Thực tại ảo qua thảm kịch Itaewon

Vụ dẫm đạp dẫn đến cái chết của hơn trăm con người tại Seoul đêm 29/10 là một thảm kịch kinh hoàng. Nhưng điều đáng kinh ngạc là ngay ở hiện trường, hàng trăm người khác vẫn vui vẻ như không có điều gì xảy ra.

Suốt ngày hôm qua, theo dõi tin tức về thảm họa Halloween ở Seoul, điều tôi cảm thấy kinh sợ hơn cả việc hàng trăm người bị chết do dẫm đạp, là cảnh hàng trăm thanh niên khác, ở ngay gần đó, vẫn tiếp tục nhún nhảy theo điệu nhạc, trong ánh sáng quay cuồng của đèn lase và đèn xe cấp cứu.

Rất khó để diễn tả cảm giác về điều này.

Đó không phải là sự lạnh lùng vô cảm thuần túy. Bởi những thanh niên đang nhún nhảy đó vẫn có sự cuồng nhiệt với âm nhạc, với cái không khí lễ hội mà họ đang tham dự. Tôi không có mặt ở đó để hình dung mình thực sự sẽ cảm thấy như thế nào khi thảm kịch của đồng loại diễn ra ngay bên cạnh.

Nên không thể phán xét những thanh niên đó có lạnh lùng, có vô cảm hay không.

Tôi chỉ cố suy nghĩ, rằng điều gì đã khiến người ta mất đi khả năng bàng hoàng, đau xót khi đồng loại mất mạng.

Tuần trước, có một vụ án mạng ở Hải Phòng, một cô gái trẻ được cho là bị người tình bắn chết tại nhà. Trước cả khi câu chuyện được đưa lên mặt báo, có một clip được đưa lên mạng xã hội ghi lại hình ảnh cô gái nằm với vũng máu lênh láng. Điều đặc biệt là trong clip ấy có tiếng kêu "ôi con ơi" của một người.

Điều đó cho thấy người quay clip, và đưa lên mạng xã hội là người quen, nhưng hình ảnh không rung, không hề có dấu hiệu mất bình tĩnh. Người đó đang nhìn hiện trường vụ án mạng thuần túy qua chiếc điện thoại chứ không có cảm giác như nhìn trực tiếp.

Tháng trước, có một vụ án khác ở Hải Dương, một thanh niên đã đâm chết bạn gái và tự đâm mình tại một cửa hiệu mặt đường. Khi anh ta nằm ôm cái xác của bạn gái và cầm con dao tự đâm mình trong vũng máu, rất nhiều người đứng ngoài cửa vừa quay clip vừa bàn tán, lạnh lùng bình tĩnh như đang xem một đoạn phim.

Cũng tuần trước ở Bắc Ninh, 2 tiếng trước khi chém chết người yêu cũ, một thanh niên đã đăng status kể chi tiết nguồn cơn và ý định thực hiện vụ sát nhân. Rất nhiều người đã để lại bình luận, khuyên nhủ, hỏi han. Nhưng không có ai nhìn nhận đây là một dấu hiệu cần ngăn chặn, cần báo công an.

Vụ án đã xảy ra đúng như những gì kẻ sát nhân đã báo trước.

Tôi đã cảm thấy rất khó hiểu khi theo dõi những câu chuyện này. Nhưng khi đặt chúng cạnh nhau, nhìn lại, tôi chợt nhận ra điểm chung là những cái điện thoại bình tĩnh. Nếu như chúng ta đã quen nhìn các vụ án mạng, các thảm kịch qua các đoạn video clip, đánh giá, bàn luận qua những hình ảnh đó hàng ngày. Chúng ta sẽ quen với việc nhìn cái chết của đồng loại bằng tâm thế thưởng thức thông tin.

Những sự việc man rợ, thảm thương đối với chúng ta dần dần, từng bước một, sẽ chỉ còn là những câu chuyện, những hình ảnh đượcchia sẻ. Cảm giác của chúng ta dần sẽ bị lẫn lộn giữa thực và ảo, và có xu hướng tin những gì nhìn thấy trên màn hình là thật hơn là những thứ đang chứng kiến tận mắt.

Những người trực tiếp chứng kiến và quay clip các vụ án mạng bình tĩnh và không cảm thấy sợ hãi bằng những người xem clip đó trên mạng.

Những người đọc status chuẩn bị giết người và bình luận trong đó cảm thấy đủ để ngăn chặn hành vi của kẻ sát nhân, cảm thấy đó là tất cả việc mình có thể làm, không cần phải báo công an hay đến trực tiếp khuyên nhủ nữa.

Và, tôi chợt nhận ra, những người trẻ tuổi ở seoul, nếu như họ thấy hình ảnh vụ dẫm đạp kinh hoàng trên điện thoại, có lẽ họ sẽ dừng lại, bàn luận, và bày tỏ sự kinh hoàng. Còn lúc đó, họ đang ở hiện trường, nhìn sự việc diễn ra trực tiếp, và không có phản ứng cảm xúc.

Có lẽ, chúng ta đã dần quen với thực tại ảo và phản ứng cảm xúc của chúng ta đã tê liệt với thực tế đang diễn ra trong tầm tay của mình./.

Trung Tuyến/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/blog/thuc-tai-ao-qua-tham-kich-itaewon-post980861.vov