Thực thi EVIPA: Cơ hội và thách thức đối với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ Liên minh châu Âu vào Việt Nam

Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được ký kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên, nhất là về kinh tế - thương mại, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức từ việc thực hiện hiệp định này, đòi hỏi cần sớm nhận diện để có giải pháp tháo gỡ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ), ngày 8-9-2021_Ảnh: TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ), ngày 8-9-2021_Ảnh: TTXVN

Những cơ hội và thách thức

Trong thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Việt Nam nhìn chung có xu hướng gia tăng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Tính lũy kế đến tháng 6-2021, có 2.220 dự án từ 26/27 quốc gia thành viên EU còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 22,20 tỷ USD, chiếm 6,57% số lượng dự án và 5,58% tổng số vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam(1).

Mặc dù có những kết quả tích cực trong việc thu hút FDI của EU vào Việt Nam, nhưng hiện dòng vốn này vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai bên. Vì vậy, việc thực thi EVIPA được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mạnh mẽ trong thu hút vốn FDI từ các nước EU vào Việt Nam. EVIPA bao gồm các điều khoản bảo hộ và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giống như một hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) song phương giữa một thành viên EU và một quốc gia ngoại khối trước đây và phải có đầy đủ sự phê chuẩn của cả EU lẫn Quốc hội của các nước thành viên. EVIPA có 4 chương, 92 điều và 13 phụ lục, gồm những nội dung chủ yếu sau: Quy định về mục tiêu và các khái niệm sử dụng trong hiệp định; phạm vi điều chỉnh của hiệp định và cam kết của mỗi bên về bảo hộ đầu tư đối với nhà đầu tư đã có hoạt động đầu tư hợp pháp trên lãnh thổ của bên kia; về cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình thực thi hiệp định; cơ chế tổ chức thực thi hiệp định. Khi được thông qua và chính thức có hiệu lực, EVIPA được dự báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam gia tăng thu hút vốn FDI từ các nước EU nhờ những tác động trên các lĩnh vực sau:

Về chính trị - đối ngoại, cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), việc thực thi EVIPA sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Hai hiệp định này cũng góp phần đưa quan hệ đối tác EU - Việt Nam trở thành nền tảng cơ bản trong việc nâng cấp quan hệ thương mại EU - ASEAN và tăng cường sự hiện diện của EU tại thị trường châu Á(2).

Việc thực thi hiệp định này sẽ góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên, khi EVIPA quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm để Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc phù hợp với những mục tiêu đã được các bên thỏa thuận theo Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA)(3). EVIPA bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền ban hành và điều chỉnh chính sách của quốc gia nhận vốn đầu tư, cụ thể là khẳng định quyền ban hành chính sách nhằm bảo đảm các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, bảo vệ xã hội, người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích và bảo vệ tính đa dạng văn hóa. Bên cạnh đó, EVIPA cũng quy định mỗi bên được quyền duy trì các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật. Như vậy, những cam kết trong EVIPA đạt được cân bằng hơn giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia thành viên EU(4).

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời - doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn để xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên của Việt Nam sang thị trường châu Âu theo hiệp định EVFTA_Ảnh: TTXVN

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời - doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn để xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên của Việt Nam sang thị trường châu Âu theo hiệp định EVFTA_Ảnh: TTXVN

Về môi trường đầu tư, cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo EVFTA, việc thực thi EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm theo quy định của hai hiệp định này. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong những ngành mà EU có thế mạnh, như: công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ… Ngoài ra, đầu tư từ EU trong các lĩnh vực này có thể hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước, khi thông qua việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của EU và toàn cầu, được tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hết sức nhanh chóng hiện nay.

EVIPA cũng đưa ra những cam kết của mỗi bên về bảo hộ đầu tư đối với nhà đầu tư đã có hoạt động đầu tư hợp pháp trên lãnh thổ của bên kia một cách cụ thể và rõ ràng, giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc có nhiều cách giải thích khác nhau về nội dung hiệp định.

Đối với hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, việc thực hiện cam kết theo EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, ổn định, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Việt Nam sẽ tự do hóa thị trường đầu tư, không phân biệt đối xử với nhà đầu tư khi nghiên cứu tìm hiểu thị trường, tạo thuận lợi tương đương với các nhà đầu tư trong nước, mở cửa thị trường của Việt Nam với EU cũng cao hơn so với các nước khác và trong WTO(5)... Những điều này sẽ tác động tích cực đến các nhà đầu tư châu Âu trong quyết định rót vốn vào Việt Nam, mở rộng mạng lưới sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA)(6).

Về cơ chế giải quyết tranh chấp và thi hành pháp luật, các quy định của EVIPA được xây dựng chi tiết, có những tiêu chí rõ ràng, ghi nhận quyền ban hành và thực hiện chính sách của mỗi bên. Điều đó sẽ góp phần bảo đảm để các quy định của EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tối đa khả năng tranh chấp xảy ra; trong trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư, bảo đảm cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng các quy định này một cách minh bạch, nhất quán, tương thích với mong muốn của Việt Nam và EU khi đàm phán hiệp định.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư, EVIPA xây dựng cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ/việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với các nước thành viên EU(7). Theo cơ chế này, tranh chấp đầu tư theo EVIPA được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, với các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn, góp phần giảm thiểu rủi ro, nâng cao tính nhất quán của quá trình giải quyết tranh chấp(8). EVIPA cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn và bộ quy tắc ứng xử của các thành viên của cơ quan xét xử, giúp nâng cao tính công bằng, nhất quán của hoạt động giải quyết tranh chấp, hạn chế rủi ro về sai sót, loại bỏ sự can thiệp của nhà đầu tư vào việc lựa chọn thành viên cơ quan giải quyết tranh chấp, hạn chế xung đột lợi ích, nâng cao yêu cầu về chuyên môn và tính độc lập của các thành viên này(9).

Với những điểm tiến bộ nêu trên so với các hiệp định đầu tư song phương cũng như FTA hiện hành, EVIPA tạo cơ sở pháp lý bảo đảm để Việt Nam thực thi các cam kết theo hiệp định này một cách công bằng, minh bạch, nhất quán và có hiệu quả.

Bên cạnh những cơ hội thuận lợi có thể mang lại, việc thực thi EVIPA được dự báo cũng đặt ra một số yêu cầu, thách thức đối với hoạt động thu hút vốn FDI từ EU vào Việt Nam.

Một là, khu vực châu Âu có số lượng dự án và số lượng vốn đầu tư vào Việt Nam thời gian qua còn khá khiêm tốn. Thực tế này chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với EU. Trong bối cảnh FDI toàn cầu gần đây sụt giảm mạnh, sự cạnh tranh thu hút vốn FDI được dự báo sẽ ngày càng gay gắt, vì vậy Việt Nam cần chủ động và tích cực hơn nữa, cần có những giải pháp kịp thời, thích ứng với bối cảnh mới để không bị lỡ nhịp trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI từ các nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ các nước EU.

Hai là, EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn hơn, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết có hiệu quả những tranh chấp này, đồng thời cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Ba là, nhìn chung năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và nhu cầu của các nhà đầu tư EU nói riêng. Bên cạnh đó, FDI của châu Âu đi kèm với các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo vệ và đào tạo người lao động, cũng như việc tôn trọng và bảo vệ môi trường. Do đó, việc thực thi EVIPA đòi hỏi cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định.

Bốn là, còn nhiều những thách thức đến từ chính cơ chế giải quyết tranh chấp của EVIPA, khi Việt Nam có thể phải đối mặt với những áp lực lớn hơn về thời gian tố tụng và rủi ro của việc cơ chế tòa án đầu tư (10) thường hấp dẫn hơn và thúc đẩy các nhà đầu tư phía EU tăng cường sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp này.

Dây chuyền lắp ráp xe ô tô đa dụng châu Âu Peugeot tại Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) ở tỉnh Quảng Nam_Ảnh: nhadautu.vn

Dây chuyền lắp ráp xe ô tô đa dụng châu Âu Peugeot tại Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) ở tỉnh Quảng Nam_Ảnh: nhadautu.vn

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI từ EU vào Việt Nam khi thực hiện EVIPA

Để chủ động trong quá trình chuẩn bị cho việc thực thi EVIPA và tận dụng hiệu quả những cơ hội, hạn chế những thách thức mà hiệp định này mang lại, Việt Nam cần triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường thu hút nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị tiên tiến của EU, trong đó chú trọng chuyển mạnh từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Thứ hai, tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trình các cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng lộ trình quy định trong EVIPA. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các quy định trong hiệp định này, trong đó cần tăng cường giám sát thực thi ở cấp cơ sở để bảo đảm các chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai có hiệu quả trên thực tế.

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ EVIPA như tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ logistic, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện các thiết chế liên quan đến quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả; cải thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới để tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao, hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng(11).

Thứ tư, Việt Nam cần tăng cường minh bạch hóa trong các hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm các quy định pháp luật về đầu tư phải được thực hiện tuân thủ đầy đủ quy trình thủ tục, cũng như bảo đảm tính minh bạch trong việc cấp, thu hồi và quản lý dự án đầu tư, không phân biệt đối xử. Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật và giám sát thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, việc thực thi EVIPA cũng đòi hỏi Việt Nam nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên quốc tế, doanh nghiệp để đáp ứng xử lý các tranh chấp đầu tư theo hiệp định này.

Bên cạnh những biện pháp từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động nhằm nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ EVIPA mang lại.

Như vậy, EVIPA được xem là một hiệp định toàn diện và có chất lượng cao, cân bằng về lợi ích của cả Việt Nam và EU, tạo những cơ hội thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam. Khi EVIPA được thực thi, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác, mà còn từ các nhà đầu tư của các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Việc thực thi EVIPA sẽ tạo cơ hội và cả những thách thức trên nhiều phương diện, từ chính trị - đối ngoại, môi trường đầu tư, hệ thống pháp luật…, đòi hỏi Việt Nam cần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp để tận dụng tốt những cơ hội và hạn chế những thách thức khi triển khai thực thi hiệp định này, góp phần tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung, các nhà đầu tư từ EU nói riêng khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam./.

Thời điểm có hiệu lực của EVFTA và EVIPA

Sau một thời gian dài đàm phán và rà soát pháp lý, đến ngày 30-6-2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký kết EVFTA và EVIPA.

EVFTA chỉ tập hợp những phần nội dung thuộc thẩm quyền riêng của EU, bao gồm các nội dung của chính sách thương mại chung truyền thống. Hiệp định này có hiệu lực thi hành ngay sau khi được các cơ quan của EU như Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu (EP) cũng như quốc gia đối tác thông qua. Trên thực tế, EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.

Còn EVIPA bao gồm các điều khoản bảo hộ và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giống như một IPA song phương giữa một thành viên EU và một quốc gia ngoại khối trước đây và phải có đầy đủ sự phê chuẩn của cả EU lẫn quốc hội của các nước thành viên theo thẩm quyền chia sẻ(12).

EVIPA đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8-6-2020, EP đã phê chuẩn EVIPA vào ngày 12-2-2020. Hiệp định còn cần sự phê chuẩn của Quốc hội tất cả các nước thành viên EU mới có hiệu lực.

Theo DƯƠNG THÁI HẬU - TS. ĐINH MẠNH TUẤN/Tạp chí Cộng sản

----------------------

(1) Tổng hợp của tác giả từ số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài: “Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm 2021”, http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=50387&idcm=208
(2) Sara Bertucci: “EU - Vietnam Free Trade and Investment Protection Agreements: Fairness, transparency and sustainability”, https://www.eias.org/op-ed/eu-vietnam-free-trade-and-investment-protection-agreements-fairness-transparency-and-sustainability/
(3), (8), (9) Báo Chính phủ điện tử: “Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”, http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Hiep-dinh-EVFTA-va-EVIPA-se-nang-cao-vi-the-Viet-Nam-tren-truong-quoc-te/396070.vgp
(4) Thành Đạt: “EVIPA: Cân bằng hơn giữa thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia”, http://baochinhphu.vn/kinh-te/evipa-can-bang-hon-giua-thu-hut-dau-tu-va-bao-ve-loi-ich-quoc-gia/369645.vgp
(5) Thanh Lâm: “Lợi thế FDI từ EVFTA”, https://saigondautu.com.vn/kinh-te/loi-the-fdi-tu-evfta-80763.html
(6) Một khảo sát được EuroCham thực hiện, cho thấy có tới 72% doanh nghiệp đồng ý rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm của doanh nghiệp châu Âu trong khối ASEAN (Nguồn: Thanh Lâm: “Lợi thế FDI từ EVFTA”, https://saigondautu.com.vn/kinh-te/loi-the-fdi-tu-evfta-80763.html)
(7) Trần Ngọc: “Hàng loạt cam kết mạnh mẽ của Việt Nam và EU trong EVFTA và IPA”, https://vov.vn/kinh-te/hang-loat-cam-ket-manh-me-cua-viet-nam-va-eu-trong-evfta-va-ipa-927049.vov
(10) Trong một vài năm trở lại đây, việc giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư bằng tòa án đầu tư là một phương thức giải quyết tranh chấp mới, được nhiều quốc gia ủng hộ nhằm thay thế trọng tài theo vụ/việc
(11) Lưu Hiệp: “EVFTA mở ra trang mới trong thu hút FDI của Việt Nam”, https://cand.com.vn/Kinh-te/EVFTA-mo-ra-trang-moi-trong-thu-hut-FDI-cua-Viet-Nam-i526895/
(12) Đào Trọng Khôi: “Đừng quên EVIPA”, https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/dung-quen-evipa-328895.html

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/thuc-thi-evipa-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-viec-thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-tu-lien-minh-chau-au-vao-viet-nam-41292.html