Thực hư những clip phỏng vấn dạo về chủ đề nhạy cảm để câu view

Nhiều kênh chuyên chia sẻ clip phỏng vấn đường phố bị chỉ trích vì khai thác nội dung nhạy cảm, cố tình dàn dựng, cắt ghép nhằm mục đích câu view.

Trả lời Zing chiều 13/5, thượng tá Phạm Trung Chính, Phó Trưởng Công an TP Huế, cho biết đơn vị đã tiếp nhận đơn của người dân trình báo vụ việc bị cắt ghép hình ảnh, bôi nhọ trên mạng xã hội.

Cụ thể, Trần Hoài Phương Nhung (sinh năm 2000, TP Huế, Thừa Thiên - Huế) đã bị fanpage "Hoàng Minh" lấy hình ảnh và lồng ghép giọng đọc mang nội dung gây tranh cãi như quan điểm về nam giới miền Bắc, phân biệt con trai đi xe máy tay ga và xe máy số…

Phương Nhung khẳng định nội dung này hoàn toàn không phải giọng nói của mình. "Tôi không thể nghĩ họ sẽ sử dụng hình ảnh của tôi để cắt ghép, bịa đặt, câu view và tạo nội dung bẩn như thế. Không chỉ riêng tôi, nhiều bạn nữ khác cũng bị lợi dụng tương tự", cô cho hay.

 Hình ảnh của Phương Nhung bị đăng lên mạng xã hội, lồng ghép nội dung câu view.

Hình ảnh của Phương Nhung bị đăng lên mạng xã hội, lồng ghép nội dung câu view.

Bị dàn dựng thành kẻ cắp

Vox pop (phỏng vấn đường phố hay phỏng vấn dạo) là một trong những thể loại được nhiều kênh sáng tạo nội dung trên mạng xã hội khai thác. Với những từ khóa này, có thể tìm thấy hàng nghìn clip trên TikTok, Facebook, YouTube.

Những video phỏng vấn dạo phổ biến nhất có thể thu hút hơn 2 triệu lượt xem và đa phần đều xoay quanh các chủ đề như tình dục, phân biệt giàu nghèo, sự khác biệt vùng miền, cách tiêu tiền.

Mục tiêu chính là câu view, câu tương tác, nhiều kênh chỉ chú trọng nội dung gây sốc, ít quan tâm đến tính xác thực hay đại diện. Một số thậm chí được dàn dựng theo kịch bản hoặc chỉnh sửa, biến tấu theo hướng phản cảm.

Adrian Gee (Australia), người điều hành một trong những kênh chia sẻ vox pop nổi tiếng trên YouTube, từng bị chỉ trích vì dàn dựng nhiều clip.

Năm 2015, Gee chia sẻ đoạn video đóng giả người mù để phỏng vấn và thử lòng người qua đường. Sau khi bắt chuyện thành công bằng một vài câu hỏi, anh sẽ đề nghị mọi người đổi tiền lẻ cho mình.

Gee đưa tờ tiền trị giá 50 USD nhưng giả vờ như đó là tờ 5 USD. Trong clip, một số người nói với anh về sự nhầm lẫn này, trong khi số khác vờ như không biết để kiếm lời 45 USD.

 Clip giả mù, thử lòng người lạ của Adrian Gee.

Clip giả mù, thử lòng người lạ của Adrian Gee.

Clip trở nên viral và nhiều người để lại bình luận rằng thế giới này thật đáng sợ vì những kẻ thích lợi dụng người khuyết tật.

Tuy nhiên, vài tháng sau, clip của Gee bị phát hiện là dàn dựng. Thực chất, anh đã thuê một số diễn viên vào vai "kẻ lừa đảo". Những người này cũng không hề biết mục đích thực sự của Gee. Họ chỉ nghĩ mình đang diễn vai quần chúng trong một bộ phim nào đó.

Ramon, một trong những diễn viên bị mang tiếng ăn cắp sau clip của Gee, nói rằng dù mặt anh đã được làm mờ trong clip, người thân, bạn bè của vẫn nhận ra anh vì hình xăm đặc biệt trên cánh tay. Ramon đã rất mệt mỏi khi người quen liên tục gọi điện và chất vấn tại sao anh lại "ăn cắp" tiền của người mù.

Trong chương trình Today Tonight, Gee cuối cùng đã thừa nhận việc dàn dựng clip và gửi lời xin lỗi đến những người bị ảnh hưởng tiêu cực.

Hiện, Gee vẫn có hơn 1,8 triệu lượt đăng ký kênh và chuyên chia sẻ các clip phỏng vấn dạo với nhân vật chủ yếu là phụ nữ, chủ đề xoay quanh chuyện tình dục.

Bất chấp những nghi vấn về tính khách quan, các clip nổi bật nhất đều có hơn 10 triệu lượt xem.

Độ chân thực và đại diện

Asian Boss là kênh phỏng vấn dạo nổi tiếng với 3,4 triệu lượt đăng ký. Trang này chủ yếu chia sẻ các clip về văn hóa, phong tục, con người, ẩm thực, nghề nghiệp đặc biệt ở các quốc gia châu Á.

Dù được đánh giá là một trong những kênh vox pop đáng xem, Asian Boss cũng từng bị đặt câu hỏi về tính khách quan.

Cụ thể, kênh này được cho sắp xếp trước nhân vật, câu trả lời dù luôn tuyên bố người được phỏng vấn là "người dân bình thường, tình cờ gặp trên đường phố".

Người xem từng phát hiện một người xuất hiện trong clip phỏng vấn của Asian Boss ở Đài Loan là YouTuber nổi tiếng, từng chia sẻ quan điểm về vấn đề được hỏi trên kênh cá nhân.

 Thể loại phỏng vấn dạo ngày càng phổ biến trên mạng xã hội nhưng gây tranh cãi vì nội dung được dàn dựng, chỉnh sửa để câu view.

Thể loại phỏng vấn dạo ngày càng phổ biến trên mạng xã hội nhưng gây tranh cãi vì nội dung được dàn dựng, chỉnh sửa để câu view.

Vox pop là thể loại vốn gây tranh cãi về tính khách quan và đại diện. Mọi người được hỏi cùng một câu hỏi trong trung tâm thương mại và cuối cùng kênh tin tức chọn phát sóng 5-6 câu trả lời. Có thể tất cả cùng nói có, cùng nói không hoặc lẫn lộn. Nhưng không điều gì đảm bảo đó là ý kiến của đại đa số người mua sắm, cư dân trong thị trấn.

Nhà báo người Anh Catherine Bennett từng khẳng định: "Nếu muốn biết mọi người thực sự nghĩ gì, đừng làm vox pop. Một cuộc phỏng vấn đơn giản trên phố không bao giờ có thể thay thế cho những báo cáo, phân tích kỹ lưỡng".

Ngay trong những tòa soạn nổi tiếng cũng có quy định cụ thể đối với thể loại này. "Chúng tôi không ngụ ý rằng các nhân vật phỏng vấn là mẫu đại diện và chúng tôi phải rõ ràng trong việc mô tả mục đích, giới hạn của thể loại", BBC nhấn mạnh về mục vox pop.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuc-hu-nhung-clip-phong-van-dao-ve-chu-de-nhay-cam-de-cau-view-post1316957.html