Thực hư chuyện cơ thủ tự túc thi đấu quốc tế
Câu chuyện nữ cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi chia sẻ trên trang cá nhân, về việc phải tự túc kinh phí để tham dự Giải billiards vô địch thế giới 2024, khiến dư luận không khỏi bàn tán
Giải billiards carom ba băng nữ vô địch thế giới (World Championship Ladies) 2024 được tổ chức tại Pháp từ ngày 10 đến 12-9. Billiards Việt Nam cử 2 cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi (Đà Nẵng) và Phùng Kiện Tường (Bà Rịa - Vũng Tàu) tham dự, trong đó, Yến Nhi vào đến bán kết và xuất sắc giành huy chương đồng.
Chia sẻ của người trong cuộc
Đây là lần đầu tiên, billiards Việt Nam giành được huy chương ở giải vô địch thế giới nữ và với thành tích này, Yến Nhi tái khẳng định vị thế cơ thủ nữ billiards carom số 1 Việt Nam sau khi đã giành được HCB carom 3 băng tại SEA Games 32, HCV carom 3 băng nữ quốc gia 2 năm 2023 và 2024, HCV Cúp Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) 2024.
Viết trên trang Facebook cá nhân chỉ 3 ngày sau khi kết thúc giải đấu ở Pháp, Nguyễn Hoàng Yến Nhi kể rõ cô không nhận được khoản hỗ trợ nào từ VBSF cho chuyến du đấu ở Pháp. Yến Nhi và đồng đội đàn chị Phùng Kiện Tường đã tốn khoảng 55 triệu đồng/người cho chuyến đi, bao gồm tiền vé máy bay khứ hồi, lệ phí visa, chi phí ăn uống trong 6 ngày, tiền tàu xe đến địa điểm thi đấu, không tính khoản chi phí khách sạn do Liên đoàn Billiards carom quốc tế (UMB) đài thọ.
Yến Nhi nêu thêm, do biết thông tin tham dự giải quá cận ngày khai mạc nên cô và Phùng Kiện Tường không được địa phương chủ quản hỗ trợ kinh phí. Cô cũng thắc mắc vì sao trong khi phải đóng tiền làm thẻ thành viên VBSF, đóng lệ phí thành viên VBSF hằng năm nhưng khi làm nhiệm vụ quốc gia lại không được VBSF hỗ trợ, kể cả tiền thưởng thành tích như các môn thể thao khác.
VBSF có dửng dưng?
Đem vấn đề của Nguyễn Hoàng Yến Nhi trao đổi với VBSF, một quan chức của liên đoàn này khẳng định: "Đó chỉ là ý kiến cá nhân của Yến Nhi. Khi làm thủ tục thi đấu cho Yến Nhi và Kiện Tường, chúng tôi đã nói sẽ không có kinh phí hỗ trợ. Quyết định của VBSF cử Yến Nhi và Kiện Tường đi thi đấu cũng ghi rõ, địa phương chủ quản sẽ chi trả phần này".
Ngay cả chuyện khen thưởng, vị này khẳng định, theo quy định liên bộ, phải có quyết định triệu tập tập huấn đội tuyển của Cục TDTT, sau đó là quyết định cử đi làm nhiệm vụ quốc tế thì mới có khen thưởng thành tích theo quy định Nhà nước. Chuyến đi của Yến Nhi và Kiện Tường không có được các văn bản này. VBSF không xem nhẹ thành tích của Yến Nhi, nhưng có khen thưởng cũng phải kết hợp với các sự kiện khác vì chỉ có một mình Yến Nhi giành huy chương.
"VBSF giữ im lặng vì Yến Nhi chỉ phản ánh quan điểm trên mạng xã hội, thay vì văn bản chính thức gửi về liên đoàn. VBSF cũng đang tập trung lo cho giải vô địch thế giới ở Bình Thuận, thế nên không chu toàn được tất cả. Khoản lệ phí thành viên mà cơ thủ đóng cho liên đoàn hoàn toàn không đủ để chúng tôi chi cho công tác tổ chức các giải quốc gia trong năm, phải vận động thêm từ các nguồn xã hội hóa, nên không thể hỗ trợ VĐV thi đấu được" - vị quan chức VBSF phân tích.
Theo các nhà chuyên môn, thi đấu quốc tế bằng nguồn kinh phí cá nhân hoặc xã hội hóa là chuyện bình thường. Hằng năm, cờ vua Việt Nam vẫn tham dự các giải quốc tế bằng tiền gia đình. Môn thể hình từ 15 năm nay đã cử hàng trăm lực sĩ thi đấu quốc tế bằng tiền túi hoặc địa phương hỗ trợ một phần.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuc-hu-chuyen-co-thu-tu-tuc-thi-dau-quoc-te-196240930212048185.htm