Thực hư tác dụng của nước dừa trong chăm sóc bệnh nhân Covid-19
Thời gian qua, trên các diễn đàn xã hội, nhiều ý kiến cho rằng uống nước dừa có tác dụng rất tốt đối với bệnh nhân Covid-19. Vậy, thực hư câu chuyện này thế nào và nước dừa có thật có công dụng như vậy?
Nước từ dừa đóng vai trò như một loại thuốc kháng sinh và là một phương thuốc đơn giản cho những vấn đề về đường ruột. Ảnh minh họa
Tác dụng tuyệt vời của nước dừa đối với sức khỏe
PGS-TS Phạm Duệ, nguyên Trưởng khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai và đồng nghiệp vừa gửi "tâm thư" tới các cấp có thẩm quyền, nêu các giải pháp giảm tử vong cho bệnh nhân Covid-19.
Bên cạnh các giải pháp điều trị, các bác sĩ cũng kiến nghị hướng chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, trong đó có cung cấp nước dừa xiêm (hoặc dừa các loại) để bổ sung năng lượng và điện giải.
PGS-TS Phạm Duệ cho rằng, lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố đi kèm khác của cơ thể.
Nước dừa được các chuyên gia y tế khuyên tiêu thụ như một loại đồ uống bổ dưỡng, cung cấp khoáng chất, các chất điện giải và tăng cường hệ miễn dịch nói chung. Trong các trường hợp cần bổ sung nước khi sốt, bệnh do vi khuẩn, virus thì việc bổ sung nước dừa là một giải pháp đem lại nhiều lợi ích.
Tuy nhiên, nên sử dụng lượng nước dừa vừa phải, bên cạnh đó vẫn cần chế độ ăn đa dạng thực phẩm để bổ sung đầy đủ và cân bằng tất cả những loại vitamin, khoáng chất sẽ giúp cơ thể nhanh hồi phục. Với những trường hợp đặc biệt khi có các bệnh lý đi kèm thì chế độ ăn uống nên được tham khảo từ các bác sỹ chuyên khoa.
Theo Tiến sĩ, Dược sĩ Nguyễn Thành Triết - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, dừa ở dạng tự nhiên là một loại đồ uống giải khát và rất bổ dưỡng. Nước dừa chứa nhiều cytokinin là một nhóm thuộc về hormone thực vật, bao gồm kinetin, trans-zeatin, dihydrozeatin, các gibberellins... Những chất này có tác dụng chống lão hóa, hỗ trợ ngăn ngừa các yếu tố gây ung thư và chống đông máu.
"Các vi chất dinh dưỡng khác trong nước dừa như kali, natri, canxi, magne, selen, đồng, kẽm,... cho thấy đây là một thức uống bù nước hiệu quả nhằm bổ sung chất điện giải của cơ thể bị mất đi khi bài tiết qua mồ hôi cũng như duy trì một số chức năng khác", dược sĩ Triết chia sẻ.
Nước dừa còn chứa đường, chất béo, acid amin, acid hữu cơ và các enzyme, các vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, vitamin C... Đây là các chất đóng vai trò quan trọng vào quá trình xúc tác một số phản ứng hóa sinh, góp phần duy trì chức năng sinh lý bình thường của cơ thể.
Nước dừa có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không nên lạm dụng (ngày uống hơn 3 - 4 trái và uống liên tục nhiều ngày). Ảnh minh họa
Không nên lạm dụng
Dựa vào giá trị dinh dưỡng, các chuyên gia khuyên có thể uống 1-2 cốc nước dừa (khoảng 240 ml) mỗi ngày đối với một người trưởng thành khỏe mạnh.
Các trường hợp có bệnh lý như huyết áp thấp, tiểu đường, suy thận hoặc có rối loạn điện giải cần thận trọng và cần hỏi ý kiến của chuyên gia.
Đáng lưu ý, nước dừa là thức uống rất giàu kali nên những người tiểu đường hay suy thận, đang uống các thuốc giữ kali tránh uống quá nhiều vì có thể gây tình trạng tăng kali huyết.
Một đối tượng là các bệnh nhân bị xơ nang cũng cân nhắc nếu sử dụng quá nhiều nước dừa, vì xơ nang dẫn tới giảm nồng độ muối trong cơ thể.
Nước dừa có thể chứa rất ít natri và quá nhiều kali vì vậy nước dừa không phải là một biện pháp để tăng lượng muối đối với người bị xơ nang.