Thực hư việc nhiều người ở Việt Nam thành cố vấn cho tạp chí Harvard
Chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người cho biết bản thân vừa nhận được lời mời làm thành viên Hội đồng cố vấn của tạp chí Harvard Business Review của Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ).
“Tin vui! Tôi vinh dự thông báo rằng mình đã là thành viên Hội đồng cố vấn của Harvard Business Review”.
“Tôi vô cùng tự hào khi thông báo rằng tôi đã được chọn tham gia Hội đồng cố vấn của Harvard Business Review”.
“Tôi đã được tạp chí Harvard Business Review công nhận và chính thức mời vào Hội đồng cố vấn (HBR Advisory Council) của Tạp chí lừng danh này”.
Cuối tuần qua, nhiều người thông báo trở thành cố vấn cho một tạp chí của Trường Kinh doanh Harvard (Đại học Harvard, Mỹ).
Bên cạnh những lời chúc mừng, nhiều ý kiến thắc mắc vai trò của các cố vấn đối với tạp chí nghiên cứu kinh tế nổi tiếng. Có người nghi ngờ đây là “một cuộc đánh cắp thông tin” cá nhân và doanh nghiệp. Thực tế, chức danh "cố vấn" có phần lắt léo.
Đánh cắp thông tin?
Không chỉ Việt Nam, nhiều độc giả ở khắp nơi của tạp chí Harvard Business Review (HBR) cũng nhận được lời mời trở thành cố vấn cho tạp chí.
“Tôi vừa nhận được lời mời tham gia Hội đồng cố vấn của HBR. Dù làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhưng tôi chắc rằng mình chưa từng hợp tác với tạp chí này. Có ai làm ơn giải thích cho tôi chuyện này không? Nếu không phải là một vụ lừa đảo, tôi cũng muốn trải nghiệm”, một người dùng mạng xã hội Reddit chia sẻ.
Dưới phần bình luận, một số người cho biết họ cũng nhận được thông tin tương tự. Song đa phần tỏ ra ngần ngại vì không rõ đây là hoạt động chính thức của HBR hay chỉ là “một trò lừa đảo đánh cắp thông tin”.
Là người từng làm việc với nhiều tạp chí nghiên cứu kinh tế thế giới, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP.HCM , xác nhận Hội đồng cố vấn của tạp chí HBR có thật.
“Đây là một cộng đồng mà HBR vừa xây dựng và hoan nghênh những ai đủ 18 tuổi tham gia. Có thể xem Hội đồng tư vấn này như một cách gọi khác của cộng đồng độc giả tạp chí HBR”, ông chia sẻ.
TS Lưu Tiến Dũng, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - Luật, lại cảnh báo về tính xác thực của những email mời làm cố vấn cho tạp chí HBR.
“Để trở thành cố vấn chuyên môn cho một tạp chí nào đó, đòi hỏi bạn phải là một nhà nghiên cứu có nhiều công trình xuất sắc tầm quốc tế”, TS Dũng phân tích. “Trước khi đồng ý, những người nhận được email cần xác minh thật kỹ để tránh thất thoát thông tin cá nhân, doanh nghiệp”.
Tri Thức - Znews đã liên hệ với đơn vị mua bản quyền và phát hành tạp chí HBR ở Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.
Lắt léo
Ông Triều Châu, một thành viên trong Hội đồng cố vấn của HBR năm 2024, cho biết đây là năm thứ hai ông tham gia công việc này. “Tôi hào hứng khi tiếp tục có cơ hội chia sẻ trải nghiệm của mình với độc giả của HBR”, ông viết trên trang cá nhân. Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Châu không chia sẻ thêm thông tin vì cho rằng “đây chỉ là một công việc tình nguyện nhỏ”.
Một độc giả khác ở Hà Nội cho biết anh cũng bất ngờ khi nhận được "lời mời" này của HBR, vì bản thân anh không có kinh nghiệm kinh doanh, không theo học các chuyên ngành về kinh tế. Anh chỉ đăng ký nhận các bản tin và thông tin của tạp chí.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhận xét cách viết “Hội đồng cố vấn” của HBR làm mọi người hiểu rằng đây là một hội đồng cố vấn chuyên môn, kiến thức và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin trên tạp chí. Căn cứ vào thông tin trên trang web của tạp chí, ông cho biết “hội đồng cố vấn” của HBR tương tự như một “cộng đồng độc giả” thường gặp ở các tờ báo.
Các “cố vấn” của HBR sẽ tham gia các nghiên cứu, khảo sát của tạp chí qua hình thức trực tuyến, điện thoại, thư từ hoặc phỏng vấn cá nhân, nhóm. Nội dung chia sẻ của họ được dựa trên trải nghiệm thực tế và mang tính cá nhân.
Hội đồng cố vấn của HBR là một hội đồng mở, cho phép người đủ 18 tuổi ứng tuyển. Do đó, nếu không nhận được lời mời, những ai muốn ứng tuyển có thể nộp đơn tại trang web của tạp chí với một quy trình 4 bước đơn giản.
Tạp chí kinh tế này còn lưu ý các thành viên không được sử dụng chức danh “thành viên của Hội đồng tư vấn Harvard Business Review” như một thành tích nghề nghiệp hay học thuật. Nếu muốn ghi vào lịch sử làm việc, các “cố vấn” chỉ được phép thể hiện mình là thành viên của “một cộng đồng nghiên cứu tự nguyện dành cho chuyên gia kinh doanh”.
HBR là một tạp chí trong lĩnh vực kinh tế và trực thuộc nhà xuất bản Havard Business School Publishing (liên kết với Trường Kinh doanh Harvard). Song tạp chí này không trực thuộc Đại học Havard và cũng không phải một tạp chí khoa học (science journal).
HBR sản xuất nội dung dựa trên ý kiến cá nhân của chuyên gia, người nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh. Học sinh ở nhiều trường đại học bị cấm trích dẫn tạp chí này vì các thông tin ở đây chưa được khoa học chứng minh, theo Oxford Review (một tạp chí khoa học của Mỹ, không trực thuộc Đại học Oxford).