Thực hư chuyện 'ngậm ngải tìm trầm' và lộc trời 'bất tận hưởng'

Sau khi thực hiện các nghi lễ cúng 'thần rừng', người Bầu trưởng phân công nhiệm vụ cho từng người tỏa ra đi tìm trầm hương. Mỗi người được chỉ định những khu vực khác nhau, khi phát hiện có trầm thì thông báo cho Bầu trưởng.

Ông Quang - Trưởng thôn Phú Cang 2

Ông Quang - Trưởng thôn Phú Cang 2

Tuy nhiên công việc tìm trầm như “mò kim đáy bể” và không thiếu những gian nan...

Ngậm ngải tìm trầm

Trong giới phu trầm thường truyền tai nhau câu cửa miệng “ngậm ngải tìm trầm”, câu nói này xuất phát từ một truyền thuyết được lưu truyền từ thuở xa xưa của những người đi khai thác “giọt máu rừng”. Câu chuyện về “người hóa cọp” như một trong những minh chứng cho sự gian nan đời trầm phu.

Nhấp một ngụm trà nóng, ông Nguyễn Câu (SN 1948, tên thường gọi là Bốn Câu, một người có thâm niên trong nghề trầm ở thôn Phú Cang 2) kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết đó.

“Thuở xa xưa có một trầm phu lang thang từ núi này sang núi nọ để đi tìm trầm hương quý. Trước khi lên đường, người trầm phu này có đến gặp một thầy mo cao tay trong làng để xin một lá bùa may mắn. Sau khi làm phép xong, thầy mo trao cho chàng thanh niên một viên thuốc và dặn dò: Chỉ cần ngậm thuốc này thì có đi bao nhiêu ngày cũng không thấy đói, thấy khát, có lạc vào rừng sâu núi cao thì cũng không sợ hùm beo làm hại.

Người phu trầm nhận lấy viên thuốc xong, cảm tạ thầy mo rồi khăn gói lên đường đi tìm trầm hương. Ngày qua ngày băng rừng lội suối nhưng mãi vẫn không tìm thấy gì, trong khi đó lương thực mang theo cũng dần cạn kiệt. Lúc này người trầm phu định quay đầu trở về nhà, nhưng ngặt nỗi không nhớ đường về.

Nhớ lời thầy mo, chàng lấy viên thuốc ngải ngậm vào miệng và tiếp tục đi vào rừng. Rồi năm tháng dần qua, viên ngải trong miệng cũng dần tan hết và người phu trầm không ngờ mình lại hóa thành con hổ mình đầy lông lá”, giọng ông Câu trầm ngâm như một già làng đang kể sử thi.

Theo như ông Câu giải thích, thực ra đó chỉ là một truyền thuyết truyền tai trong giới đi “địu” (tìm trầm) để chỉ sự gian nan của anh em trầm phu, chứ thực ra bây giờ cách người ta dùng “ngải” cũng khác rồi. Trước giải phóng thì có nhiều còn mê tín dị đoan nên trước khi đi rừng thường đến nhà những thầy mo trong làng để xin một lá bùa hộ mệnh, thường gọi là “ngải”.

Vì dân phu trầm trước đây rất tín ngưỡng nên thường xin bùa để cầu may, có người còn cho rằng khi đeo bùa của những thầy mo thì thú dữ không dám đến gần. Tuy nhiên bây giờ thì hiện đại rồi, dân đi rừng xem ngải là một loại thuốc quý, mang theo để phòng thân trong những chuyến đi dài ngày. Ngải cũng như một loại cây thuộc họ gừng, dân “địu” thường mang theo trong người để phòng khi trái gió trở trời.

Những phu trầm trung bình một ngày có thể đi 20-30km đường rừng, phải đối mặt với biết bao nguy hiểm nên việc chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày rất cẩn thận cũng là chuyện bình thường. Ngoài thức ăn, nước uống là những thứ nhu yếu thì cần phải mang theo thuốc men để phòng khi gặp nạn. Do sống trong rừng sâu, những phu trầm thường truyền tai nhau những bài thuốc quý, thường gọi là “ngải”.

Ví như những bài thuốc liên quan đến cây ngải cứu dùng để chữa bệnh đau khớp, bong gân. “Dù thế nào đi nữa, thì “ngậm ngải tìm trầm” là một câu cửa miệng dùng để chỉ những gian nan, vất vả của những phu trầm, chứ không có chuyện bùa chú mê tín dị đoan như những người ngoài suy đoán”, ông Câu nhấn mạnh.

Luật “bất thành văn”

Đối với dân đi trầm, chuyện sống chết thường chỉ trong gang tấc, những hiểm nguy luôn rình rập, nên chỉ có một cách duy nhất để tồn tại được trong chốn rừng thiêng nước độc, đó chính là sự đoàn kết. Dân “địu” thường tập trung từ 6-15 người một nhóm, mỗi nhóm đều cử ra một Bầu trưởng để điều hành cả nhóm.

Việc chọn Bầu trưởng cũng có những yêu cầu hết sức khắt khe về lễ nghi, kinh nghiệm, nhưng quan trọng nhất Bầu trưởng phải là người tạo nên sự thống nhất và lòng đoàn kết của các phu trầm trong nhóm. Đoàn kết, như một luật tục bất thành văn đối với dân phu trầm ở chốn đại ngàn.

Ông Bốn Câu đang kể chuyện

Ông Bốn Câu đang kể chuyện

Trong một nhóm đi trầm với nhau, thường thì các phu trầm có quan hệ họ hàng hoặc cùng một địa phương với nhau nên dễ dàng chia sẻ và bảo vệ nhau trước những nguy hiểm trong cái nghề đi tìm “giọt máu rừng”.

Do không thể một sớm một chiều có thể tìm thấy được trầm nên việc phân công nhau đi tìm trầm và lo việc ăn uống hết sức rạch ròi. Khi một người phu trầm may mắn phát hiện được “hàng” thì phải ngay lập tức thông báo với Bầu trưởng, Bầu trưởng có nhiệm vụ thực hiện các nghi thức và phân chia nhiệm vụ cho từng người để đảm bảo việc khai thác được tiến hành nhanh nhất.

Hơn nữa, trong giới trầm phu thì việc phân chia lợi nhuận được thỏa thuận trước. Ví như nhóm có 10 người thì sau khi khai thác được trầm sẽ chia ra thành 10 phần, và tất nhiên người phát hiện sẽ được phần nhiều hơn. Chính vì những thỏa thuận trước này đã làm cho những phu trầm trong đoàn yên tâm và đoàn kết hơn.

Ngồi nghe ông Câu kể chuyện, ông luôn khẳng định việc trúng kỳ nam là do may mắn, chứ không ai biết trước là “Bà chúa” sẽ cho lộc về người nào. Cũng vì thế, nên với bất cứ dân phu trầm nào trúng được “lộc ông lộc bà” thì nhất định không bao giờ được có ý nghĩ độc chiếm mà phải để dành một ít cho những người sau được “hưởng sái”.

Cũng theo như ông Câu cho biết, từ xưa đến nay hễ ai ở trong thôn trúng được kỳ nam thì dân làng cũng nhiều người cũng được hưởng theo. Điển hình mới nhất đây là vụ cha con ông Ân trúng kì nam ở An Khê (tỉnh Gia Lai) thì cũng để lại một phần rồi sau đó thông báo cho anh em trong thôn đi lên đó để hưởng “lộc rừng” cùng với mình.

Theo đó, cha con ông Ân trúng được gần 20 tỉ thì trong làng này có hơn 100 người “hưởng sái”, mỗi người được trên dưới 50 triệu đồng. Hay cách đó khoảng hơn chục năm, trong thôn Phú Cang 2 này cũng có gia đình nhà ông Nguyễn Hữu Chinh (SN 1955) đang làm nghề đốt than ở khu rừng Núi Lửa (tỉnh Đắk Lắk) thì may mắn được “người khuất mặt” dẫn đến chỗ có kỳ nam và cũng trong đêm đó 2 cha con ông trúng gần 10 tỉ, sau đó báo cho những người trong thôn lên để “mót” và tùy từng nhóm người lên trước lên sau mà trúng nhiều hay ít, nhưng người “bọt bèo” nhất cũng được cả trăm triệu đồng.

“Dù trúng tiền ít hay trúng nhiều, nhưng bất kì ai sau khi được trúng “lộc rừng” thì sau đó đều phải bỏ một ít ra làm từ thiện, cứu giúp những trường hợp nghèo khổ trong thôn. Theo như quan niệm của dân “địu” thì những người may mắn trúng được trầm đều là do “Bà Chúa” ban phước.

Khi nhận được ơn huệ này, những người hưởng lộc phải biết giúp đỡ những người khác thoát khỏi cánh đói khát, nếu không thì sẽ bị “Bà chúa” quở phạt và lấy hết lại số tiền đã ban cho. Trong những năm qua, những người trúng trầm đều không quên điều này.

Ví như trong chuyến trúng tiền tỉ vừa rồi, gia đình ông Ân đã chi 15 triệu đồng để xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho học sinh trường tiểu học xã Vạn Phú, chi 15 triệu đồng để lợp mái tôn cho trường mẫu giáo Vạn Phú 2, đồng thời 2 cha con ông đã bỏ tiền trợ cấp cho mỗi thôn 1 tấn gạo.

Ngoài ra những người trúng số tiền ít hơn cũng chi một phần ra để giúp đỡ những hộ nghèo, những người già cả neo đơn, những gia đình có có người bị đau ốm bệnh tật”, ông Quang - Trưởng thôn Phú Cang 2 - chia sẻ…

Ngọc Trìu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/thuc-hu-chuyen-ngam-ngai-tim-tram-va-loc-troi-bat-tan-huong-330141.html