Thực thi hiệu quả các chính sách đầu tư cho văn hóa

Sáng 9.12, tại Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tổ chức hội thảo 'Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam'.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, văn hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mà còn tạo nguồn lực để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều quốc gia đã áp dụng các mô hình đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.

 Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, đơn vị tổ chức văn hóa nghệ thuật, doanh nghiệp, nghệ sĩ...

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, đơn vị tổ chức văn hóa nghệ thuật, doanh nghiệp, nghệ sĩ...

Tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm và hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu.

Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn làm giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách hiệu quả.

Hội thảo "Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam" là cầu nối giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tư duy đổi mới trong huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa; thảo luận các chính sách hiệu quả nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm phát triển bền vững văn hóa Việt Nam.

 PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam kỳ vọng sau hội thảo, những vấn đề được đặt ra cởi mở, thu hút sự quan tâm của cộng đồng để tạo ra được giải pháp mang tính thực tế, từ đó tăng đầu tư tài trợ cho văn hóa.

Quận Hoàn Kiếm có hạ tầng thiết chế văn hóa tương đối đầy đủ so với các quận khác, từ nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng, trong đó có các đình thờ tổ nghề… Thời gian qua, quận dành kinh phí lớn cho giải phóng mặt bằng, trùng tu di tích, tổ chức hoạt động sau trùng tu, tạo sức hấp dẫn với cộng đồng.

Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, những vấn đề đặt ra tại hội thảo góp phần xây dựng, thực thi hiệu quả các chính sách về đầu tư công cho văn hóa; đồng thời hướng tới khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư cho ngành văn hóa.

 Các ý kiến tại hội thảo đề xuất tăng cường đầu tư cho văn hóa và thúc đẩy hợp tác công - tư

Các ý kiến tại hội thảo đề xuất tăng cường đầu tư cho văn hóa và thúc đẩy hợp tác công - tư

Các ý kiến tại hội thảo đề xuất tăng cường đầu tư cho văn hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước; đẩy mạnh hợp tác công - tư, điều chỉnh cơ chế chính sách thu hút đầu tư, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ các dự án văn hóa từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước; cung cấp hạ tầng, không gian cho các hoạt động sáng tạo; tạo ra các chương trình đào tạo, hỗ trợ tài chính và cơ hội biểu diễn cho nghệ sĩ trẻ…

Ng. Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thuc-thi-hieu-qua-cac-chinh-sach-dau-tu-cho-van-hoa-post398750.html