Thực hư 'một thầy chùa đến xin học đạo để theo đạo ông Cha luôn' nhờ Chúa soi lối?
Hôm qua 12-9, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh, video và câu chuyện được cho là 'một thầy chùa đến xin học đạo để theo đạo ông Cha luôn' - 'chuyện có thật sáng nay tại nhà thờ Giáo xứ Mẹ Thiên Chúa' vào lúc 11g15 ngày thứ Hai 12-9-2022. Thực hư chuyện này ra sao?
Theo phản ánh từ bạn đọc, câu chuyện trên được chia sẻ từ một tài khoản facebook được ghi “Muc Tu Cong Hoang”, lập tức lan truyền trên một số trang mạng xã hội.
Một tài khoản có tên là Công Giáo Việt Nam đăng lại “tin và hình ảnh”, dẫn link các clip với đường dẫn từ tài khoản mạng xã hội nêu trên và viết thêm: “Hy vọng đây là một cuộc khởi đầu của cuộc hành trình về với Chúa mà vị sư này được Hồng Ân Thiên Chúa soi lối”.
Theo thông tin ban đầu, trước yêu cầu tòa soạn làm rõ sự việc trên của bạn đọc, phóng viên Báo Giác Ngộ đã liên lạc với vị giáo phẩm phụ trách điều hành Phật giáo tại thành phố Long Khánh, địa phương có ấp Núi Tung (xã Suối Tre), thuộc tỉnh Đồng Nai như mô tả trong bản “tin” trên, thì được biết nhân vật "thầy chùa" được các tài khoản nói trên đề cập đến không phải là sư, tự mặc đồ như các vị sư để đi xin nhiều nơi.
Đại đức Thích Hạnh Tín, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) cho biết vị này sống lang bạt, cũng đã từng tới chùa của Thầy để xin nhiều lần cũng như các chùa ở Đồng Nai, Bình Thuận… Khi được giúp đỡ như ý thì bình thường, còn không thì sẽ lớn tiếng một cách bất thường.
Sáng 13-9, xác nhận với Báo Giác Ngộ, Đại đức Thích Hạnh Tín cho biết đã làm việc với chính quyền địa phương một lần nữa (ấp Núi Tung, xã Suối Tre, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) và được các cơ quan chức năng khẳng định vị kia không cư ngụ tại địa phương, mà chỉ là người sống lang thang rày đây mai đó.
Qua tìm hiểu, câu chuyện trên cũng không phải là mới. Nhân vật đó từng được xác nhận là giả dạng hình thức nhà sư đi xin gạo và còn đòi… đánh cả chủ nhà, được mạng xã hội làm sáng tỏ những hành vi bất thường, mượn hình thức tu hành lợi dụng lòng tin của người dân.
Tuy nhiên, việc “tin và ảnh” về vị này, gắn cho là “một thầy chùa đến xin học đạo để theo đạo của ông Cha”, được cho là bắt nguồn từ tài khoản “Muc Tu Cong Hoang” vẫn tồn tại, được chia sẻ và tiếp tục lan rộng trên các trang mạng xã hội chuyên đưa tin về hoạt động Công giáo, tạo nhiều ý kiến bức xúc cho không ít người có tình cảm tôn giáo với đạo Phật.
“Tin và ảnh” trên cũng thu hút nhiều bình luận với nhiều sắc thái tình cảm tôn giáo, trong đó có cả người biết chuyện, như Halan Nguyễn, viết: “Sư thầy giả mạo để lợi dụng lòng tốt của mỗi người. Ông này đầu năm cũng bị CA ninh thuận làm việc rồi mà chứng nào tật nấy”, “… hám danh đăng thông tin thất thiệt”, v.v…
“Thiết nghĩ, việc giúp đỡ người khác là đáng quý, nhưng cố tình quay clip, ghi hình ảnh, rồi đăng lên mạng xã hội một cách vội vàng, không xác minh rồi gắn cho là “thầy chùa”, “nhà sư”… như trên là một việc hành động thiếu tự trọng, nhất là đối với lĩnh vực tôn giáo vốn nhạy cảm”, bạn đọc Sang Nguyễn nhận định.
Liên quan tới việc “cải đạo”, một số trang đăng các thông tin, dùng ảnh chư Tăng ở các truyền thống nổi tiếng của Phật giáo không liên quan tới “bản tin” để minh họa, cũng đã được bạn đọc phản ánh về tòa soạn Báo Giác Ngộ.
Cải đạo là câu chuyện tế nhị. Việc thật, nếu có, thì cũng cần tôn trọng các đương sự, huống nữa là một kẻ lang bạt, không rõ nguồn gốc, không xác minh, đã vội vàng khẳng định là "thầy chùa", "nhà sư" rồi đăng "tin, ảnh", cả video, chia sẻ với cộng đoàn là điều khó cảm thông, nhất là đối với lĩnh vực tôn giáo. Điều này gây tổn thương tình cảm tôn giáo khác và tạo nên những phản ứng trong dư luận không đáng có.