Thực thi Basel III, các ngân hàng Việt Nam đáp ứng đến đâu?
Với nỗ lực ngăn chặn sự tái diễn của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, ngày 12/9/2010, Hiệp định Basel III với những quy định nghiêm ngặt hơn dành cho các ngân hàng thuộc 27 thành viên đã được Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel ban hành.
Trong đó, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) được giữ nguyên ở mức 8%, nhưng Basel III yêu cầu vốn chủ sở hữu (vốn cấp 1) của các ngân hàng phải nâng từ 4% lên 6%. Trong 6% vốn cấp 1 đó, 4,5% phải là vốn của các cổ đông phổ thông. Thời hạn để thực hiện riêng quy định này là ngày 1/1/2015.
Với quy định như vậy, một số ý kiến cho rằng, các NHTM Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng theo Basel III. Bởi theo quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2010, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo CAR là 9%, cao hơn so với quy định cũ là 8% và các NHTM chỉ phải điều chỉnh tăng tỷ lệ này vào các năm tiếp theo từ năm 2018 trở đi để đạt được tỷ lệ vốn tối thiểu 10,5%, kể cả phần vốn đệm dự phòng tài chính.
Tuy nhiên, tại hội thảo Rủi ro Việt Nam 2011 (RiskVietnam) được AsiaRisk tổ chức ngày 26/4 tại Hà Nội vừa qua, ông Chhagla Suleman, Giám đốc rủi ro Techcombank cho rằng, một số ngân hàng của Việt Nam chưa sẵn sàng với Basel II ngay tại thời điểm này, chứ chưa nói đến Basel III.
Hiệp định Basel III được thống đốc các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý ngân hàng 27 thành viên (gồm Argentina, Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Nga, Ả Rập Xê Út, Singapore, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ) ký kết hôm 12/9/2010 tại Thành phố Basel, Thụy Sỹ.
Basel III với những quy định mới về khái niệm và các tiêu chuẩn tối thiểu cao hơn, cùng phương pháp giám sát an toàn vĩ mô được đánh giá là sự thay đổi lịch sử trong quy định về hoạt động ngân hàng. Lộ trình để thực hiện Basel III bắt đầu từ tháng 1/2013 và hoàn thành vào cuối năm 2018.
Theo ông Suleman, để đạt được Basel III đòi hỏi phải đặt ra nhiều cơ chế mới như đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng có chất lượng, cơ sở dữ liệu thực sự phát triển trước khi bắt đầu suy nghĩ về mô hình tiên tiến để tối ưu hóa vốn của ngân hàng. "Chấp nhận khuôn khổ Basel III cho toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam tới thời điểm năm 2015 là hơi khó", ông Suleman nhận định.
Đồng quan điểm trên, ông Hendra Tan, Giám đốc Quản lý rủi ro dịch vụ tài chính Ernst&Young cho rằng, Việt Nam dự định thực thi Basel III vào năm 2015 là hơi gấp, nếu căn cứ vào kinh nghiệm của các nước khác trong việc quản lý rủi ro tín dụng. Basel III là giải pháp tối ưu, nhưng nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam không có yếu tố căn bản về cơ sở hạ tầng thì không thể tiếp cận.
Minh chứng cho khó khăn này, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, ngay cả những NHTM lớn của Việt Nam như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, mặc dù hiện đều đảm bảo CAR 8% theo Quyết định 457 và các quyết định bổ sung, nhưng là được tính toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, nên có sự sai lệch khá xa khi tính lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Bên cạnh đó, vốn cấp 2 của các ngân hàng Việt Nam hiện còn hạn chế; vốn vay mượn dài hạn để tính vào vốn tự có là hạn chế. Mặt khác, việc đánh giá lại tài sản cố định của các ngân hàng Việt Nam hàng năm để tính lại vốn tự có là chưa được thực hiện.
Theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN, các khoản để tính vốn cấp 1 bao gồm vốn điều lệ, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, lợi nhuận không chia và thặng dư cổ phần được tính vào vốn theo quy định của pháp luật trừ đi phần dùng để mua cổ phiếu quỹ (nếu có).
Các khoản để tính vốn cấp 2 được xác định là 50% số dư có tài khoản đánh giá lại tài sản cổ định theo quy định của pháp luật, 40% số dư có tài khoản đánh giá lại tài sản tài chính theo quy định của pháp luật, quỹ dự phòng tài chính, trái phiếu chuyển đổi do tổ chức tín dụng phát hành thỏa mãn các điều kiện đưa ra (như kỳ hạn ban đầu tối thiểu là 5 năm...), các công cụ nợ thỏa mãn các điều kiện đưa ra (như kỳ hạn ban đầu tối thiểu trên 10 năm...).
Mặc dù vậy, ông John V Nguyễn, Phó giám đốc rủi ro, tuân thủ và tác nghiệp của VinaCapital nhận xét, việc buộc các ngân hàng áp dụng Basel III sẽ là thách thức, nhưng khả năng có thể thực hiện được. Muốn vậy, các NHTM cần phải có chiến lược rõ ràng, phải đánh giá cụ thể tình hình hiện tại, xác định những vấn đề có thể triển khai ngay để thực hiện cũng như thay đổi việc quản lý. "Sẽ mất thời gian khoảng 4 - 5 năm, nhưng làm được sẽ là điều tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam yên tâm hơn", ông John nói.
Thế nhưng, ông Philippe Carrel, Phó chủ tịch điều hành, quản lý rủi ro của Thomson Reuters lại nêu quan điểm hoàn toàn khác: Không nên coi Basel II, Basel III như là những biểu tượng chất lượng đảm bảo an toàn. Basel I được tạo ra những năm 90 của thế kỷ trước để đối phó với tác động của sự sụp đổ TTCK. Sau đó là Basel II nhưng vẫn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và giờ đây là Basel III.
Vấn đề là sắp tới sẽ là gì? Các nhà quản lý cần quan sát, theo dõi đâu là tập quán tốt để áp dụng trên thị trường trong nước. "Việt Nam sẽ còn đi xa hơn, chứ không phải là câu hỏi: liệu năm 2015, Việt Nam thực hiện Basel III không? Quan trọng là ngân hàng tốt nhất, chứ không phải là ngân hàng tuân thủ tốt nhất", ông Philippe nói.