Thực phẩm '3 không' tràn lan thị trường tết
Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh đã liên tiếp bắt giữ nhiều tấn hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không hề có hóa đơn chứng từ.
Các loại thực phẩm phục vụ tết như: thịt gà, giò, thịt lợn, phủ tạng... “3 không” (không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn sử dụng) được bày bán tràn lan trên thị trường trong những ngày cận Tết Dương lịch và Âm lịch 2020.
Lực lượng quản lý thị trường Sơn La ngày 23.12 đã phát hiện 460 kg nguyên liệu thực phẩm tươi sống bao gồm: thịt gà, giò, phủ tạng, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa thu giữ khoảng 7 triệu đồng.
Theo khai nhận, số thực phẩm trên được nhập từ dưới xuôi sau đó đem về sơ chế, dán mác, đóng gói và đưa đi tiêu thụ tại địa bàn thành phố và các huyện lân cận. Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa thực phẩm đông lạnh trên để tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc
Cùng ngày, lực lượng quản lý thị trường Bắc Giang cũng phát hiện 240 kg chân gà do nước ngoài sản xuất, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa. Cơ quan quản lý đã buộc tiêu hủy số chân gà trên, trị giá hàng tiêu hủy là 13.200.000 đồng.
Ngày 22.12, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện một xe khách vận chuyển thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, lực lượng chức năng phát hiện có 9 thùng tai lợn khô trọng lượng 90kg, 103 thùng lòng khô, trọng lượng 1.133kg. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy tờ hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chỉ khai nhận là đang vận chuyển ra TP.Móng Cái tiêu thụ.
Hay trước đó, ngày 21.12, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 300 kg trứng non và 902 kg vịt đã thịt, không có giấy tờ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo một cán bộ Trạm chăn nuôi và thú ý quận Tây Hồ, ghi nhận cảm quan tất cả không đảm bảo vệ sinh, bao bì, điều kiện bảo quản. Qua khai nhận, số vịt, trứng non này được thu mua ở Quảng Ninh và chuyển về tập kết tại kho rồi bán cho các nhà hàng.
Đại diện Đội Quản lý thị trường số 11 cho biết, số hàng này bao bì có gắn chữ nước ngoài có dấu hiệu nhập lậu về Việt Nam và bốc mùi không đảm bảo vệ sinh.
Đáng chú ý, gần đây, thịt đùi gà tây được người dân thủ đô "đổ xô" đi mua vì được quảng cáo như đặc sản, là thịt tươi, giá chỉ hơn 90.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều thịt lợn. Song ít ai biết rằng, đùi gà tây đông lạnh được nhập lậu từ nước ngoài về, bốc mùi hôi thối.
Cụ thể, vào chiều tối 20.12, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một căn nhà trọ tại địa bàn phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt đùi gà tây đông lạnh đã bốc mùi hôi thối đang được cơ sở này sơ chế để bán ra thị trường.
Cơ quan chức năng phát hiện trên chiếc xe tải của cơ sở này còn hàng chục thùng đùi gà tây đông lạnh. Tất cả đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên sản phẩm đã xuất hiện dấu hiệu nấm mốc, hư hỏng. Theo ông Phan Duy Vĩnh, Đội trưởng Đội QLTT số 28: "Số hàng này khoảng 1 tấn, nhập từ nước ngoài về và không có nhãn phụ bằng chữ Việt Nam".
Thực tế cho thấy, thực phẩm bẩn có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, đặc biệt là tại các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống – nơi nhiều loại thực phẩm được bày bán, luân chuyển đi khắp nơi. Thống kê cho thấy, TP.Hà Nội hiện có 239 chợ, trong đó có gần 170 chợ loại 3 và chợ tạm.
Trong khi 3 chợ đầu mối và các chợ loại 1, loại 2, việc kiểm tra, giám sát về giá cả, chất lượng hàng hóa được thực hiện khá tốt thì ở các chợ loại 3, chợ tạm, chợ tự phát, việc kiểm tra, giám sát ATTP còn lỏng lẻo, chưa đi vào nề nếp, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Nhất là thời điểm cận Tết, tình trạng bày bán tràn lan các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra một cách phổ biến, những mặt hàng này chủ yếu xuất hiện ở các chợ dân sinh, nơi cung cấp chủ lực các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và người lao động. Đây được coi là mối nguy cơ tiềm tàng về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức… vẫn diễn ra thường xuyên. Tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo an toàn.