Thúc tăng trưởng tín dụng: Cần đồng bộ các giải pháp

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS), các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ cơ cấu sản phẩm cho đến đối tượng khách hàng, hướng đến các lĩnh vực có nhu cầu vốn thực của nền kinh tế.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, cách khá xa chỉ tiêu định hướng cả năm ở mức 15%. Đó là chưa kể tín dụng tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm và ì ạch nhích lên, sau đó bứt phá trong những tuần cuối tháng 6 rồi quay đầu giảm. Bà có nhận định gì về vấn đề này?

Sau khi có màn khởi động chậm trong quý đầu năm, tín dụng bắt đầu tăng tốc từ tháng 4. Diễn biến này cũng đồng pha với tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Sau khi đạt mức tăng trưởng 5,66% trong quý I, GDP Việt Nam phục hồi mạnh mẽ lên mức 6,9% trong quý II, vượt qua hầu hết các dự báo trước đó (vào khoảng 6,1 - 6,5%).

Sự khởi sắc của nền kinh tế được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu tích cực và sản xuất liên tục mở rộng. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 139.500 doanh nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125.500 doanh nghiệp. Cầu đầu tư khu vực tư nhân cũng khởi sắc khi tăng 8% trong quý II, gần gấp đôi so với mức 4,2% trong quý I. Các số liệu cho thấy doanh nghiệp tư nhân bắt đầu lạc quan hơn với triển vọng kinh tế và sẵn sàng mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tăng trưởng tín dụng thu hẹp chỉ còn 5,3% trong nửa đầu tháng 7 sau khi có màn tăng trưởng thần tốc vào những tuần cuối quý II để đạt mức 6%. Điều này có thể lý giải rằng, nhiều tổ chức tín dụng đã quyết liệt đẩy mạnh giải ngân để đạt được những tiêu chí đã đề ra khi sơ kết bán niên.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận về thực chất, tín dụng vẫn trong xu hướng tăng. Kết quả là tính đến cuối tháng 8, tín dụng đã tăng trưởng xấp xỉ 6,6%, đà tăng đã vượt qua số liệu tín dụng cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, đà tăng của tín dụng vẫn ổn định và trong xu hướng tích cực.

Ngày 28/8/2024, cơ quan quản lý đã chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước thông báo đầu năm 2024 mà tổ chức tín dụng không phải xin điều chỉnh tăng thêm. Bà có bình luận gì về động thái này?

Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% trong năm 2024.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng tương ứng với mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành khoảng 15%. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng không diễn ra đồng đều, khi có ngân hàng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm, trong khi một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng được giao đầu năm.

Ngày 28/8/2024, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng, theo đó, tổ chức tín dụng nào có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động tăng thêm dư nợ tín dụng, dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng.

Đi kèm theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ. Đây cũng là động thái điều chuyển hạn mức tín dụng từ ngân hàng có khả năng cho vay thấp sang các ngân hàng có năng lực đẩy mạnh giải ngân, tạo cơ chế thông thoáng cho dòng vốn tiếp cận với doanh nghiệp trong bối cảnh chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm.

Thực tế, cuối tháng 11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn tương tự, cho phép các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đạt đến 80% chỉ tiêu được giao thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng còn yếu, đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%. Động thái của Ngân hàng Nhà nước đã đạt hiệu quả rõ rệt khi tín dụng đã tăng tốc trong tháng cuối năm, đạt 13,7% cho cả năm 2023.

Để dư nợ tín dụng tăng trưởng ổn định và bền vững, theo bà, cần những giải pháp gì từ các bên liên quan?

Để dư nợ tín dụng tăng trưởng ổn định và bền vững, theo bà, cần những giải pháp gì từ các bên liên quan?

Số liệu báo cáo tài chính quý II/2024 của các ngân hàng cho thấy, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm giữa các ngân hàng thương mại niêm yết khá phân hóa. Có 8 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng hai chữ số, trong khi khá nhiều ngân hàng có quy mô lớn có mức tăng trưởng dưới 5%, thậm chí có ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm.

Nếu loại trừ một số ngân hàng có mức tăng mạnh trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, đa phần các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng ổn định, bền vững đều có những đặc điểm chung:

Thứ nhất, có tỷ lệ biên lợi nhuận ròng (NIM) cao. Các ngân hàng có lợi thế NIM cao có thể thu hút tín dụng bằng cách giảm lãi suất cho vay. Điều này cũng được thúc đẩy khi các ngân hàng thương mại bắt buộc phải thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay;

Thứ hai, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt (tỷ lệ nợ xấu thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao) sẽ có nhiều dư địa hơn trong việc đẩy mạnh giải ngân. Bởi trong bối cảnh vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nền kinh tế đang từng bước phục hồi, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trước đó cũng phải cân nhắc giữa việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hay ưu tiên chất lượng tài sản.

Bên cạnh đó, dựa vào các lợi thế riêng biệt, mỗi ngân hàng lại có chiến lược triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khác nhau. Ví dụ, ngân hàng quy mô lớn sẽ hướng dòng vốn vào các dự án trọng điểm có tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, ngân hàng có mạng lưới rộng khắp sẽ tăng cường sự kết nối với các doanh nghiệp địa phương…

Nhìn chung, các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ cơ cấu sản phẩm cho đến đối tượng khách hàng, hướng đến các lĩnh vực có nhu cầu vốn thực của nền kinh tế.

Trên cơ sở những dữ liệu hiện có, bà dự báo về tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm và cả năm 2024 sẽ như thế nào?

Tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% trong năm 2024 nhờ hai yếu tố:

Thứ nhất là nhu cầu vốn sẽ khởi động theo sự phục hồi của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng liên tục từ tháng 3, tính chung 7 tháng đầu năm ước tăng 8,5% so với cùng kỳ. Chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) tháng 8 vẫn trên ngưỡng 50 điểm, đánh dấu 5 tháng liên tiếp ở mức này, cho thấy sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng cao. Tính đến hết ngày 15/8/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023. Từ những diễn biến này, chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 6,5%, từ mức 6,3% trước đó. Chúng tôi dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 6,6% và 6,5% lần lượt trong quý III và quý IV nhờ hoạt động xuất khẩu sôi động, tiêu dùng nội địa cải thiện, giải ngân đầu tư công hiệu quả hơn và sự tăng trưởng vững vàng của ngành du lịch.

Động lực quan trọng thứ hai của tăng trưởng tín dụng đến từ thị trường bất động sản. Sau hàng loạt nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý của các dự án bất động sản dang dở cũng như ba sắc luật liên quan (Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024) có hiệu lực, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những tín hiệu khởi sắc.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, thị trường căn hộ Hà Nội ghi nhận sự bùng nổ về nguồn cung, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 7.525 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ đạt trung bình 65 - 70% rổ hàng mới, tăng khoảng 4,5 lần so với mức 15% của cùng kỳ năm trước. Còn tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ cũng tăng gần gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 2.356 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 45 - 50%, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh lãi suất ổn định, nhu cầu nhà ở vẫn cao, tín dụng bất động sản đến từ nhu cầu thực sẽ là động lực quan trọng đưa tín dụng cả năm đạt mục tiêu 14%.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuc-tang-truong-tin-dung-can-dong-bo-cac-giai-phap-post353319.html