Thực hư chuyện chữa bệnh bằng 'vuốt đại pháp' và 'giải nghiệp'

Nhìn bên ngoài cơ sở Hương Sơn, tọa lạc quốc lộ 61, ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang) là một cơ sở mua bán đồ gỗ, nhưng bên trong cơ sở lại là nơi tập trung của hàng chục, thậm chí hàng trăm người mỗi ngày. Mọi người đến đây để được 'chăm sóc sức khỏe' bằng 'vuốt đại pháp' và cúng bái, nghe 'thuyết pháp'...

Những người tại cơ sở Hương Sơn dùng “bàn tay sen của Mẹ” để vuốt khắp người bệnh. Ảnh chụp lại từ camera giấu kín, chiều ngày 18-10-2023.

Những người tại cơ sở Hương Sơn dùng “bàn tay sen của Mẹ” để vuốt khắp người bệnh. Ảnh chụp lại từ camera giấu kín, chiều ngày 18-10-2023.

CHỮA BÁCH BỆNH BẰNG “VUỐT ĐẠI PHÁP”

Hàng ngày có nhiều người dân ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đến cơ sở Hương Sơn với mong muốn điều trị hết bệnh. Hầu hết mọi người đến đây đều gọi một người tên Hương với danh xưng “Mẹ” do Quán Thế Âm Bồ Tát nhập vào thân xác. Bà Hương và các tín đồ ở cơ sở này cho rằng bệnh trong người mà bác sĩ trị không khỏi là “bệnh nghiệp” và chỉ “giải” bằng cách… vuốt. Nhìn từ ngoài vào, Hương Sơn là cơ sở buôn bán đồ gỗ, tuy nhiên, phía sau gian nhà trước chứa đầy đồ gỗ là hai hàng dài các phòng nhỏ được ngăn cách bởi vách ngăn, che chắn kín đáo.

Để tìm hiểu thực hư, trong vai những người đi chạy vạy tứ phương chữa bệnh, chúng tôi thâm nhập thực tế vào cơ sở này. Hoạt động của cơ sở này có quy mô gấp nhiều lần chúng tôi hình dung qua lời kể của những người từng được “chăm sóc sức khỏe” tại đây. Trên tầng lửng của ngôi nhà là nhiều bàn thờ được thắp đèn sáng rực. Gian nhà sau được dành một phần làm nơi nằm, ngồi của người đến “chăm sóc sức khỏe”.

Chúng tôi được một người phụ nữ xưng là dì Ba Ràng tiếp cận để “gieo duyên”. Theo bà Ba Ràng, ai sống trên đời cũng có “bệnh nghiệp” và những người đến đây đều phải được “giải nghiệp”, “cách giải nghiệp” được gọi là “chăm sóc sức khỏe”. Từ 2-3 người dùng những “bàn tay sen” do “Mẹ” ban để vuốt khắp người bệnh. Nam chăm sóc cho nam, nữ chăm sóc cho nữ. Tất cả những người đến đây đều được khuyên ăn chay, niệm Phật và đeo xâu chuỗi. “Huyết ma người ta nói là đột quỵ đó. Con đeo xâu chuỗi này thì huyết ma không vào được. Nó có vô thì nó cũng văng ra, nó bảo vệ nè, “Mẹ” ở trong đây (xâu chuỗi) nè...”, bà Ba Ràng nói.

Hàng chục cho đến trăm người mỗi ngày đến cơ sở Hương Sơn để được “chăm sóc sức khỏe” bằng “vuốt đại pháp” và cúng bái, nghe “thuyết pháp”.

Hàng chục cho đến trăm người mỗi ngày đến cơ sở Hương Sơn để được “chăm sóc sức khỏe” bằng “vuốt đại pháp” và cúng bái, nghe “thuyết pháp”.

Phóng viên trong vai người mắc bệnh viêm gan siêu vi B, một người tên N ở huyện An Biên chữa gãy tay, người tên H ở huyện U Minh Thượng chữa gãy chân cùng đến cơ sở Hương Sơn. Khi được hỏi đến làm gì, chúng tôi nói đến chữa bệnh thì được hai người xưng chú Tư và Quang chỉ tay ngồi dưới nền gạch, duỗi thẳng chân để họ “chăm sóc sức khỏe”. Họ vuốt tay khắp người bệnh khoảng 10-15 phút. Chú Tư cho biết: “Người dân đến đây mắc bệnh gì cũng chữa được”.

Phóng viên đặt vấn đề có thể nhờ người thân ở nhà vuốt cho hết bệnh không thì hai người đều khẳng định: “Chỉ có “bàn tay sen” của họ do “Mẹ” ban mới giải được “nghiệp”, người khác không làm được”. Chú Tư và Quang cho chúng tôi biết nếu muốn được theo dõi điều trị bệnh thì nên nộp hồ sơ bệnh án vào cho bộ phận tiếp nhận.

Khi phóng viên nộp hồ sơ bệnh án, một người phụ nữ khoảng 25 tuổi cạo hết tóc, mặc áo màu lam nói rằng cơ sở không có mê tín dị đoan và người dân đến đây đều được “chăm sóc sức khỏe” miễn phí. Phóng viên hỏi: “Chữa bệnh chỉ có vuốt như vậy mỗi ngày hay sao?”, người phụ nữ cho biết: “Hàng ngày chỉ việc đến chăm sóc sức khỏe bằng cách vuốt và trong khoảng 15-20 ngày hoặc 1 tháng hay quãng thời gian nhất định nào đó thấy khỏe đi khám bệnh sẽ biết hết bệnh không, lúc ấy tự khắc tin tưởng hết bệnh”. Ở khu vực nhận bệnh án còn có một phụ nữ trạc 25 tuổi đi phôtô hồ sơ bệnh án và nhập thông tin vào máy vi tính.

Theo quan sát của phóng viên, cơ sở Hương Sơn bố trí phòng làm việc, cách tiếp cận người dân không giống cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều người phóng viên ghi nhận được đều cho biết đến cơ sở này với mục đích khám, chữa bệnh. Ông T, ngụ đường Lạc Hồng, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) đến điều trị gai cột sống, thần kinh tọa ở cơ sở Hương Sơn hơn 15 ngày, hiện vẫn tin tưởng tiếp tục điều trị.

Ngày 26-10, gia đình một cụ già và hai con khoảng hơn 40 tuổi ở phường Vĩnh Thông, TP. Rạch Giá đến điều trị cho con trai lớn bị bệnh tâm thần. Bà Ba Ràng và một số người thân với bà Hương thuyết phục cụ già và con ở lại cơ sở Hương Sơn để “Mẹ” chữa bệnh. Bà Ba Ràng cho biết: “Bà chuyển lời của “Mẹ” khuyên cụ già và đứa con nên ở lại, “Mẹ” sẽ lo chỗ ở, ăn, nghỉ và chăm sóc cho con cụ hết bệnh”.

Bà Hương (ngồi trên võng) với danh xưng “Mẹ” - do Quán Thế Âm Bồ Tát nhập vào thân xác thuyết pháp cho người dân đến cơ sở Hương Sơn, chiều 27-10-2023.

Bà Hương (ngồi trên võng) với danh xưng “Mẹ” - do Quán Thế Âm Bồ Tát nhập vào thân xác thuyết pháp cho người dân đến cơ sở Hương Sơn, chiều 27-10-2023.

“GIẢI NGHIỆP” MỌI THỨ BỆNH

Theo ghi nhận của phóng viên, cơ sở Hương Sơn thường xuyên hoạt động từ 8-11 giờ và từ 14-16 giờ hàng ngày. Trừ các ngày thứ bảy, mùng 8, 18, 28 âm lịch nghỉ theo thường lệ, cơ sở Hương Sơn có khá đông người tìm đến với mong muốn được nghe “Mẹ” thuyết pháp và “giải nghiệp”. Muốn gặp “Mẹ” phải có duyên và may mắn. Phóng viên đến “chăm sóc sức khỏe” và nhiều lần gặp “Mẹ”. Bà Hương có giọng nói dễ nghe. Mỗi lần thuyết pháp, bà ngồi võng, mặc áo tím sẫm màu, xung quanh là hàng chục đến hơn trăm người ngồi liên tục quỳ lạy và khấn vái. Bà Hương nói: “Cơ thể mình bệnh, uống thuốc không hết là “bệnh nghiệp”. Mà tới đây không uống thuốc mà hết bệnh, ta “giải nghiệp” ra hiểu hông, “giải nghiệp” ra hết bệnh. Tại sao có người nói không uống thuốc mà lại hết bệnh mà bệnh nghiệp thì trừ khi giải ra mới hết”.

Lần thuyết pháp gần nhất phóng viên nghe vào chiều 27-10-2023, khoảng 100 người có mặt tại gian nhà phía sau vài trăm mét vuông của cơ sở Hương Sơn để nghe bà Hương thuyết pháp. Nhiều người đến từ nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Bà nói chuyện với một người phụ nữ đối diện, hàng chục người ngồi xung quanh lạy, bà Hương hỏi: “Nhiệm vụ mình xuống trần để làm gì?”. Người phụ nữ trạc 60 tuổi vừa mếu máo vừa trả lời: “Để cứu nhân độ thế mà chưa đi tới đâu hết”. Bà Hương nói tiếp: “Tôi nghèo mà tôi còn phải hy sinh xác thể này để cứu các vị. Nếu không nghe ta thì đến khi bị “thiên ma” nó “chụp” con thì đừng trách sao ta không dạy con, ta không thương con”.

Một người tự xưng dì Bảy tiếp cận phóng viên để “gieo duyên”: “Ra đường bây giờ con thấy nó búng một cái là tai nạn, nó búng một cái là đụng nhau, nó búng một cái là đụng xe, nó búng một cái là đột quỵ nằm một chỗ, nó búng một cái là mù, nó búng một cái là té gãy giò, gãy tay. Tới đây, con đủ phước, đủ đức, xâu chuỗi này là hộ mạng cho mình”. Dì Bảy cho biết bà quê ở thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), trước đây mỗi ngày bà dẫn hàng trăm người đến để “chăm sóc sức khỏe”, “giải nghiệp”.

Cách thức bà Hương thuyết pháp và những người tại cơ sở Hương Sơn “gieo duyên” với người dân đến cơ sở này.

Cách thức bà Hương thuyết pháp và những người tại cơ sở Hương Sơn “gieo duyên” với người dân đến cơ sở này.

Bà Bảy gieo vào tai phóng viên nhiều từ ngữ mê tín. Bà cho rằng động vật như con cua, con gà, con vịt, con ốc, con tép… là ông bà, cha mẹ mình (?!?!). “Mỗi người giết con gà, con vịt là giết ông bà, cha mẹ mình, đó chính là bệnh báo oán. Mình gãy giò, gãy tay là tại kiếp trước con có chặt giò người ta. Kiếp trước mình có mổ bụng người ta nên kiếp này bị bệnh, mình bị mổ bụng. Con ăn xương gà, xương vịt, giờ nó báo oán là bác sĩ khám cho con ra nhức tay, nhức chân, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Bác sĩ khám ra bệnh mà không trị hết bệnh thì đó là “bệnh báo oán”, không có tiền, thuốc nào trị hết. Chỉ có tới đây chăm sóc, bàn tay sen của “Mẹ” giải con nghiệp ra. Con nghiệp đi tu, mình có thành tâm thì con nghiệp mới tha thứ cho mình”, bà Bảy nói.

Bà P, ngụ xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành - người có nhiều năm ở tại cơ sở Hương Sơn cho biết, người bị bệnh nghiệp uống thuốc không bao giờ hết. Khi phóng viên hỏi: “Bệnh nghiệp là bệnh gì?”, bà P ú ớ nói: “Bệnh nghiệp là nghiệp của mình, có nghĩa là kiếp trước mình làm tội đồ, sau đó chăm sóc sức khỏe, niệm phật rồi xin nghiệp cho mình”.

Hàng chục người tổ chức vái lạy, đọc kinh, tụng niệm tại cơ sở Hương Sơn. Ảnh chụp lại từ camera giấu kín, chiều ngày 23-10-2023.

Hàng chục người tổ chức vái lạy, đọc kinh, tụng niệm tại cơ sở Hương Sơn. Ảnh chụp lại từ camera giấu kín, chiều ngày 23-10-2023.

CHƯA CÓ GIẤY PHÉP

Để tránh việc tụ tập đông người gây chú ý phía trước, cơ sở Hương Sơn đề nghị người dân đến phải đậu xe bên kia đường. Hàng ngày, nơi đây tụ tập đông người, nhiều người cạo hết tóc, mặc đồ màu lam. Họ tổ chức cúng bái, lạy Phật, gieo duyên với những người mới đến. Người này xưng hô với người kia là huynh, đệ. Ngoài việc “chăm sóc sức khỏe”, cơ sở Hương Sơn thường xuyên tổ chức cho nhiều người, trong đó có nhiều trẻ em đọc kinh, lạy trước các bức tranh Phật được treo trên tường nhà, không khác gì một cơ sở tu hành.

Chị H, ngụ ấp Sua Đũa, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành rớm nước mắt kể, con chị là cháu N (sinh 2006) mất đầu năm 2023 do khối u não. Con chị phát hiện bệnh từ năm 12 tuổi, nằm viện tại TP. Hồ Chí Minh hơn 1 tháng, gia đình khó khăn, hết tiền phải về một cơ sở chữa bệnh đông y ở tỉnh Hậu Giang để chữa trị. Khoảng hơn 1 năm nay, chị cho cháu N và bà nội vào sống ở cơ sở Hương Sơn với mong muốn điều trị cho cháu hết bệnh.

Suốt thời gian điều trị, cháu N luôn được giải nghiệp bằng cách vuốt và niệm Phật, mỗi lần vuốt từ 10-15 phút và thực hiện 2 lần mỗi ngày. “Bác sĩ nói bệnh cháu nặng, không chữa khỏi, nhưng với ý nguyện còn nước còn tát, tôi dẫn cháu điều trị ở cơ sở Hương Sơn. Cháu ở tại cơ sở Hương Sơn hơn 1 năm. Sau đó, cháu không hết bệnh, trở nặng nên vào Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, sau đó cháu xuất huyết não rồi tử vong”, chị H buồn bã kể.

Chăm sóc sức khỏe 15 ngày tại cơ sở Hương Sơn, bà H, ngụ huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) nói: “Tôi gãy chân do trượt té, phải phẫu thuật và nằm viện hơn 1 tháng. Khi xuất viện, muốn chân mau chóng đi lại bình thường, tôi nghe hàng xóm chỉ đến cơ sở Hương Sơn để chữa trị cho mau lành. Tôi đến, họ vuốt khắp người tôi, vuốt liên tục nhưng chân có chuyển biến gì đâu, ngược lại còn nghe toàn những từ ngữ đậm chất mê tín”.

Người trong cuộc nói về cơ sở Hương Sơn.

Người trong cuộc nói về cơ sở Hương Sơn.

Còn bà A.S, ngụ phường Rạch Sỏi, TP. Rạch Giá cho biết, mới đây, bạn rủ bà đến cơ sở Hương Sơn để chữa bệnh. Bà đến cơ sở trên với mong muốn khám bệnh tay chân nhức mỏi nhưng đi một vài lần không chuyển biến, bà không đến cơ sở đó nữa. “Cơ sở không bố trí phòng khám bệnh nhưng ai bị bệnh gì tìm đến, họ đều bảo là bệnh nghiệp, chỉ cần vuốt trong một thời gian là hết bệnh. Ai mà tin được”, bà S chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở Hương Sơn chưa có giấy phép khám, chữa bệnh. Đồng thời, đây cũng không phải là một cơ sở thờ tự hay cơ sở tôn giáo. Câu hỏi đặt ra tại sao một cơ sở như vậy lại có thể tồn tại trong thời gian dài?

Bài và ảnh: TÂY HỒ - THANH NHÃ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/thuc-hu-chuyen-chua-benh-bang-vuot-dai-phap-va-giai-nghiep-17612.html