Thực tế tại các cơ sở y tế ở TP.HCM: Nỗi khổ của y tế cơ sở
Tình trạng cơ sở y tế xuống cấp, chật hẹp cần được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây mới tại Thành phố Hồ Chí Minh trải dài từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện tuyến cuối.
Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều công trình xây dựng mới giúp thay đổi bộ mặt của toàn ngành, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn vẫn còn nhiều cơ sở y tế cũ, xuống cấp nghiêm trọng cần sớm được cải tạo, sửa chữa, xây mới.
Trong khi đó, các công trình xây dựng mới, hiện đại trong lĩnh vực y tế lại đang được triển khai với tiến độ "rùa bò," tỷ lệ giải ngân thấp.
Phóng viên TTXVN có thực hiện hai bài viết ghi nhận thực tế tại các cơ sở y tế cũng như tâm tư của đội ngũ y, bác sỹ, bệnh nhân phải khám chữa bệnh trong điều kiện thiếu thốn, chưa đảm bảo an toàn.
Bài 1: Nỗi khổ của y tế cơ sở
Tình trạng cơ sở y tế xuống cấp, chật hẹp cần được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây mới tại Thành phố Hồ Chí Minh trải dài từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện tuyến cuối.
Bên cạnh những công trình được đầu tư xây dựng, một số nơi vẫn còn tình trạng xập xệ, xuống cấp, chật hẹp tồn tại từ năm này qua năm khác.
Xuống cấp từ trạm y tế...
Mỗi khi có mưa lớn, Trạm Y tế phường Nguyễn Cư Trinh (Quận 1) lại lênh láng nước.
Công tác tại đây 20 năm, điều dưỡng Trương Kim Mỹ, Trưởng Trạm Y tế phường Nguyễn Cư Trinh, cho biết tình trạng này xảy ra từ nhiều năm nay.
Trạm Y tế phường Nguyễn Cư Trinh được cải tạo lại từ một trường mầm non. Do xây dựng đã lâu, tình trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.
Mái trần ốp nhựa thấm nước mưa qua nhiều năm có nguy cơ bị sập, nền nhà cũ, mục, mốc.
Suốt nhiều năm nay, cứ trời mưa, nhân viên y tế ở đây phải tất bật “chạy ngập.” Dù đã nhiều lần đề xuất cải thiện cơ sở vật chất của trạm nhưng đều nhận được câu trả lời “phải chờ” vì chưa có nguồn kinh phí.
Không rơi vào tình trạng xuống cấp nhưng Trạm Y tế phường Phạm Ngũ Lão (Quận 1) lại có diện tích chật hẹp.
Với chiều ngang chưa đầy 5m, nhìn từ bên ngoài, mặt bằng Trạm Y tế phường không khác các cửa hàng bên cạnh. Đây còn được gọi là Trạm Y tế “nhiều không”: không có sân, không có bãi giữ xe, không có nhà kho, không có vườn cây thuốc nam...
Bác sỹ Lý Thị Tuyết Hằng cho biết do diện tích của Trạm không đủ tiêu chuẩn nên các hoạt động chuyên môn diễn ra rất khó khăn.
Toàn bộ khu vực tầng một chỉ đặt được 2-3 chiếc bàn làm việc; một phòng khám bệnh kiêm phòng cấp cứu, kiêm phòng lưu bệnh, kiêm nhà kho và một lối đi nhỏ để đi lên lầu.
Dù cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu thốn nhưng mấy chục năm qua, nơi đây đã phải “cáng đáng” 29 chương trình sức khỏe mục tiêu quốc gia như: tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống dịch...
Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, nhân viên y tế Trạm Y tế phường Phạm Ngũ Lão phải phụ trách khu phố Tây với tình hình dịch bệnh rất phức tạp.
Bác sỹ Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1, cho biết toàn quận có 10 trạm y tế. Trong đó, 3 trạm được đầu tư xây dựng phát triển theo mô hình y học gia đình; 7 trạm còn lại đa số đều xuống cấp và chật hẹp, cần đầu tư nâng cấp, sửa chữa, điển hình như Trạm Y tế phường Nguyễn Cư Trinh.
Điều này khiến các trạm không phát huy được thế mạnh và gặp nhiều khó khăn trong hoạt động chuyên môn.
Không chỉ Trạm Y tế xuống cấp mà cả Trung tâm Y tế Quận cũng trong tình trạng manh mún, mỗi bộ phận một nơi.
Trung tâm Y tế Quận 1 hiện có đến 4 cơ sở, mỗi cơ sở đảm trách một nhiệm vụ khác nhau.
Ngoài cơ sở chính, cơ sở điều trị lao ở đường Trần Hưng Đạo, cơ sở điều trị HIV/AIDS lại ở đường Mã Lộ.
Trước thực trạng này, Trung tâm kiến nghị lãnh đạo Thành phố đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế để đảm bảo các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.
... đến cả bệnh viện
Nằm ngay khu vực Trung tâm Quận 5, Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh có thể coi là bệnh viện có cơ sở vật chất “tồi tàn” nhất Thành phố.
Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ cơ sở vật chất của Bệnh viện đã xuống cấp nghiêm trọng. Các bức tường rêu mốc đen sì, bong tróc khắp nơi, nền nhà cáu bẩn. Khu vực khám bệnh nhếch nhác, chật hẹp, nhà vệ sinh ẩm thấp...
Trong lúc chờ gọi tên nhận thuốc, bà Ngô Thị Minh Phú (62 tuổi, ngụ Quận 12) chia sẻ mười mấy năm quay trở lại khám tại Bệnh viện Tâm thần, cảnh tượng vẫn như cũ, thậm chí có phần nhếch nhác, xập xệ hơn.
Đi ra khỏi nhà vệ sinh, ông Trần Văn Bảo (ngụ tỉnh Long An) lắc đầu ngao ngán: "Không ngờ ở ngay trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh lại có bệnh viện với cơ sở vật chất cũ kỹ và xập xệ như thế này."
Cách đó không xa, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng phải chịu cảnh chật chội và xuống cấp từ nhiều năm nay.
Dù đã được sửa chữa, gia cố tạm thời nhưng nhiều người dân vẫn “ngán” mỗi khi phải đến đây điều trị.
Đáng chú ý, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình còn bị Ký túc xá Cao Thắng với tuổi đời hơn 60 năm chắn phía ngoài.
Trong quá khứ, Bệnh viện đã từng phải “sơ tán” bệnh nhân khẩn cấp khi ký túc xá xảy ra sự cố cháy.
Năm 2017, nước thải từ bô rác của ký túc xá đã chảy sang bệnh viện gây nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu và hành lang.
Cảnh bác sỹ lội nước bì bõm để cấp cứu, khám bệnh cho người dân là hình ảnh thường thấy tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn nhiều năm trở lại đây. Đây cũng được xem là “đặc sản” của bệnh viện này mỗi khi có mưa lớn.
Khu vực thường xuyên bị ngập nặng là cổng ra vào, Khoa Cấp cứu, Khoa Khám bệnh, khu vực nhà xe.
Bác sỹ Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết, dù Bệnh viện bị ngập nhưng vẫn phải hoạt động bình thường.
Các y, bác sỹ đi ủng, lội nước để tiếp nhận bệnh, xử lý thủ tục, cấp cứu, thăm khám cho người bệnh.
Dù dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn đã được khởi công từ tháng 1/2021 song công trình bị chậm tiến độ và sẽ không kịp hoàn thành vào năm 2023.
Trong lúc chờ công trình mới bàn giao, đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh viện vẫn tiếp tục chịu cảnh “xắn quần, lội nước” mỗi khi mưa lớn.
Cơ sở y tế xuống cấp, chật hẹp khiến cho việc khám, chữa bệnh của đội ngũ y, bác sỹ gặp muôn vàn khó khăn. Người dân mong mỏi có được nơi khám, chữa bệnh khang trang, sạch đẹp./.