Thực hư khả năng cháy nổ do sạc xe máy điện

Sau vụ việc cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều người lo lắng trước vấn đề sạc pin xe máy điện tại nhà. Tại một số chung cư mini có quy định cấm cư dân sạc xe máy điện qua đêm, thậm chí cấm mang xe máy điện vào trong nhà. Theo các chuyên gia, đây là hành động có phần 'cực đoan' vì trong nhiều trường hợp, xe máy điện không phải căn nguyên gây ra hỏa hoạn.

An toàn nếu sản phẩm đạt chất lượng và sử dụng đúng cách

Tỷ lệ cháy xe điện chỉ bằng 1/61 lần so với xe chạy xăng. Nguồn: AutoInsuranceEZ.

Tỷ lệ cháy xe điện chỉ bằng 1/61 lần so với xe chạy xăng. Nguồn: AutoInsuranceEZ.

Kết quả nghiên cứu của AutoInsuranceEZ công bố hồi tháng 11/2022 cho thấy, khả năng xảy ra cháy nổ của ba dòng xe Hybrid, xe chạy xăng, dầu và xe “thuần” điện lần lượt là 3.474,5/100.000, 1.529,9/100.000 và 25,1/100.000. Nghĩa là, so với xe chạy xăng, dầu truyền thống thì tỷ lệ cháy của xe điện chạy bằng pin chỉ bằng 1/61 lần.

Trên thực tế, xăng, dầu rất dễ cháy do điểm chớp cháy của xăng là -43 độ C, của dầu diesel là 52 độ C. Chỉ cần có tác động ma sát hoặc nhiệt lượng vừa đủ đến điểm chớp cháy là sẽ gây hỏa hoạn. Tuy nhiên, đối với xe điện chạy pin, bao gồm cả ô tô điện và xe máy điện, bộ phận quan trọng nhất là pin lithium được bảo vệ trong khối kim loại chắc chắn nên rất khó cháy nổ. Cho dù gặp ngọn lửa, pin lithium cũng cần một khoảng thời gian và nhiệt lượng cần thiết mới bị cháy.

Ông Hoàng Kiên, Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP EverEV cho biết, đa số các dòng xe điện và bộ sạc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhà sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế thì mới được lưu hành. Tỷ lệ lỗi pin trong quá trình sản xuất ước tính là 1/40.000.000. Trên thực tế, các yếu tố như sạc quá mức, ảnh hưởng của nguồn nhiệt từ bên ngoài hoặc các tác động cơ học có thể làm tăng xác suất lỗi pin, nhưng tỷ lệ vẫn rất thấp.

Bên cạnh đó, khi sạc pin thì hệ thống của chiếc xe sẽ điều khiển dòng điện sạc. Khi đủ mức điện năng đã cài đặt hoặc đầy pin thì hệ thống sẽ tự ngắt. Nếu xảy ra hiện tượng quá dòng thì cả xe và bộ sạc cũng đều có cơ chế tự ngắt để bảo vệ thiết bị. Cơ chế tự ngắt này cũng tương tự các ổ điện, hộp điện có rơ le, aptomat.

Nhiều vụ cháy xuất phát từ nguyên nhân quá tải điện. Ảnh: Internet.

Nhiều vụ cháy xuất phát từ nguyên nhân quá tải điện. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng mua xe máy điện không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, hoặc tự ý lắp đặt pin, phụ kiện trôi nổi sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của xe.

Khi pin lithium ở trong điều kiện cháy nổ, áp suất bên trong pin đạt đến một ngưỡng nhất định, vỏ của pin sẽ phồng lên và vỡ ra để giảm áp suất. Các chất điện phân kèm theo một lượng nhỏ các khí như CO và H2 bay ra hoặc chảy ra ngoài, kết hợp với oxi và tia lửa điện hoặc bề mặt nóng sẽ tạo ra ngọn lửa. Điều đáng nói là khi xe máy điện bị cháy ở phần pin lithium sẽ rất khó dập tắt nếu dùng bình bột chữa cháy hoặc bình CO2 thông thường. Thậm chí, pin lithium dễ dàng phát nổ nếu dùng nước để dập lửa.

Theo lời kể của những người đầu tiên phát hiện vụ cháy tại chung cư mini phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12/9, ngọn lửa ban đầu chỉ bằng nắm tay người, khởi phát từ bảng điện ở tầng 1. Bảo vệ chung cư mini dùng bình xịt cứu hỏa để xịt nhưng không hiệu quả. Sau đó, khu vực xe máy bất ngờ có tiếng nổ và lửa bùng phát, lan nhanh sang các xe máy xung quanh. Vụ việc đang tiếp tục trong quá trình điều tra và cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ cháy.

Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố chất lượng của xe máy điện thì thao tác sai cách cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên các vụ cháy. Do đặc thù sạc pin ô tô điện, xe máy điện bằng bộ sạc cầm tay tốn rất nhiều thời gian (từ 8-10 tiếng) nên rất nhiều người lựa chọn sạc pin qua đêm để tận dụng thời gian trống. Kết hợp với những yếu tố khác như nguồn điện cấp không ổn định, ổ điện cắm quá nhiều thiết bị dùng điện, bộ sạc không đảm bảo chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ gây chập, cháy. Điều này cũng tương tự các vụ cháy điện thoại di động khi vừa sạc vừa sử dụng thời gian qua.

Giảm nguy cơ cháy nổ tại nhà

Cháy pin lithium khó xử lý hơn đám cháy thông thường. Ảnh: Internet.

Cháy pin lithium khó xử lý hơn đám cháy thông thường. Ảnh: Internet.

Mặc dù xe máy điện khá an toàn nhưng vẫn có tỷ lệ cháy, nổ nhất định và thói quen sử dụng sai cách của người dùng sẽ làm tăng thêm nguy cơ này. Theo khuyến cáo mới đây của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, ưu tiên hàng đầu vẫn là phòng cháy hơn chữa cháy. Khi sạc xe máy điện, người dùng cần: sử dụng thiết bị (pin, ắc-quy, bộc sạc) chính hãng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; ngắt khóa điện khi sạc; sạc điện ở nơi khô ráo, thoáng mát, cách ly với các vật dụng dễ cháy. Đặc biệt, cần tránh sạc pin quá 8 giờ liên tục, sạc qua đêm hay cắm sạc khi không có người lớn ở nhà. Bên cạnh đó, nếu lâu không dùng đến xe, cần sạc đầy pin/ắc-quy rồi tháo khỏi xe, bảo quản ở nơi khô, thoáng, tránh va đập, tránh các vật dụng dễ cháy.

Trước khuyến cáo của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, không ít đại diện chung cư mini, nhà ở thương mại tại Hà Nội và một số tỉnh, thành cho rằng quá phức tạp. Theo đó, một số chung cư, nhà trọ đưa ra quy định cấm sạc pin tại khu vực để xe, thậm chí “dọa” chấm dứt hợp đồng thuê nhà nếu cư dân đưa xe máy điện vào chung cư.

Điều này, vô hình chung đã gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của những cư dân đang sở hữu xe máy điện. Nhiều người cảm thấy như bị “kỳ thị”, chịu những ánh nhìn thiếu thiện cảm chỉ vì mình dùng xe máy điện. Có trường hợp phải dắt xe máy điện lên tận phòng ở của mình bằng đường thang máy vì chung cư không cho sạc pin dưới tầng hầm.

Chung cư tăng tường quản lý xe máy điện. Ảnh: Internet.

Chung cư tăng tường quản lý xe máy điện. Ảnh: Internet.

Một số ý kiến khác thẳng thắn bày tỏ sẽ tìm nơi thuê trọ khác nếu chung cư có quá nhiều xe máy, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và đường thoát nạn nếu có sự cố xảy ra.

Ngày 13/9, Công an tỉnh Nghệ An có văn bản yêu cầu ban quản trị quản lý vận hành nhà chung cư, chủ sở hữu nhà chung cư mini tăng cường đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; trong đó có nội dung nghiêm cấm việc sạc pin xe ô tô, xe mô tô trong khu vực tầng hầm chung cư. Tuy nhiên, ngay sau đó, cơ quan này đã điều chỉnh lại nội dung trên, chỉ yêu cầu các đơn vị bố trí bảo vệ thường trực, canh gác tại khu vực tầng hầm hoặc nơi gửi xe của chung cư vào ban đêm để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Mới đây, nhiều chung cư ở Hà Nội cũng bổ sung những quy định “mềm mỏng” hơn. Theo đó, toàn bộ xe máy điện được bố trí ở khu vực riêng biệt, gần vị trí trực chốt của bảo vệ toàn nhà, có lắp đặt hệ thống cấp điện đủ tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu sạc pin của cư dân. Riêng tại các chung cư mini, tranh luận giữa các bên vẫn chưa chấm dứt do đặc thù loại hình nhà ở này không rộng rãi như ở chung cư thương mại và nguy cơ cháy nổ còn rất cao.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, không nên quy chụp trách nhiệm của xe máy điện chỉ bằng một trường hợp cá biệt. Xe máy điện vẫn an toàn nếu người dùng lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn đến từ những thương hiệu uy tín. Bên cạnh đó, chủ xe có trách nhiệm tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất trong suốt quá trình sử dụng. Đặc biệt, không tự ý thay đổi kết cấu, nhất là với hệ thống pin, ắc-quy, bộ sạc...

Lê Vũ

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuc-hu-kha-nang-chay-no-do-sac-xe-may-dien.htm