Thực hư chất lượng bò sinh sản cấp cho người dân trong dự án giảm nghèo tại xã Hoằng Phụ?
Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) thực hiện dự án hỗ trợ bò sinh sản, phục vụ chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế cho một số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong xã, tuy nhiên bò giống cấp cho các hộ dân lại kém chất lượng. Để hiểu rõ thực hư, chiều 27-3-2019, phóng viên đã đến gặp gỡ một số hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án.
Con bò của gia đình ông Nguyễn Văn Chung, thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ hiện phát triển bình thường.
Người dân lên tiếng
Gia đình ông Nguyễn Văn Chung là một trong hộ nghèo của thôn Sao Vàng được nhận bò hỗ trợ. Gia đình chỉ có 2 ông bà, bà Dung (vợ ông Chung) bị bệnh tim nặng. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ bò về nuôi, ông Chung và gia đình rất phấn khởi. Ông Chung, cho biết: Nhà nước cấp cho gia đình ông con bò 10 triệu đồng và 2 triệu đồng làm chuồng trại để nuôi bò sinh sản. Bò và tiền hỗ trợ làm chuồng trại, ông đã nhận từ cuối tháng 12-2018, đến nay đã gần 3 tháng, con bò khỏe mạnh, phát triển bình thường.
– “Ông có phàn nàn gì về chất lượng bò giống không? Sao có người bảo con to, con nhỏ?” – phóng viên hỏi.
Ông Chung nhanh nhảu: “Bò to hay nhỏ là do tay người nuôi. Tôi là người nuôi bò từ nhỏ nên có nhiều kinh nghiệm chăm sóc bò, không chỉ cho bò ăn cỏ, chuối trộn cám, bả rượu, bổ sung nước muối, còn phải dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ, diệt bớt ruồi, muỗi, giữ ấm cho bò trong mùa rét. Vì vậy, bò gia đình tôi nuôi có sức đề kháng tốt, phát triển tốt, dáng khỏe mạnh, màu lông vàng bóng mượt…”
Đến gia đình ông Lê Văn Thanh, thôn Sao Vàng, ông dẫn chúng tôi đi thăm chuồng bò mới được xây sửa lại ở phía sau nhà. Vừa đi ông vừa nói: “Mới đầu nhận về, bò bị “lạ nước”, bởi thay đổi môi trường sống nên bò của nhà tôi bị tiêu chảy, tôi phải nhờ cán bộ thú ý đến tiêm thuốc mất 100.000 đồng mới khỏi. Hiện tại, bò phát triển bình thường và tăng cân tốt”.
Tại gia đình cô Lê Thị Ngoan, thôn Tháng Mười, cô Ngoan thừa nhận: Lúc đầu khi bốc thăm được bò, cô cũng hơi thất vọng khi bắt trúng con bò nhỏ, gầy hơn so với các hộ khác. Song đến nay, sau gần 3 tháng chăm sóc, cô cho bò ăn cám ngô, cám gạo, cỏ, nay bò khỏe mạnh, dắt ra đường ai cũng “quở”, cô không còn phàn nàn gì nữa.
Có hộ tham gia dự án nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc bò
Trong ảnh: Bò của dự án cấp cho gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ.
Tình cờ, chúng tôi được gặp gỡ với ông Trương Văn Quân, Trưởng thôn Tháng Mười và một số người dân đang xay xát lúa ngay cửa hàng trên đường vào thôn Tháng Mười. Ông Quân và một số người dân cho biết: Thôn Tháng Mười có 18 hộ nghèo, 45 hộ cận nghèo. Triển khai dự án hỗ trợ bò sinh sản, Ban mặt trận thôn thực hiện rà soát những hộ có khả năng lao động chăn nuôi để đưa vào bình xét, lựa chọn 4 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo được nhận bò về nuôi. Việc triển khai dự án này được thực hiện đúng quy trình, khách quan, không có ý kiến gì, các hộ tham gia còn phải cam kết thoát nghèo năm 2019. Ban đầu, bò mà các hộ nhận về nuôi nhìn thấy bình thường. Tuy nhiên, thời điểm mới nhận bò về nuôi, do bò chưa thích nghi được môi trường sống, thức ăn nên có giảm cân. Có hộ chưa có kinh nghiệm chăm sóc, thả bò ăn cỏ gần những cánh đồng lúa mới cấy, ăn phải thuốc sâu, thuốc cỏ phun ở bờ ruộng nên bị cảm, sốt nhưng nhờ cán bộ thú y tiêm thuốc vài hôm là khỏi. Đến nay, 5 con bò hỗ trợ trong thôn phát triển tốt, không thấy ai phàn nàn gì thêm.
Một số người dân có mặt tại đó còn kể thêm: Có người xì xào bò Nhà nước cấp không đáng giá đến 10 triệu vì bò nhỏ, gầy, thế nhưng có lý do sâu xa, xuất phát từ trường hợp con bò của hộ bà Trương Thị Mệnh. Thời gian đầu mới nhận về nuôi, bò nhà bà Mệnh bị ốm, sốt, có thương lái vào hỏi mua nên “ngã giá” con bò 4-5 triệu đồng. Từ đó, một số người suy luận ra rằng bò được dự án cấp chỉ đáng giá 4-5 triệu đồng.
Chính quyền giải thích
Theo tìm hiểu của chúng tôi, được biết, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 tại xã Hoằng Phụ. Theo Quyết định số 7669/QĐ-UBND ngày 26-11-2018 của UBND huyện Hoằng Hóa, tổng kinh phí thực hiện dự án là 493.850.000 đồng , trong đó vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia là 300.000.000 đồng, vốn hộ nghèo tham gia mô hình là 190.800.000 đồng (ứng với công chăm sóc, tiền thức ăn). Hình thức hỗ trợ là UBND xã Hoằng Phụ phối hợp với các đơn vị, cá nhân cung ứng dịch vụ lựa chọn, cấp hỗ trợ trực tiếp con giống trên cơ sở có sự thống nhất của 24 hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án. Thời gian thực hiện mô hình giảm nghèo trong 3 năm (từ năm 2018 đến 2021). Theo đó, tại xã Hoằng Phụ có 18 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo tham gia dự án. Mỗi hộ nghèo được nhận 1 con bò với giá 10 triệu đồng và 2 triệu đồng tiền hỗ trợ xây dựng, sửa chữa chuồng trại. Mức hỗ trợ cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bằng 80% mức hỗ trợ hộ nghèo. Theo hướng dẫn thực hiện dự án, chi phí quản lý, thực hiện dự án không quá 10% mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: Khi được thụ hưởng dự án này, UBND xã đã tổ chức họp bàn nhiều lần để tìm cách hợp lý, có lợi nhất cho người dân. Ban đầu, xã đã đề nghị các hộ tự mua bò về, UBND xã sẽ chi trả tiền cho các hộ, song các hộ đều không thống nhất bởi không biết chọn mua ở đâu cho phù hợp. Khảo sát giá bò ở thời điểm đó, giá một số cơ sở cung ứng bò đưa ra là 12 triệu đồng đến 12,5 triệu đồng/con bò với trọng lượng từ 120-130kg/con. Xã lại tổ chức họp lấy ý kiến người dân, xem các hộ có đồng ý góp thêm tiền để mua hay không, vì thực tế Nhà nước chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng/con. Nhưng người dân không đồng tình vì các hộ đều là hộ nghèo, cận nghèo, không có đủ tiền để đóng thêm. Sau đó, để thực hiện được dự án, địa phương đã đấu mối với một đơn vị cung ứng ở xã Hoằng Đông để lựa chọn giống bò địa phương, mặc dù có thể trạng bé nhưng sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh phù hợp với điều kiện khí hậu vùng biển để cung cấp cho người dân. Mặc dù có ý kiến cho rằng bò to, bò nhỏ, chưa được tiêm phòng, thế nhưng thực tế chứng minh hoàn toàn khác. Sau gần 3 tháng, 24 con bò đều phát triển bình thường.
Đối với tiền hỗ trợ chuồng trại, bà Phùng Thị Thêm, kế toán ngân sách xã Hoằng Phụ khẳng định: Tính đến thời điểm hiện tại, tiền hỗ trợ chuồng trại đã chi trả cho các hộ đủ điều kiện nhận tiền (có giấy biên nhận rõ ràng), trừ 2 trường hợp là gia đình ông Trương Văn Mạnh và gia đình bà Cao Thị Trúc với lý do các hộ vẫn chưa có chuồng trại chăn nuôi bò. Hộ ông Mạnh đang làm nhà ở, hộ bà Trúc thì chưa làm xong chuồng. UBND xã giữ lại khoản tiền trên và yêu cầu khi nào các hộ hoàn thiện xong chuồng trại, xã sẽ chi trả số tiền trên cho các hộ.
Theo hồ sơ mà UBND xã Hoằng Phụ cung cấp cho phóng viên, còn có đầy đủ biên bản thẩm định chất lượng giống bò sinh sản, biên bản giao nhận bò, biên nhận tiền hỗ trợ chuồng trại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của 24 hộ nghèo và cận nghèo tham gia dự án. UBND xã Hoằng Phụ đã có quyết định thành lập tổ quản lý thực hiện dự án, có sự tham gia của các cán bộ, trưởng thôn nhằm phân công trách nhiệm quản lý, theo dõi, giám sát việc thực hiện ở các hộ chăn nuôi trong thời gian 3 năm tham gia dự án.
Việc hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được đánh giá là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế bởi chi phí chăn nuôi thấp và ít rủi ro. Để một trong những chính sách nhân văn của Nhà nước phát huy được hiệu quả, để người nghèo có động lực vươn lên thoát nghèo, mỗi cán bộ, người dân tham gia dự án tại xã Hoằng Phụ cần có ý thức, trách nhiệm hơn trong mọi vấn đề.