Thực hư ''quốc bảo'' sâm Ngọc Linh rớt giá một nửa?

Theo các đơn vị kinh doanh, năm nay sâm Ngọc Linh có giảm so với năm 2022 và năm 2023, tuy nhiên không có chuyện giảm một nửa giá.

Giá sâm Ngọc Linh giảm

Thông tin từ UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), doanh thu từ lễ hội Sâm Ngọc Linh năm 2024 (từ 1 – 3/8) vào khoảng hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, riêng mặt hàng Sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 70 kg, thu về hơn 6 tỷ đồng.

Lễ hội sâm Ngọc Linh năm 2022 và năm 2023 đều có doanh thu thu về khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó, riêng sâm củ Ngọc Linh bán được hơn 60 kg (năm 2022 bán được 63kg, năm 2023 bán được 65kg) và đều thu về gần 9,5 tỷ đồng.

So với năm 2022, 2023, cùng lượng bán ra, giá trị thu về sâm Ngọc Linh giảm khá mạnh.

Các hộ trồng sâm Ngọc Linh và các cơ sở kinh doanh cho biết thời tiết cực đoan khiến thời gian ''ngủ đông'' của sâm Ngọc Linh kéo dài

Các hộ trồng sâm Ngọc Linh và các cơ sở kinh doanh cho biết thời tiết cực đoan khiến thời gian ''ngủ đông'' của sâm Ngọc Linh kéo dài

Bà Hồ Thị Mười (cơ sở dược liệu Mười Cường, Thôn 1, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) – đại diện đơn vị kinh doanh sâm Ngọc Linh kỳ cựu tại lễ hội sâm Ngọc Linh Nam Trà My qua các năm xác nhận, giá sâm Ngọc Linh năm nay có giảm. Theo bà Mười, có 2 nguyên nhân chính do nguồn cung tăng và yếu tố thời tiết bất lợi. “Thứ nhất là, hiện nay bà con và các công ty trồng nhiều, họ cần đầu ra để thu hồi vốn và tái sản xuất. Thứ hai là năm nay sâm Ngọc Linh lên mầm rất ít (yếu không lên mầm, còn gọi là “ngủ đông”), những củ như vậy để trong vườn cũng không cho ra hoa, ra hạt, để lâu bị hư mầm, mất vốn nên bà con cần bán và bán với giá thấp hơn so với mọi năm”, bà Mười nói.

Tuy nhiên, bà Mười cho rằng giá sâm Ngọc Linh giảm ở lễ hội là chỉ mang tính cục bộ và sẽ tăng trở lại. “Chủ yếu là do sâm “ngủ đông” nhiều và cần phải bán đi, chứ không có chuyện sâm Ngọc Linh rớt giá. Sắp tới, sau mùa “ngủ đông”, nếu thời tiết ủng hộ, sâm lên tốt lại thì giá sẽ tăng trở lại”, bà Mười nhận định.

Tương tự, bà Hồ Thị Thúy Ngân – Cơ sở kinh doanh sâm Ngọc Linh Tuấn Ngân (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, giá sâm Ngọc Linh năm nay có giảm so với năm 2022 và năm 2023, tuy nhiên không có chuyện giảm một nửa giá. “Có cái video trên mạng nói sâm Ngọc Linh rớt giá là không đúng. Tin đồn giá sâm giảm một nửa rất ảnh hưởng đến người trồng sâm và kinh doanh sâm Ngọc Linh”, bà Ngân cho hay.

Sâm Ngọc Linh hiện nay chủ yếu là giao dịch sản phẩm thô tức mua bán sâm củ

Sâm Ngọc Linh hiện nay chủ yếu là giao dịch sản phẩm thô tức mua bán sâm củ

Bà Ngô Thị Minh Thùy – Cơ sở kinh doanh sâm Ngọc Linh Nảng Thùy (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) thì rơi vào trường hợp “dở khóc dở cười” khi khách mua hàng nói giá sâm Ngọc Linh giảm tới một nửa.

Theo bà Thủy, sâm Ngọc Linh giảm giá trong thời điểm này là do thời tiết. Nếu đúng như mọi năm hiện đang là mùa ra hoa, kết hạt nhưng năm nay khí hậu rất nóng, nhiều vườn sâm giống không mọc mầm, phải nhổ đi bán nên lượng sâm cung ứng tăng mạnh cục bộ. “Lễ hội sâm Ngọc Linh trúng thời điểm người dân xới luống để bán, bán không hết thì bán tháo bán rẻ giá này chỉ trong thời gian rất ngắn. Nhưng từ hôm qua đến giờ khách hỏi mua sâm cứ bảo sâm giảm 50%”, bà Thùy thông tin.

Bán được tới 20kg sâm Ngọc Linh tại lễ hội sâm vừa qua, bà Thùy cho biết, những năm trước, sâm Ngọc Linh củ loại I (10 củ/kg) rơi vào khoảng 220 triệu – 240 triệu đồng/kg là những củ sâm có tuổi đời từ hơn 10 – 12 tuổi (củ sâm già). Còn năm nay những củ sâm này có giá hơn 150 triệu đồng/kg – 170 triệu đồng/kg (giảm khoảng hơn 30%). Còn nếu cửa hàng nào bán sâm loại I có giá 120 triệu đồng/kg thì cũng là sâm già nhưng chỉ khoảng 8 tuổi.

Huyện Nam Trà My hướng tới chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh thay vì xuất thô như hiện tại

Huyện Nam Trà My hướng tới chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh thay vì xuất thô như hiện tại

Thị trường sâm Ngọc Linh thô dần bão hòa, hướng tới chế biến sâu và xuất khẩu

Trao đổi về vấn đề này với báo Công Thương, ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, giá sâm Ngọc Linh có chiều hướng giảm từ năm 2023 đến nay do nguồn cung tăng và thị trường giao dịch sâm Ngọc Linh thô (sâm củ) dần bão hòa. “Sâm Ngọc Linh hiện nay mới chủ yếu là bán thô (bán sâm củ), chế biến sâu số lượng còn ít. Bây giờ sản lượng sâm nhiều lên thì giá sẽ điều tiết giảm để cạnh tranh. Đến một lúc nào đó thị trường sâm Ngọc Linh thô sẽ bão hòa”, ông Dũng cho hay.

Vẫn theo ông Dũng, để phát triển bền vững thương hiệu sâm Ngọc Linh, thời gian qua, UBND huyện Nam Trà My đã tổ chức các hội thảo, chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến hợp tác, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và hướng tới xuất khẩu. “UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Nam Trà My đang nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp chế biến sâu sâm Ngọc Linh. Điều đó mới quan trọng, mới đưa sâm Ngọc Linh đến rộng rãi thị trường trong nước và thế giới được, chứ còn bây giờ chủ yếu là sản phẩm thô thì cũng mức độ thôi”, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin.

Người dân, du khách tham quan, giao dịch tại phiên chợ sâm Ngọc Linh

Người dân, du khách tham quan, giao dịch tại phiên chợ sâm Ngọc Linh

Theo tìm hiểu, phiên chợ sâm Ngọc Linh trong khuôn khổ lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI (từ 1 – 3/8/2024) có sự tham gia của 18 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm Sâm Ngọc Linh, 20 chốt và các nhóm hộ trồng Sâm Ngọc Linh của các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang và Trà Tập; 10 xã và 04 cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm làm từ Sâm Ngọc Linh, quế Trà My và cây dược liệu OCOP; 12 gian hàng của các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Nông Sơn, Đại Lộc.

Trong những ngày diễn ra Phiên chợ có trên 5.000 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh thu thống kê được khoảng hơn 7 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng Sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 70 kg, thu về hơn 6 tỷ đồng.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-hu-quoc-bao-sam-ngoc-linh-rot-gia-mot-nua-336803.html