Thực thi Hiệp định CPTPP: Nội luật hóa các quy định còn khó khăn

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Các cam kết của Việt Nam trong CPTPP gồm rất nhiều nội dung liên quan đến các quy định pháp luật trong nước. Do đó, việc nội luật hóa các quy định của CPTPP gặp nhiều khó khăn hơn so với các FTA trước đây.

Toàn cảnh cuộc hội thảo.

Toàn cảnh cuộc hội thảo.

Hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh khá “lặng lẽ”

Ngày 26/12/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019.

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, năm 2019 số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành giảm, thấp hơn nhiều so với năm 2018 và năm 2017. Tuy nhiên, số lượng văn bản giảm không đồng nghĩa với việc khối lượng công việc xây dựng pháp luật của các bộ, ngành giảm.

Cũng theo ông Tuấn, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm 2019 khá “lặng lẽ”. Tính đến giữa tháng 11/2019, VCCI chỉ nhận được hai đề nghị góp ý của hai bộ đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do bộ quản lý, là Bộ Công thương và Bộ Y tế.

Một điểm đặc biệt của năm 2019 liên quan đến điều kiện kinh doanh, đó là danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh đang được sửa đổi, bổ sung cùng với hoạt động sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư 2014. Một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được kiến nghị bãi bỏ. Một số ngành nghề được điều chỉnh lại phạm vi và có bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh mới vào danh mục. Việc thay đổi các ngành nghề này đồng nghĩa với việc rất nhiều điều kiện kinh doanh sẽ bị bãi bỏ theo và bổ sung vào.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, qua rà soát, VCCI nhận thấy sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh, tập trung chủ yếu trong 15 luật. Mâu thuẫn, chồng chéo nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, tập trung tại các luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, khoáng sản, bảo vệ môi trường…

“Qua rà soát có thể thấy, mâu thuẫn xuất hiện giữa luật - luật, luật - nghị định, nghị định - nghị định, nghị định - thông tư, thậm chí là luật - thông tư là rất nhiều” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Đề xuất bỏ CFS

Về vấn đề nội luật hóa các quy định của CPTPP, ông Tuấn cho biết, các FTA trước đây của Việt Nam thường tập trung vào các vấn đề gỡ bỏ rào cản thuế quan. Do đó, việc nội luật hóa để thực thi các cam kết này chỉ cần ban hành các biểu thuế xuất nhập khẩu mới cùng với nguyên tắc xác định xuất xứ. Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, các cam kết của Việt Nam trong CPTPP gồm rất nhiều nội dung liên quan đến các quy định pháp luật trong nước. Do đó, việc nội luật hóa các quy định của CPTPP gặp nhiều khó khăn hơn so với các FTA trước đây.

Trong năm 2019, một số bộ, ngành đã soạn thảo nhiều quy định để nội luật hóa các quy định của CPTPP. Trong quá trình đó, nổi lên một số tranh luận, khó khăn như phạm vi áp dụng các quy định nội địa chỉ nên dành cho các quốc gia trong CPTPP hay áp dụng rộng hơn cho cả các quốc gia khác. Việt Nam chỉ có cam kết với các nước trong CPTPP nên về nguyên tắc chỉ có nghĩa vụ sửa đổi pháp luật trong nước và áp dụng cho các quốc gia trong CPTPP mà thôi. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ dẫn đến thực trạng là cùng một lúc chúng ta có hai nhóm quy định áp dụng cho các nhóm đối tượng khác nhau. Điều này gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Ông Tuấn cho rằng, một mặt, Việt Nam vẫn phải đáp ứng các cam kết rõ ràng đã có để tránh phản ứng từ các đối tác trong CPTPP. Nhưng mặt khác, cũng phải tính toán đến lợi ích của các chủ thể có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi các sửa đổi này. Quá trình soạn thảo cũng cần tận dụng tối đa các điểm “mờ”, “chung” trong lời văn các cam kết để có thể giải thích theo hướng có lợi nhất cho đa số.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Phương Mai - đại diện cho Hiệp hội Tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm Việt Nam cho biết, các nước ASEAN và các nước châu Âu đều không yêu cầu phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành tự do (CFS) trong thành phần hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam lại yêu cầu phải có CFS.

Về bản chất, CFS chỉ là giấy tờ chứng minh quốc gia xuất khẩu đã kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Trong thành phần hồ sơ xin đăng ký lưu hành mỹ phẩm nhập khẩu đã có đủ các loại giấy tờ khác để chứng minh chất lượng hàng hóa. CFS chỉ mang ý nghĩa một loại tài liệu tham khảo.

Bà Mai cho biết, dù xin CFS ở nước xuất khẩu không khó, nhưng để có thể nộp được thành phần hồ sơ này, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự. Thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thường mất rất nhiều thời gian và chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bà Mai cho rằng, trong CPTPP, Việt Nam đã cam kết bỏ CFS thì cũng nên bỏ CFS cho các nước khác không nằm trong khối CPTPP để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo Bùi Tư/Thời báo tài chính Việt Nam

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/hiep-dinh-cptpp/thuc-thi-hiep-dinh-cptpp-noi-luat-hoa-cac-quy-dinh-con-kho-khan/20191231054823907