 'cánh cửa' bí ẩn ở Nam Cực

Vật thể được nhìn thấy thông qua Google Maps này có thể là một trong những phát hiện kỳ lạ nhất từ trước tới nay.

 Hình ảnh "cánh cửa" bí ẩn ở Nam Cực được chụp lại từ Google Maps. Ảnh: Google/SWNS.

Hình ảnh "cánh cửa" bí ẩn ở Nam Cực được chụp lại từ Google Maps. Ảnh: Google/SWNS.

Ở Đông Nam Cực, ngay phía đông nam của trạm nghiên cứu Showa của Nhật Bản, những người dùng tinh mắt của ứng dụng Google Maps đã phát hiện ra một "cánh cửa" bí ẩn.

Nó nhanh chóng trở thành chủ đề cho nhiều giả thuyết điên rồ trên mạng xã hội: Một số người suy đoán rằng đó là nhà nghỉ dưỡng của "quái vật" hư cấu Bigfoot, hoặc một tàu con thoi bị bỏ hoang trong bộ phim viễn tưởng Star Trek.

Một người dùng mạng xã hội Reddit đã chụp lại cấu trúc đáng ngờ ở tọa độ 69°00'50″N 39°36'22″Đ và hỏi những dân mạng khác: "Đây là cánh cửa khổng lồ ở Nam Cực à?".

"Chỉ là một cánh cửa máy bay Boeing bị thổi bay thôi", một người dùng trả lời, ám chỉ đến vụ tai nạn kinh hoàng trên không vào tháng 1 năm ngoái.

"Chúng ta sẽ làm gì nếu không có những người theo thuyết âm mưu?", John Smellie, giáo sư và nhà nghiên cứu núi lửa tại Đại học Leicester (Anh), đã nói đùa với tờ Daily Mail về nhiều gợi ý được đưa ra liên quan đến vật thể trông giống cánh cửa này.

 Theo các nhà khoa học, đây thực chất chỉ là một tảng băng bị mắc kẹt và đang tan. Ảnh: Google/SWNS.

Theo các nhà khoa học, đây thực chất chỉ là một tảng băng bị mắc kẹt và đang tan. Ảnh: Google/SWNS.

Tuy nhiên, suy đoán của các nhà khoa học về thứ nhìn giống "cánh cửa thời gian" ở Nam Cực lại khác xa những thuyết âm mưu được đưa ra trên Reddit.

Sau khi xem tọa độ trên Google Earth Pro và hình ảnh lịch sử, Bethan Davies, giáo sư ngành băng hà học tại Đại học Newcastle (Anh), nói rằng cánh cửa bí ẩn thực chất là "một tảng băng trôi đã bị mắc cạn và đang tan chảy tại chỗ".

"Bạn có thể thấy nhiều tảng băng trôi khác trong khu vực", Daivies giải thích.

Giáo sư Martin Siegert, đồng giám đốc Viện Grantham về Biến đổi Khí hậu và Môi trường thuộc Đại học Hoàng gia London, đồng tình với Davies và chia sẻ rằng: "Đây chỉ đơn giản là dòng chảy của băng tuyết xung quanh một chướng ngại vật rắn dưới băng, bị ảnh hưởng bởi quá trình tan chảy và gió Katabatic (gió thổi xuống dốc do trọng lực)".

Ông nói thêm rằng đây là một mô hình thú vị, nhưng không phải điều bất thường hay đáng ngạc nhiên về mặt băng hà học.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thuc-hu-canh-cua-bi-an-o-nam-cuc-post1504519.html