Thực phẩm tắm hóa chất, khó tìm được người chịu trách nhiệm
Luật đã cấm, mức phạt cao nhưng tình trạng sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn đang diễn ra và không có dấu hiệu có thể ngăn chặn triệt để… trước sự quản lý lúng túng của cơ quan chức năng.
Nhiều vụ bắt giữ các lô hàng là hóa chất không rõ nguồn gốc, phát hiện, xử lý các cơ sở sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhưng mới chỉ như “muối bỏ bể” đẩy hành vi “giết người hàng loạt” này lên tầm “quốc nạn”.
Hóa chất – mua đâu cũng có
Chỉ cần gõ cụm từ “phụ gia thực phẩm” hoặc “hóa chất thực phẩm” có thể dễ dàng đọc được các quảng cáo trên internet về những sản phẩm này. Danh mục hóa chất được liệt kê rất đa dạng: từ phụ gia cho thực phẩm chế biến, cho thực phẩm chay, cho nem giò chả đến phụ gia cho bánh kẹo kem nước giải khát, phụ gia cho các loại gia vị như nước mắm, nước tương, tương ớt, cho rau củ quả trái cây… đến các loại chất bảo quản thực phẩm, tẩy trắng thực phẩm, màu thực phẩm, hương liệu thực phẩm, bột thực phẩm…
Các quảng cáo này chỉ có tên sản phẩm cùng những công dụng/ứng dụng, có sản phẩm sẽ được quảng cáo nguồn gốc ở dạng chung chung (tên quốc gia được cho là nơi sản xuất của sản phẩm), chứ không hề có cảnh báo về tác dụng phụ cũng như hậu quả khi sử dụng quá quy định cho phép. Và dù có quảng cáo chi tiết nhưng không ai có thể chắc chắn các sản phẩm đó có an toàn để sử dụng cho kinh doanh, chế biến thực phẩm hay không.
Trong khi chỉ với số tiền chỉ vài chục nghìn, cùng lắm hơn 100 nghìn đồng là có được một túi chất phụ gia, bảo quản, tẩy trắng… thực phẩm. Còn hậu quả thì người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hoàn toàn vì với phong cách, tập quán tiêu dùng thực phẩm hiện nay, người tiêu dùng sẽ không thể có cơ chế nào để yêu cầu bồi thường nếu các sản phẩm này ảnh hưởng đến sức khỏe.
Còn trên thị trường, việc mua bán hóa chất, phụ gia thực phẩm, nhất là những loại không rõ nguồn gốc, thậm chí độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng “dễ hơn bao giờ hết”. Dư luận rúng động và bức xúc vì phở ướp phoóc-môn, măng ngâm chất vàng ô, tôm tiêm tạp chất Agar,… và nỗi lo thực phẩm “ngậm” hóa chất vẫn đang hiện hữu trong từng mâm cơm của mỗi gia đình, từng món ăn tại các nhà hàng vì các loại hóa chất độc hại đang theo những con đường “tiểu ngạch” tuồn vào thị trường trong nước và được phân phối dưới dạng hóa chất “không rõ nguồn gốc” đến người sản xuất thực phẩm.
Chợ hóa chất Kim Biên (quận 5, TP HCM) đã trở thành biểu tượng đáng sợ cho sự tràn lan của những loại “hàng loạt hóa chất nhập khẩu tiểu ngạch” và thách thức tất cả những cơ chế quản lý mặt hàng này. Bởi bất kỳ ai đến đây đều có thể mua được tất cả những loại hóa chất, chỉ cần có tiền. Vì vậy, “bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và 286 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm tỷ lệ 26,6%)”, báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016” cho biết.
Ngay cả các loại hóa chất có nguồn gốc, được phép sử dụng trong chế biến, kinh doanh thực phẩm. Nhưng nếu người sản xuất không tuân thủ đúng quy trình, thủ tục, cách sử dụng thì chúng sẽ trở thành những loại “thuốc độc ăn mòn sức khỏe” của người tiêu dùng như 10,3% mẫu rau được Bộ NN&PTNT kiểm tra có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng phát hiện đến 30% mẫu rau được lấy tại một số chợ của Hà Nội tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… Báo cáo cũng cho thấy, kết quả kiểm tra rau, quả tươi sống giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là hơn 8,4%; kiểm tra đối với hơn 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện hơn 9.000 hộ vi phạm.
Khó tìm được người chịu trách nhiệm
Những hành động quyết liệt như vậy khó thấy ở nước ta dù cũng là hành vi sử dụng hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trong thực phẩm. Điều 5 Luật ATTP đã quy định cấm sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và mức phạt theo Điều 7 Nghị định 178/2013/NĐ-CP là từ 20 - 40 triệu đồng, cùng với hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm 04 tháng đến 06 tháng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Song đa số các vụ vi phạm quy định cấm sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm mới chỉ dừng ở việc xử phạt hành chính. Trong 5 năm 2011-2016, cơ quan chức năng đã phát hiện 13.296 vụ việc vi phạm pháp luật về ATTP, riêng cơ quan công an trực tiếp xử lý 8.276 vụ, xử phạt hành chính 64.942 tỷ đồng, các cơ quan khác xử lý 5.020 vụ. Trong khi đó, thống kê của Công an các đơn vị, địa phương trong thời gian từ 2011-2016, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân mới khởi tố 1 vụ, 3 bị can.
Từ năm 2011-2016, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%. Mới đây nhất, chiều 17/8, Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC49) - Công an TP Đà Nẵng cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện 8 cơ sở dùng hóa chất không rõ nguồn gốc để tẩy trắng nông sản tại chợ đầu mối Hòa Cường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). PC49 Công an Đà Nẵng đã chuyển cả 8 mẫu bột trắng cho cơ quan kiểm định để xác định loại chất tẩy công nghiệp là gì và tiến hành xử phạt với các hộ kinh doanh kể trên. Cũng tại Đà Nẵng, ngày 25/7, Đội liên ngành của TP đã xử phạt 4 triệu đồng đối với bà Mai Thị Cúc (chủ quầy 19 Chợ Hải sản tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) do bán tôm có chứa tạp chất Agar. Tạp chất Agar được biết gây ra các bệnh truyền nhiễm như tả và thương hàn.
Việc phát hiện, xử phạt vẫn diễn ra nhưng tính chất răn đe rất hạn chế. Rõ ràng, nguyên nhân là do quy định của pháp luật “khó thực hiện” và mức răn đe còn “chấp nhận được” đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chức hóa chất nên tình trạng vi phạm quy định về sử dụng hóa chất, chất cấm trong chế biến, kinh doanh thực phẩm không hề giảm. Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an đã hy vọng, theo BLHS năm 2015 thì các vấn đề gây khó khăn cho việc xử lý các hành vi vi phạm về ATTP nói chung và về hóa chất trong thực phẩm nói riêng sẽ được giải quyết.
Các đại biểu tại tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi - Hiện trạng và giải pháp”, các quy định của BLHS 2015 sửa đổi sẽ “cải thiện đáng kể” tình trạng sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo đó, không cần xét đến hậu quả có thể chứng minh đối tượng vi phạm gây ra, chỉ cần bị phát hiện hành vi vi phạm, đã bị chế tài xử lý, là một quy định quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực ATTP. “Bởi nhìn chung các vi phạm về sử dụng hóa chất, chất cấm, khó có thể chứng minh ngay tức thì - trừ trường hợp người sử dụng bị ngộ độc tập thể”, LS Nguyễn Kiều Hưng nhận xét.
Để tăng cường đảm bảo ATTP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm thông qua hệ thống siêu thị để từng bước thay thế các chợ tự phát, truyền thống; rà soát, kịp thời điều chỉnh quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất chuyển khẩu hàng hóa, nhất là hàng thực phẩm đông lạnh, tránh trường hợp thực phẩm không bảo đảm ATTP thẩm lậu ngược trở lại Việt Nam. Giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác ATTP, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán, kinh doanh thực phẩm, các loại gia súc, gia cầm, thực phẩm chức năng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng các chất cấm để chế biến, bảo quản thực phẩm…
Ngoài ra, theo nhiều ý kiến, sự dàn trải vì quá nhiều cơ quan quản lý đã tạo điều kiện cho hóa chất, nhất là các loại hóa chất không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường như ở chợ Kim Biên. Tình trạng này sẽ còn kéo dài nếu không có tổ chức hay cá nhân nào chịu trách nhiệm đến cùng trong quản lý. Do vậy, cần có phương án để tập trung đầu mối quản lý để ngăn chặn triệt để những loại hóa chất độc hại theo thực phẩm đi vào cơ thể người.