Thực hư thiệt hại của các cơ sở hạt nhân Iran sau đòn không kích của Mỹ
Trong khi dư âm cuộc tấn công chớp nhoáng của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân của Iran vẫn chưa lắng xuống, thì một loạt báo cáo tình báo mới lại làm dấy lên nghi ngờ về mức độ thiệt hại thực sự và triển vọng dài hạn của chương trình hạt nhân Tehran.
“Một thắng lợi quân sự vang dội”
Với mục tiêu làm tê liệt năng lực hạt nhân của Tehran, cuối tháng 6/2025, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích có chủ đích nhắm vào ba cơ sở trọng yếu: Fordow, Natanz và Isfahan của Iran. Trong số đó, Fordow bị đánh giá là đã chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất, khiến quá trình làm giàu uranium tại đây bị trì hoãn tới hai năm.
Trong bài phát biểu chỉ vài giờ sau khi các cuộc tấn công diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến dịch do ông trực tiếp chỉ đạo là “một thắng lợi quân sự vang dội”.
Một quan chức Mỹ cũng tiết lộ rằng trong một cuộc họp kín do Giám đốc CIA John Ratcliffe chủ trì vào cuối tháng 6/2025, ông Ratcliffe đã báo cáo với các nhà lập pháp rằng chương trình hạt nhân của Iran đã "bị tổn hại nghiêm trọng”, với một số cơ sở then chốt "bị phá hủy hoàn toàn”. Cụ thể, cơ sở duy nhất tại Natanz, vốn đóng vai trò thiết yếu cho chu trình làm giàu uranium, đã bị phá hủy ở mức khiến Iran phải mất "nhiều năm để xây dựng lại”.
Trước

Sau

Cơ sở làm giàu nhiên liệu Fordo được chụp vào ngày 20/6 và 22/6 sau cuộc không kích của Mỹ. Ảnh: Maxar Technologies
Ông Ratcliffe cũng cho biết, theo đánh giá tình báo, một lượng lớn uranium làm giàu tại Isfahan và Fordow đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát, khiến Iran gần như không thể tiếp cận và sử dụng chúng trong tương lai gần. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Iran đang tìm cách khai quật hay khôi phục các cơ sở này, theo hai quan chức Mỹ.
Đặc biệt, thông điệp công khai của chính quyền Mỹ kể từ sau chiến dịch không kích gần như tập trung hoàn toàn vào Fordow. Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Dan Caine, đã lên tiếng bác bỏ đánh giá ban đầu của Cơ quan Tình báo Quốc phòng, vốn cho rằng chương trình hạt nhân của Iran chỉ bị đình trệ từ 3 đến 6 tháng. Hai người đặc biệt nhấn mạnh hiệu quả của đòn tấn công vào cơ sở Fordow, nhưng không đưa ra bất kỳ nhận xét nào liên quan đến Natanz và Isfahan.
Sự thật có như những gì Mỹ tuyên bố?
Tuy nhiên, theo đánh giá tình báo mới nhất của chính phủ Mỹ mà NBC thu thập được, hai trong ba cơ sở hạt nhân chỉ chịu thiệt hại ở mức độ hạn chế và có thể được khôi phục nhanh chóng, cho phép Tehran tiếp tục chương trình hạt nhân trong vòng vài tháng tới nếu họ lựa chọn như vậy.
Ngoài ra, theo một quan chức cấp cao của Israel, chính phủ Tel Aviv cho rằng một phần uranium làm giàu ở cấp độ cao của Iran vẫn còn nguyên vẹn, được chôn sâu bên dưới cơ sở hạt nhân tại Isfahan. Dù vậy, phía Israel tin rằng số vật liệu này về cơ bản đã bị “đặt trong vòng kiểm soát”, bởi bất kỳ nỗ lực khai thác nào đều sẽ bị giám sát chặt chẽ. Vị quan chức này khẳng định Israel tin rằng chương trình hạt nhân của Iran đã bị trì hoãn ít nhất hai năm.
Ba nguồn tin nói với NBC News rằng trước khi chiến dịch diễn ra, giới chức Mỹ đã biết rõ Iran đang vận hành các cơ sở làm giàu uranium ở Natanz và Isfahan. Trong đó, một số mục tiêu được cho là nằm sâu đến mức ngoài tầm với của bom xuyên boongke GBU-57 - vũ khí tối tân nhất của Mỹ thường được sử dụng để tấn công các các mục tiêu ngầm sâu. Loại bom này chưa từng được sử dụng trong tác chiến cho đến chiến dịch vừa qua.
Từ năm 2023, đã xuất hiện bằng chứng cho thấy Iran đang mở rộng đường hầm tại Natanz, với độ sâu vượt quá khả năng xuyên thủng của GBU-57. Cũng tại Isfahan, Iran được cho là đã xây dựng hệ thống đường hầm sâu dưới lòng đất. Trong chiến dịch không kích, Mỹ đã dùng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công các mục tiêu trên mặt đất tại Isfahan, trong khi GBU-57 được sử dụng nhằm vào Natanz.
Ngay cả khi các mục tiêu hạt nhân không bị phá hủy hoàn toàn, nhiều quan chức Mỹ và nhiều thành viên đảng Cộng hòa vẫn giữ nguyên quan điểm coi chiến dịch là một thành công chiến lược. Theo họ, Tehran giờ đây phải đối mặt với khả năng bị tấn công tiếp nếu tái khởi động các hoạt động hạt nhân trong bóng tối.
Khi được hỏi vào cuối tháng trước rằng liệu ông có cân nhắc không kích Iran một lần nữa nếu có bằng chứng cho thấy Tehran đang làm giàu uranium ở mức độ gây quan ngại hay không, Tổng thống Trump trả lời không do dự: “Chắc chắn rồi. Không còn nghi ngờ gì nữa”.
Một quan chức Mỹ tiết lộ thêm rằng hệ thống phòng không của Iran đã bị "tê liệt trên diện rộng" sau các đợt tấn công, khiến Tehran gần như không còn khả năng bảo vệ các cơ sở hạt nhân trước các đợt không kích tiếp theo.
“Iran không còn bất kỳ hệ thống phòng không nào đáng kể. Nhận định rằng họ có thể nhanh chóng tái thiết lại các hệ thống phòng không này sau đòn không kích của Mỹ là hoàn toàn phi thực tế”, quan chức này nói.
Mỹ sẽ tiếp tục tấn công các cơ sở hạt nhân Iran?
Theo NBC News, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đã xây dựng một kịch bản tấn công quy mô lớn hơn nhiều so với những gì đã diễn ra, bao gồm việc mở rộng chiến dịch thành nhiều đợt không kích kéo dài nhiều tuần, thay vì giới hạn trong một đêm duy nhất. Kế hoạch này dự kiến sẽ nhắm thêm ít nhất ba cơ sở hạt nhân khác, một quan chức đương nhiệm và hai cựu quan chức từng tham gia hoạch định chiến dịch cho biết.
Theo các quan chức này, từ mùa thu năm ngoái đến mùa xuân năm nay, Tướng Lục quân Erik Kurilla, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), đã âm thầm xây dựng một kế hoạch tấn công tổng lực nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran.
Phương án tác chiến đề xuất bao gồm các đợt không kích liên tiếp vào sáu cơ sở trọng yếu, nhằm xóa sổ hoàn toàn năng lực hạt nhân của Tehran. Kế hoạch cũng mở rộng mục tiêu sang hệ thống phòng không và kho tên lửa đạn đạo của Iran, trong đó các nhà hoạch định quân sự Mỹ dự báo sẽ kéo theo thương vong lớn phía Iran và nhiều khả năng dẫn đến hành động trả đũa nhắm vào các lực lượng Mỹ tại Iraq, Syria và các tiền đồn khác ở Trung Đông.
Kịch bản tấn công này sau đó đã được trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, ông Trump đã bác bỏ phương án này do lo ngại nó đi ngược với nguyên tắc "không sa lầy vào các cuộc xung đột ở nước ngoài" – một trụ cột trong đường lối đối ngoại của Nhà Trắng. Bên cạnh đó, nguy cơ tổn thất nhân mạng đáng kể ở cả hai phía cũng là yếu tố khiến ông từ chối “bật đèn xanh” cho chiến dịch, theo tiết lộ của các quan chức giấu tên.
Iran tới nay vẫn luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ phục vụ mục đích hòa bình. Trong cuộc phỏng vấn với NBC News diễn ra chỉ một ngày trước khi Mỹ phát động tấn công, Ngoại trưởng Iran đã một lần nữa phủ nhận việc nước này đang theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, trái ngược với những tuyên bố trấn an đó, các tin tức tình báo mới nhất lại cho thấy một bức tranh phức tạp hơn nhiều. Và nếu các đánh giá sơ bộ hiện nay tiếp tục được củng cố trong những tháng tới, Washington có thể một lần nữa đối mặt với nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy xung đột tại Trung Đông.