Thực hư việc khách hàng phải chuyển thêm 10% tổng giá trị đơn hàng để nộp cho cơ quan thuế
Nhiều chủ shop bán hàng online sử dụng các chiêu che giấu dòng tiền để 'né' thuế, thậm chí một số chủ shop còn yêu cầu người mua hàng chuyển thêm 10% tổng giá trị đơn hàng để nộp cho cơ quan thuế nếu không ghi nội dung chuyển khoản theo hướng dẫn.
Tình trạng cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội nhưng không khai báo, giấu bớt doanh thu… đang diễn ra, ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện nay tồn tại tình trạng người bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử dùng nhiều phương cách để trốn thuế.
Từ đầu tháng 1 đến nay, một số người bán hàng trên mạng xã hội thường chốt đơn qua điện thoại hoặc sau khi livestream, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội hướng dẫn khách khi chuyển khoản thanh toán hàng không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa như “mua – bán”mà ghi nội dung khác để “qua mắt” cơ quan thuế.
Cụ thể, một số người kinh doanh thương mại điện tử qua hình thức livestream và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube... thông báo cho người mua hàng khi thanh toán chuyển khoản chỉ ghi: TÊN... chuyển khoản để xác nhận.
Đồng thời, các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử còn lưu ý nếu người mua hàng thanh toán chuyển khoản ghi nội dung vi phạm quy định nói trên, bên bán hàng xin phép thu 10% tổng giá trị chuyển tiền để nộp vào cơ quan thuế.
Ví dụ: Nguyễn Văn A chuyển tiền hoặc A chuyển tiền. Không ghi các nội dung như đặt cọc tiền hàng, mua hàng, chuyển tiền hàng, thanh toán công nợ...
Thông tin này khiến những người kinh doanh online vô cùng hoang mang, lo lắng.
Chị Ngọc Ánh (Hà Nội) cho hay chị mới đặt mua một đôi giầy, người bán hàng yêu cầu chuyển khoản trước 30% giá trị. Đồng thời, người này hướng dẫn chị Ánh: Nội dung chuyển khoản chỉ ghi tên người chuyển khoản không ghi các nội dung khác.
"Với những shop online mua lần đầu, nếu không ghi rõ nội dung chuyển khoản, tôi sợ "bùng" tiền, nhưng nếu ghi đúng nội dung thì có thật sẽ bị cơ quan thuế truy thu thêm 10% không?", chị Ánh băn khoăn.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế vừa có văn bản cho biết: "Trong thời gian vừa qua trên mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng từ ngày 01/01/2025 cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế về thương mại điện tử. Tổng cục Thuế khẳng định nội dung trên là không chính xác theo quy định pháp luật thuế".
Hiện nay, Luật Quản lý thuế quy định, tất cả cá nhân nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh thì đều có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp thuế vào ngân sách Nhà nước (NSNN) và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Đồng thời, cơ quan thuế có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan bao gồm: Sàn giao dịch thương mại điện tử, ngân hàng thương mại, đơn vị vận chuyển… cung cấp các thông tin liên quan phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp của người nộp thuế và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động thương mại điện tử vẫn đang là xu thế diễn ra mạnh ở Việt Nam và tình trạng cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội nhưng không khai báo, giấu bớt doanh thu… đang diễn ra và ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.
Ngoài trường hợp điển hình trên, trong một hội thảo liên quan đến thuế thương mại điện tử mới đây, một chiêu khác mà các chủ shop áp dụng cũng được các chuyên gia thuế nêu ra: sử dụng số tài khoản của người thân để nhận tiền bán hàng, đến khi doanh thu đạt 99 triệu đồng thì thay số tài khoản khác.
Để ngăn chặn thất thu thuế, Luật Quản lý thuế có nhiều thay đổi theo hướng vừa tạo điều kiện thông thoáng cho thương mại điện tử hoạt động, vừa ngăn chặn việc thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Đặc biệt, tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó đã sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế quy định từ ngày 1/4/2025, sàn thương mại điện tử sẽ trích nộp thuế thay các hộ/cá nhân kinh doanh trên sàn, dựa trên doanh thu thực tế từ số đơn hàng hộ/cá nhân kinh doanh khởi tạo và giao dịch thành công trên sàn.
“Như vậy, người bán hàng online yêu cầu khách hàng không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa như “mua – bán” là chiêu để các chủ shop bán hàng online né thuế khi cơ quan thuế tăng cường các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, trong đó yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin người bán hàng cho cơ quan thuế, trong đó có thông tin về tài khoản ngân hàng”, một chuyên gia cho hay.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng với việc đồng bộ dữ liệu tại các sàn thương mại điện tử, người bán hàng sẽ khó mà dùng các chiêu né thuế như trên. Bà Hoàng Thị Trà Hương, Giám đốc Tư vấn FPT Zbiz cho biết, hộ/cá nhân kinh doanh dùng căn cước công dân để đăng ký shop trên nhiều sàn thương mại điện tử, đồng nghĩa nhiều shop đã có định danh chung một chủ shop. Cơ quan thuế sẽ không tính doanh thu chịu thuế dựa trên số tài khoản nhận thu nhập mà tính trên tổng thu nhập của shop trên các sàn thương mại điện tử, không quan tâm chuyện chủ shop nhận tiền vào tài khoản nào, có nhận tiền mặt hay không.
“Vượt quá ngưỡng không chịu thuế mà chưa kê khai, nộp thuế, khi cơ quan nhà nước phát hiện ra, chắc chắn sẽ bị truy thu thuế”, bà Hương nói.
Tổng cục Thuế cũng khẳng định với những người bán hàng qua mạng chưa kê khai và nộp thuế, cơ quan thuế luôn truy vết nhằm xác định doanh thu để truy thu thuế, xử phạt tiền chậm nộp thuế. Theo đó, hành vi trốn thuế bị phạt với mức gấp 2-3 lần số tiền thuế đã trốn.