Thực ra chúng ta có khỏe không?

Một bản ngã trưởng thành có khả năng yêu thương, dù dễ tổn thương nhưng lại đầy sáng tạo và đồng cảm với người khác. Quan trọng hơn, chúng ta biết cách chấp nhận sự khác biệt của mỗi cá nhân. Khi chúng ta đánh thức trái tim với tư cách là 'người thầy tâm linh', chúng ta tạo nên một không gian để hàn gắn vết thương lòng, cả trong quá khứ và hiện tại. Tình yêu cuộc sống trở nên không thể lay chuyển và có sức hút mãnh liệt. Chúng ta sống trọn vẹn với những cảm giác của hiện tại, cảm nhận nguồn năng lượng tích cực của mình và tìm thấy bình yên trong cuộc sống.

Tiếng vọng của sự đổi thay

Chúng ta đến với thế giới này bằng tiếng khóc, mang trong mình thứ năng lượng dồi dào chẳng hề vướng nỗi sợ. Ngọn lửa nhiệt huyết, cùng đam mê, tiếp sức cho quá trình trưởng thành qua giông bão. Nhà nghiên cứu Mara Branscombe tin rằng, mỗi chúng ta, dù khác nhau về nhân cách hay con đường sự nghiệp, đều giống "chiếc hòm gỗ" ẩn chứa những phẩm chất bí ẩn và tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng ra.

Chữa lành là hành trình tâm linh quay về với bản ngã, kết nối với nội tâm, khám phá chiều sâu của linh hồn.

Chữa lành là hành trình tâm linh quay về với bản ngã, kết nối với nội tâm, khám phá chiều sâu của linh hồn.

Tất nhiên, đường đời chẳng toàn hoa hồng, ở đâu đó sẽ xuất hiện những tổn thương tâm lý, tựa đám mây đen che đi nguồn năng lượng mặt trời. Ở thế giới hiện đại, chúng ta dường như chấp nhận một cuộc sống sáo rỗng, với thứ niềm tin giả tạo, rồi đắm chìm trong vô vàn những điều vô bổ để dần lãng quên chính mình. Không ít người bị ám ảnh bởi sự nông cạn của các mối quan hệ, trở thành bệnh nhân của nhiều vấn đề tâm lý cùng nỗi cô đơn không thể chối bỏ.

Có những người trẻ, ở độ tuổi đôi mươi đẹp nhất đời người, rơi xuống vực thẳm vì suy nghĩ tiêu cực, thấy mình vô dụng, sống không có mục tiêu. Ở trang khác cuộc đời, nhiều người thả trôi bản thân theo những ngày buồn chán và cạn kiệt năng lượng, để rồi chúng ăn sâu vào cuộc sống như một thói quen khó rũ bỏ. Họ dễ dàng cảm thấy vô nghĩa khi coi mình chỉ là những chiếc bánh răng trong guồng máy của xã hội.

Ba tháng trước, Mara Branscombe bắt đầu dự án cộng đồng "Thực ra, chúng ta có khỏe không?", truyền tải thông điệp chữa lành không còn là câu chuyện của riêng ai, chúng ta không cần phải né tránh hay cảm thấy khó khăn khi đối diện với bất ổn bên trong mình. Sự thật là chúng ta có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc trở thành nô lệ của công việc, tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa sâu sắc, tìm thấy tiếng gọi thực sự và số phận của chính mình.

Chữa lành là quay về với bản ngã, kết nối với nội tâm. Đó tựa như một hành trình tâm linh vào những vùng đất chưa được biết đến bên trong mỗi người, để khai phá đầy đủ chiều sâu của linh hồn. Nhà thần thoại học Joseph Campbell miêu tả hành trình này xuất phát từ "tiếng vọng của sự đổi thay", thúc đẩy mỗi người mạo hiểm phiêu lưu trên từng cung đường độc nhất vô nhị, chẳng ai giống ai, hoàn thiện định mệnh của mình và trải nghiệm "sự giác ngộ cuối cùng".

Khi dấn thân vào cuộc phiêu lưu, chúng ta bắt đầu quá trình hiểu rõ bản thân và nhận lại những món quà tinh thần quý giá. Cũng giống như Orpheus đã đi xuống Hạ giới để giải cứu Eurydice trong thần thoại Hy Lạp, hay người Sumerians viết về Inanna chiến đấu với em gái trong thế giới bóng đêm. Về cơ bản, những người anh hùng tượng trưng cho nỗ lực tinh thần, bỏ lại mọi điều quen thuộc, đi vào vùng đất của những điều kì quái, chạm trán với vô số quái vật, và vật lộn với khó khăn để tìm lại chính mình.

Ichigo Ichie ám chỉ sự ngắn ngủi, nhanh chóng phai tàn, hướng con người tới triết lý sống hết mình cho hiện tại.

Ichigo Ichie ám chỉ sự ngắn ngủi, nhanh chóng phai tàn, hướng con người tới triết lý sống hết mình cho hiện tại.

Đứa trẻ bên trong nội tâm

Theo Mara Branscombe, khi ai đó không còn cảm thấy hạnh phúc, bỗng thấy muộn phiền, chơi vơi, đó là lúc họ cần chữa lành. Nỗi sợ hãi, vỡ mộng về bản thân, những ám thị kiểu "mình không đủ tốt", hay "sẽ chẳng bao giờ tìm thấy tình yêu", trộn lẫn với cảm xúc bị kìm nén, trở thành chất liệu giúp chúng ta bắt đầu chữa lành vết thương. Việc này không dễ dàng, nhưng khi thành công, sự bình an từ bên trong sẽ sản sinh nội tiết tố hạnh phúc giúp chúng ta đón nhận và tận hưởng cuộc sống tốt hơn.

Triết gia Rumi, từ thế kỷ 13, đã khẳng định con người, muốn như phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn, phải chấp nhận gặp gỡ cái tôi trong bóng tối thay vì trốn chạy. Trong cả cuộc đời, họ sẽ luân chuyển vai trò của kiến trúc sư, biên đạo múa và người biến hình để xác định con đường hướng tới nhận thức tích hợp, không còn bỏ qua cốt lõi của vấn đề hoặc chiều sâu của đau thương, mà ôm lấy tất cả những hỉ nộ ái ố. Đó là chuyến đi khó khăn và ám ảnh, nhưng đầy mạnh mẽ, đến Hạ giới - nơi cất giấu những bí mật thầm kín nhất mà chúng ta vô thức trốn tránh.

Chỉ khi hiểu Hạ giới của cá nhân mình, chúng ta mới có thể thực sự nắm bắt số phận, mục đích, và ý nghĩa cuối cùng về cuộc sống thay vì thực tại dễ đoán, xoay quanh những thú vui vật chất cùng giá trị nông cạn. Tất cả cần bắt đầu từ suy nghĩ thừa nhận sự tồn tại của "đứa trẻ" bên trong mỗi chúng ta. Từ chối "đứa trẻ" đồng nghĩa với khó khăn quay ngược về quá khứ, đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá những cảm xúc thực sự, dành sự yêu thương, vỗ về và chữa lành những tổn thương thời thơ ấu.

Nói theo ngôn ngữ tâm lý học, Hạ giới, cùng "đứa trẻ", là chất xúc tác giúp chúng ta học cách nhận diện, gọi tên và chấp nhận cảm xúc của bản thân. Ở tuổi trưởng thành, con người thường gánh vác nhiều trách nhiệm mà lãng quên những thứ giúp bản thân được thư giãn. Lắng nghe cảm xúc của "đứa trẻ" nội tâm sẽ giúp chúng ta đối mặt những đau khổ mà bản thân đã trải qua, để có thể nhẹ nhàng chấp nhận trải qua cảm xúc hiện tại.

Mara Branscombe tưởng tượng một hành trình tự khám phá nội tâm lần theo dòng cảm xúc thời thơ ấu, mở ra cánh cửa dẫn đến vùng đất tích cực đem lại hi vọng, cùng sự nhẹ nhàng trong cuộc sống. Chữa lành khi ấy cho chúng ta chạm đến điều bình dị nhất chỉ bằng suy nghĩ, như hương vị của một que kem sôcôla, khoảnh khắc vui đùa với chú cún con, hay lúc cười hạnh phúc trong cuộc chuyện trò với bạn thân.

Thừa nhận sự tồn tại của "đứa trẻ" bên trong mỗi chúng ta đồng nghĩa với chấp nhận đối diện cảm xúc của bản thân.

Thừa nhận sự tồn tại của "đứa trẻ" bên trong mỗi chúng ta đồng nghĩa với chấp nhận đối diện cảm xúc của bản thân.

Sống hết mình cho hiện tại

Thần thoại nhắc tới Trung giới, nơi cư ngụ của cơ thể vật lý và bản ngã con người. Từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành, chúng ta trải qua nhiều năm để thay đổi nhân cách, cuối cùng hình thành cá tính độc đáo. Tuy nhiên, nhiều người không tiếp tục phát triển bản thân, thay vào đó, bị cuốn vào guồng xoáy công việc hoặc theo đuổi địa vị, danh vọng. Mara Branscombe nhận định, năm mới chính là thời điểm hoàn hảo để mỗi chúng ta "trải lại nhựa" cho con đường nơi Trung giới, hướng tới mục tiêu phát triển một bản ngã lành mạnh.

Rumi, với “Khu vườn của Linh hồn và Trái tim”, mở ra đối thoại với chính bản ngã con người. Ở đó, mỗi cá thể sau những hành trình tới Hạ giới, Trung giới và Thượng giới, bắt đầu nắm bắt cuộc trò chuyện nội tâm của mình. Để rồi, đến một lúc nào đó bất chợt dừng lại, hít thở thật sâu, tự hỏi bản thân liệu phán xét, tiêu cực, nhỏ nhen có ích gì với cõi đời này. Suy nghĩ trở thành chất xúc tác cho quá trình chữa lành khi tâm trí nhận ra mọi bon chen, toan tính là vô ích, khiến trái tim dịu lại trong cơn gió của sự bình yên.

Một bản ngã trưởng thành có khả năng yêu thương, dù dễ tổn thương nhưng lại đầy sáng tạo và đồng cảm với người khác. Quan trọng hơn, chúng ta biết cách chấp nhận sự khác biệt của mỗi cá nhân. Khi chúng ta đánh thức trái tim với tư cách là "người thầy tâm linh", chúng ta tạo nên một không gian để hàn gắn vết thương lòng, cả trong quá khứ và hiện tại. Tình yêu cuộc sống trở nên không thể lay chuyển và có sức hút mãnh liệt. Chúng ta sống trọn vẹn với những cảm giác của hiện tại, cảm nhận nguồn năng lượng tích cực của mình và tìm thấy bình yên trong cuộc sống.

Như tác giả Inamori Kazuo đề cập trong tác phẩm “Cách sống từ bình thường trở nên phi thường”, mỗi một sự sống trong vũ trụ bao la đều không được sinh ra một cách ngẫu nhiên. Vạn vật tồn tại đều mang một ý nghĩa lớn lao, con người luôn ở trong trạng thái được chữa lành mỗi ngày. Trí thông minh của cơ thể khuyến khích hệ sinh thái bên trong hướng tới trạng thái toàn vẹn để hoạt động tối ưu. Mỗi ngày trôi qua, tiềm năng của chúng ta sẽ dần hé lộ, được nuôi dưỡng bằng dòng chảy yêu thương cuồng nhiệt và khao khát tự do, dẫn chúng ta tới những khởi đầu mới đầy bất ngờ.

Lớn lên, chúng ta hiểu rằng mình phải luôn trân quý và nắm bắt mỗi phút giây, từng cuộc gặp gỡ trong đời bởi đó là những khoảnh khắc không bao giờ lặp lại. Vậy mà chúng ta, trong một thời đại đầy rẫy lo âu thường nhật và biến động theo dòng chảy của thời gian, lại vô tình đánh mất lý tưởng sống cao đẹp này. Inamori Kazuo khéo léo nhắc về hai chữ Ichigo Ichie, ám chỉ sự ngắn ngủi, nhanh chóng phai tàn, để hướng "người thầy tâm linh" bên trong chúng ta tới triết lý sống hết mình cho hiện tại. Một hành trình khó khăn, nhưng con đường tìm kiếm lẽ sống ấy mang đến niềm vui cùng động lực phấn đấu, trở thành kim chỉ nam giúp chúng ta tích cực sống trọn vẹn mỗi ngày...

Việt Dũng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/thuc-ra-chung-ta-co-khoe-khong--i683786/