Thực hư việc phần mềm RAPID giúp kéo dài 'giờ vàng' trong điều trị đột quỵ?

Hiện nay nhiều bệnh viện sử dụng phần mềm RAPID để chẩn đoán, điều trị những bệnh nhân đột quỵ nhằm kéo dài 'giờ vàng' đối với những bệnh nhân này, nhưng thực tế phần mềm này có phải là 'vị cứu tinh' như vậy không?

Nhiều trường hợp phần mềm RAPID chẩn đoán sai

Thời gian gần đây, phần mềm RAPID được một số bệnh viện xem như là “cứu tinh” cho bệnh nhân đột quỵ. Nhiều bệnh nhân đã qua “giờ vàng” - từ 6 giờ đến 24 giờ sau khi đột quỵ - đã được cứu sống nhờ ứng dụng phần mềm này.

Một kết quả sai sau khi chụp với phần mềm RAPID ở một bệnh nhân đột quỵ - Ảnh: PV

Một kết quả sai sau khi chụp với phần mềm RAPID ở một bệnh nhân đột quỵ - Ảnh: PV

Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đầu tiên của cả nước ứng dụng phần mềm RAPID để hỗ trợ can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Theo Bệnh viện Nhân dân 115, từ khi ứng dụng phần mềm RAPID trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân đột quỵ vào năm 2019 đến nay đã có 2.200 ca đột quỵ được phần mềm RAPID rà soát, trong đó 48% người bệnh được can thiệp thành công, có thể vận động bình thường. Đặc biệt, nhờ phần mềm RAPID này mà có khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện qua “giờ vàng” - từ 6 đến 24 giờ được can thiệp nội mạch.

Như vậy có thể thấy, phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID là phương tiện chẩn đoán hình ảnh thông thường để mở rộng cửa sổ điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp sau “giờ vàng”. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong điều trị đột quỵ, phần mềm RAPID cũng là “con dao hai lưỡi” nếu lạm dụng nó.

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM cho biết, hiện nay, các bệnh viện sử dụng phần mềm RAPID chủ yếu sử dụng cho những bệnh nhân sau “giờ vàng”. Nếu RAPID chẩn đoán và nói “NO” thì gần như bác sĩ không can thiệp bệnh nhân đó, nếu không muốn nói là chắc chắn không can thiệp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải RAPID lúc nào cũng đúng. Thường khi bệnh nhân có tổn thương 2 bên bán cầu thì kết quả RAPID sẽ nói “NO” - tức không thể can thiệp được. Tuy nhiên,trường hợp này RAPID sai. Trên thực tế, nếu bác sĩ kiểm tra thấy thời gian bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện vẫn còn sớm, không thấy tổn thương nhồi máu não cũ thì vẫn có thể can thiệp và cơ hội bệnh nhân sống là rất cao.

Dẫn chứng về một trường hợp sai của RAPID, bác sĩ Cường cho biết, trường hợp này kết quả chụp RAPID thông báo vùng thiếu máu âm (-96). Trong khi tỷ lệ thiếu máu/nhồi máu lại là 0.5, có nghĩa là vùng nhồi máu còn rộng hơn vùng thiếu máu. Điều này là kết quả sai.

“Ở đây có thể thấy, tỉ lệ vùng thiếu máu/lõi nhồi máu max bằng 1, nhưng RAPID lại tính ra có 0.5. Nghĩa là vùng nhồi máu rộng hơn vùng thiếu máu”, bác sĩ Cường giải thích.

Ngoài sai sót về chuyên môn trên của RAPID trong chẩn đoán đối với bệnh nhân đột quỵ để đưa ra quyết định có can thiệp hay không còn có sai sót do yếu tố khách quan.

“Khi chụp RAPID bệnh nhân dễ bị kích thích, khi đó họ sẽ bị rung lắc ở đầu dễ dẫn đến sai lệch kết quả. Khi kết quả sai thì khuyến cáo của RAPID sẽ sai. Vì thế không phải lúc nào cũng thực hiện được RAPID”, bác sĩ Cường nói và khẳng định: “RAPID không phải là phần mềm chuẩn để giúp kéo “giờ vàng” đối với bệnh nhân đột quỵ”.

Chia sẻ về điều này, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng - Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam cho rằng, không có kỹ thuật nào chính xác hoàn toàn. RAPID chỉ là phần mềm, quan trọng nhất vẫn là người sử dụng, không thể phụ thuộc vào phần mềm này 100%.

“Phần mềm RAPID là tự động hóa một chương trình có sẵn với những tiêu chuẩn cụ thể. Nếu thỏa mãn những tiêu chuẩn đó thì phần mềm này khuyến cáo bác sĩ can thiệp; còn không thì ngược lại. Đối với một bác sĩ thì phải cân nhắc những yếu tố khác của bệnh nhân, chứ nếu phụ thuộc vào hoàn toàn vào phần mềm RAPID thì còn gì là bác sĩ”, ông Thắng chia sẻ.

Theo bác sĩ Thắng, phần mềm RAPID được ứng dụng một số trường hợp thử nghiệm lâm sàng với những kết quả theo tiêu chuẩn. Những trường hợp nằm ngoài tiêu chuẩn đó thì RAPID trả lời “không có bằng chứng”.

Trước đây, về nguyên tắc việc can thiệp chỉ thực thiện trong thời gian từ 6 - 8 giờ sau khi bệnh nhân bị đột quỵ, còn sau thời gian đó cần có phần mềm RAPID để kiểm tra xem não chết bao nhiêu và còn bao nhiêu. Những trường hợp nào não chết ít và còn nhiều thì sẽ can thiệp.

Tuy nhiên, nghiên cứu hiện nay cho phép không cần dùng RAPID vẫn có thể can thiệp những trường hợp sau 6 - 8 giờ thông qua chụp CT scan, MRI và các kỹ thuật thường quy khác.

Nói phần mềm RAPID kéo dài “giờ vàng” là hại bệnh nhân

Theo các chuyên gia y tế, đối với bệnh nhân đột quỵ đã qua “giờ vàng” vẫn còn có thể can thiệp được, tùy theo tình hình mức độ của mỗi bệnh nhân, nhưng tỷ lệ tàn phế rất cao. Sau “giờ vàng”, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tử vong càng cao. “Nếu như trước “giờ vàng” tỷ lệ cứu sống có thể lên đến trên 70%, nhưng sau 12 giờ thì tỷ lệ cứu sống chỉ 50%; còn sau 24 giờ thì tỷ lệ cứu sống chỉ khoảng 30%, nhưng tỷ lệ tàn phế lên đến 70%”, bác sĩ Cường nói.

Bên cạnh đó, đối với bệnh đột quỵ, các nghiên cứu cho thấy cứ sau 1 phút sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi. Vì thế, nếu bệnh nhân đột quỵ đến trong “giờ vàng”, nhưng trong 1 giờ đầu thì tỷ lệ cứu sống vẫn cao hơn, có thể lên đến 90% đối với bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não.

“Đối với bệnh nhân đột quỵ, thời gian càng kéo dài thì tỷ lệ cứu sống càng thấp. Nếu để kéo dài đến 24 giờ thì khả năng cứu sống bệnh nhân gần như không còn và RAPID cũng không giúp được gì. Vì thế không thể nào nói RAPID có thể kéo dài thời gian đột quỵ lên đến 24 giờ đồng hồ như một số thông tin hiện nay”, bác sĩ Cường cho biết.

Các chuyên gia về đột quỵ cho rằng, RAPID chỉ có thể giúp được cho những trường hợp bệnh nhân đột quỵ nằm trong khoảng thời gian từ 6 - 12 giờ; còn sau giờ đó thì gần như rất khó cứu sống và cũng chẳng ai làm RAPID đối với những bệnh nhân sau 12 giờ.

“Nếu chúng ta nói RAPID có thể kéo dài “giờ vàng” đối với bệnh nhân đột quỵ là đang hại người bệnh. Vì điều này sẽ khiến bệnh nhân chủ quan, càng đến trễ thì nguy cơ tử vong càng cao cũng như không còn khả năng cứu chữa”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID là phần mềm ứng dụng được phát triển bởi Đại học Stanford (Mỹ). Phần mềm ứng dụng này sẽ giúp xác định rõ thể tích vùng lõi hoại tử, thể tích nhu mô não có nguy cơ tổn thương,và hoại tử trong những giờ tiếp theo, còn gọi là “vùng tranh tối tranh sáng” giúp cho các bác sĩ chẩn đoán và can thiệp điều trị chính xác hơn.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thuc-hu-viec-phan-mem-rapid-giup-keo-dai-gio-vang-trong-dieu-tri-dot-quy-194048.html