Thực phẩm Sao Ta lên kế hoạch lợi nhuận 250 tỷ

Fimex sẽ chia cổ tức bằng tiền 25% cho năm 2019 và duy trì tỷ lệ tương tự cho năm 2020.

Chiều 12/6, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC), một thành viên của Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Cuộc họp có sự tham dự của các cổ đông đại diện cho 38,5 triệu cổ phiếu, chiếm 78,65% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành.

 Chính sách cổ tức bằng tiền 25%.

Chính sách cổ tức bằng tiền 25%.

Năm 2019, Sao Ta ghi nhận những kết quả khả quan mặc dù ngành thủy sản nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động nuôi tôm ghi nhận sản lượng kỷ lục 3.508 tấn nguyên liệu, tăng 71%. Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch sang Mỹ và Nhật Bản để bù đắp cho sự sụt giảm tại châu Âu.

Lợi nhuận sau thuế năm 2019 tăng 27% lên mức 230 tỷ đồng. Với kết quả đó, công ty nhất trí với phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 25%, tương đương tổng số tiền gần 123 tỷ đồng. Trong đó Fimex đã tạm ứng 15% và sẽ còn trả thêm 10% thời gian tới.

Công ty thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu tổng doanh thu 4.170 tỷ đồng, tăng 12% và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 250 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm trước. Mức chi cổ tức dự kiến vẫn là 25%.

Sao Ta có kế hoạch đầu tư xây dựng kho lành 6.000 tấn tại KCN An Nghiệp với mức vốn đầu tư 60 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất trong quý II. Đầu tư mở rộng diện tích khu nuôi tôm Tanafarm với diện tích hơn 81 ha, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng và đã thả nuôi xong trong tháng 5 để nâng tổng diện tích lên khoảng 270ha.

 Vùng nuôi Tanafarm của Thực phẩm Sao Ta.

Vùng nuôi Tanafarm của Thực phẩm Sao Ta.

Công ty cũng gặp thuận lợi nhờ được lấy lại được số thuế đã nộp trong giai đoạn 1/2/2017-31/1/2018 do được áp dụng mức thuế 0% từ đợt rà soát hành chính chống bán phá giá tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ (POR13). Đây cũng là nền tảng tốt cho việc thỏa thuận không làm hồ sơ bán phá giá tôm vào thị trường này giai đoạn 1/2/2019-31/1/2020.

Công ty cũng thông qua việc bổ sung thêm ngành nghề sản xuất bao bì bằng giấy, in ấn, sản xuất sản phẩm từ plastic nhằm phục vụ nội bộ cho kế hoạch mở rộng thêm tổ in. Công ty cũng quyết định miễn nhiệm thành viên HĐQT với ông Đặng Kiết Tường và thay thế bằng ông Nguyễn Văn Khải, các thành viên còn lại được giữ nguyên cho nhiệm kỳ mới 2020-2025.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực giữ vai trò chiến lược tổng thể cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Trà My đảm nhận các công việc chiến lược chuyên sâu, phát triển bền vững và văn hóa doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Khải phụ trách quan hệ cổ đông, khách hàng…

Sao Ta tự tin với các thị trường xuất khẩu

Thực phẩm Sao Ta xuất khẩu tôm sang 3 thị trường chính là châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản. Theo Chủ tịch Hồ Quốc Lực, thị trường EU có sự sụt giảm năm 2019 là do khách hàng lớn gặp khó khăn nên lấy hàng chậm hơn so với dự kiến. Đây là thị trường công ty đẩy mạnh hàng giá trị gia tăng từ 2015 khi tôm Thái Lan bị mất ưu đãi thuế quan.

Nói thêm về tác động của EVFTA, Chủ tịch Fimex cho biết hiệp định có hiệu lực thời gian tới sẽ giúp tôm Việt có lợi thế hơn đối thủ trực tiếp là Thái Lan. Hiệu lực mới giúp tôm Việt có thuế 0% trong khi của Thái Lan có thể đến 25%. Dù vậy, thị trường này cũng không dễ xâm nhập bởi rất kỹ tính và yêu cầu tôm chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc.

Thị trường Mỹ gặp thuận lợi do công ty được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0% trong đợt POR13 và POR14, cũng như tự tin sẽ thương lượng được mức thuế tốt trong năm nay. Ông Lực ước tính công ty có thể được hoàn lại số thuế đã nộp khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về ảnh hưởng của Covid-19, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng có tác động nhưng không nhiều, không có nhà máy đông lạnh nào bị dừng hoạt động mà chỉ có tăng chi phí hoạt động do các hoạt động giãn cách xã hội. Công ty cũng có những chuẩn bị tốt tại các nhà máy trại tôm về vật tư, con giống, thiết bị…

Ông Lực đánh giá các đơn hàng chỉ bị ảnh hưởng nhẹ do có sự chủ động thương lượng với các khách hàng. Trong thời gian tới, với thương hiệu về trong ngành tôm các đơn hàng vẫn tốt. Đối với vấn đề nguyên liệu, ông thừa nhận diện tích nuôi có thấp hơn do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng công suất của các nhà máy hiện Việt Nam cũng giảm đi do đó cũng không có tác động quá lớn.

Thực phẩm Sao Ta có kế hoạch mở rộng vùng nuôi lên 270ha là chiến lược đường dài để tăng lợi thế cạnh tranh và chủ động con giống. Ông Lực cho rằng việc mở rộng vùng nuôi quy lớn có lợi chung cho toàn ngành và trong đó FMC cũng có lợi thế hơn so với các đối thủ.

Theo Huy Lê/NĐH

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/doanh-nghiep/thuc-pham-sao-ta-len-ke-hoach-loi-nhuan-250-ty-93540.html