Thực thi lệnh ngừng bắn trên chiến trường Ukraine, bài toán khó cho châu Âu

Pháp đang hô hào kêu gọi ủng hộ cho ý tưởng thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine. Đây có thể là lựa chọn duy nhất của châu Âu để ngăn lại cuộc chiến đang trở nên đẫm máu hơn.

Lính Pháp tham gia diễn tập tại thao trường Hohenfels ở miền Nam Đức. (Nguồn: FP)

Lính Pháp tham gia diễn tập tại thao trường Hohenfels ở miền Nam Đức. (Nguồn: FP)

Ý tưởng của Pháp đã được ông Franz-Stefan Gady, một nhà nghiên cứu về sức mạnh của mạng xã hội và xung đột trong tương lai tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế phân tích chi tiết trong bài viết đăng trên trang Foreign Policy mới đây.

Bài viết có nội dung như sau: "Chiến tranh luôn có liên quan tới hoạt động lựa chọn rủi ro, chọn lấy rủi ro này thay vì rủi ro khác.

Trong gần 3 năm qua, châu Âu đã hành xử như thể nơi này không phải bên đưa ra lựa chọn về rủi ro: Châu Âu vẫn có thể ủng hộ cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga nhằm đảm bảo sự toàn vẹn của trật tự an ninh châu Âu, trong khi không đặt dân số và lực lượng quân sự của chính mình vào tình thế nguy hiểm.

Châu Âu phải đưa ra lựa chọn

Tuy nhiên, xét đến các yếu tố như tình hình quân sự đang xấu đi ở Ukraine, viễn cảnh chính quyền Mỹ giảm viện trợ quân sự và khả năng ngừng bắn có lợi cho Nga ngày càng tăng, việc châu Âu tránh đưa ra những quyết định đau đớn có thể không còn chấp nhận được nữa.

Câu hỏi cấp bách hiện nay là điều gì xảy ra nếu một lệnh ngừng bắn được triển khai? Ở đây, châu Âu phải đối mặt với hai lựa chọn: cam kết bảo vệ lệnh ngừng bắn bằng vũ lực nếu cần thiết, hoặc đối mặt với rủi ro là sẽ có một cuộc xung đột tàn khốc hơn xảy ra trong những năm tới và có thể không chỉ giới hạn ở chiến trường Ukraine.

Một sự tính toán trung thực là rất quan trọng. Nếu không có sự hiện diện quân sự đáng kể của phương Tây tại Ukraine, bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào đối với những gì còn lại của Ukraine có thể sẽ bị Nga phớt lờ.

Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump, và bộ máy của ông đã bác bỏ khả năng điều lính Mỹ, nói rằng đây sẽ là trách nhiệm của châu Âu. Đó là lý do tại sao Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã và đang vận động cho một lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu.

Ông gần đây đã đến Ba Lan để trình bày quan điểm của mình nhưng đã bị từ chối. Chính phủ Đức sắp mãn nhiệm cũng có vẻ sẽ từ chối. Chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cho biết nước này có thể sẽ tham gia kế hoạch.

Châu Âu không thể tránh khỏi việc phải tiến hành thảo luận về đề tài này, trừ khi chấp nhận rủi ro mất đi Ukraine và đối mặt với một cuộc đối đầu quân sự lớn hơn trong tương lai.

Trong bối cảnh Ukraine chưa ổn định được khu vực tiền tuyến, các cuộc thảo luận về việc triển khai lính gìn giữ hòa bình châu Âu sẽ chỉ mang tính lý thuyết. Ngoài ra, chỉ khi Nga thừa nhận rằng không còn giành được những chiến thắng có ý nghĩa vào năm 2025, nước này mới cân nhắc đàm phán để đóng băng xung đột.

Khả năng triển khai lính gìn giữ hòa bình sẽ cao hơn nếu chính quyền Trump, sau khi theo dõi tình hình thực tế, có thể cân nhắc chiến lược "leo thang để hạ nhiệt" - nói cách khác, tăng áp lực lên Nga thông qua việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine như một cách để củng cố sức mạnh mặc cả của Chính quyền Kyiv và buộc Moskva phải giải quyết vấn đề theo các điều khoản hợp lý. Tuy nhiên, sau đó sẽ tới thời điểm Trump tuyên bố rằng Ukraine là vấn đề của châu Âu, và châu Âu phải sẵn sàng với một kế hoạch hành động.

 Máy bay Mi-35m của Nga phóng tên lửa nhằm vào lực lượng Ukraine xâm nhập vùng Kursk. (Nguồn: Getty Image/TTXVN)

Máy bay Mi-35m của Nga phóng tên lửa nhằm vào lực lượng Ukraine xâm nhập vùng Kursk. (Nguồn: Getty Image/TTXVN)

Những kịch bản về lực lượng gìn giữ hòa bình

Bất kỳ ý tưởng nào cho rằng châu Âu có thể dùng lực lượng gìn giữ hòa bình gọn nhẹ để ngăn Nga phá lệnh ngừng bắn và tiếp tục tấn công các mục tiêu đều là viển vông. Đơn giản là vì (lính gìn giữ hòa bình châu Âu với trang bị nhẹ) không thể sánh được với các đạo quân đã được tôi luyện qua chiến trận của Nga, và do đó có ít giá trị răn đe.

Lựa chọn khác là triển khai một lực lượng mạnh, có khả năng chiến đấu và giữ vững địa bàn trong trường hợp Nga tấn công mạnh, như mô hình quân đội Mỹ lập ra dọc theo khu phi quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, hoặc mô hình Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Kosovo.

Vấn đề nan giải ở đây là Nga khó có thể chấp nhận một lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây mạnh mẽ tại khu vực ranh giới triển khai lệnh ngừng bắn, trong khi lực lượng gìn giữ hòa bình truyền thống của Liên hợp quốc sẽ không đủ khả năng răn đe.

Một giải pháp tiềm năng là kết hợp của cả hai: Lực lượng gìn giữ hòa bình truyền thống, với thành phần lý tưởng nhất là từ các quốc gia ở phía Nam bán cầu, có thể trực tiếp tuần tra một khu vực phi quân sự nằm dọc theo ranh giới ngừng bắn, và một lực lượng phản ứng nhanh mạnh mẽ của châu Âu có thể được triển khai sâu hơn bên trong Ukraine. Sẽ không có quân đội Mỹ hay NATO ở Ukraine, điều sẽ khiến Nga dễ chấp nhận hơn.

Bất kể thế nào, chính quyền Trump có thể sẽ không tham gia trực tiếp, để tránh những gì họ coi là "sự ăn bám của châu Âu", cũng như để ngăn khả năng dính líu sâu vào cuộc xung đột. Rõ ràng là châu Âu sẽ phải cung cấp một lực lượng mạnh với một nhiệm vụ mạnh.

Ý tưởng ông Macron đề xuất là một lực lượng liên minh của các quốc gia châu Âu sẽ đồn trú lâu dài ở Ukraine. Dựa trên tính toán của tôi, châu Âu sẽ cần tối thiểu năm lữ đoàn - tức khoảng 25.000 đến 30.000 quân. Quy mô của lực lượng này có thể chuyển thành 75.000 đến 90.000 quân cần thiết, do phải thực hiện luân chuyển quân để đảm bảo các hoạt động huấn luyện, triển khai thực hiện nhiệm vụ và về tuyến sau để phục hồi. Nếu tính cả nhân viên hỗ trợ, con số còn cao hơn.

Liệu châu Âu có thể thực hiện một nhiệm vụ quân sự như vậy không? Xét theo quan điểm quân sự, câu trả lời tạm thời là có, nhưng kèm theo những cảnh báo quan trọng. Đầu tiên, do thiếu sự sẵn sàng trên toàn châu lục, các lực lượng châu Âu sẽ cần ít nhất vài tháng để chuẩn bị, bao gồm tập hợp lực lượng, huấn luyện chiến tranh vũ trang và nhận hướng dẫn từ các sĩ quan Ukraine có kiến thức trực tiếp về các hoạt động quân sự ở thực địa.

Thứ hai, châu Âu sẽ cần một chiến lược rút lui rõ ràng. Lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ không đóng tại địa bàn mãi mãi. Thay vào đó, việc triển khai lực lượng này sẽ chỉ đóng vai trò răn đe nhằm vào Nga, qua đó cho phép Ukraine tái thiết.

Thứ ba, do năng lực và sự sẵn sàng của quân đội châu Âu còn yếu kém, nên cần phải có sự đánh đổi. Các quốc gia không muốn hoặc không thể gửi quân đến Ukraine có thể phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong những nhiệm vụ quân sự khác của châu Âu ở Tây Balkan hoặc Châu Phi. Điều này cũng có thể có nghĩa là rút lực lượng châu Âu khỏi các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình hiện tại của Liên hợp quốc ở Trung Đông và vài nơi khác, cũng như tạm thời điều chuyển một số lực lượng NATO khỏi các quốc gia Baltic.

Thứ tư, sự hỗ trợ của Mỹ sẽ vô cùng quan trọng, ngay cả khi Washington từ chối gửi lính tới. Điều này bao gồm hỗ trợ lập kế hoạch nhiệm vụ, hậu cần, tình báo và tăng cường hỏa lực. Ngay cả khi không triển khai lính, Mỹ vẫn có thể hỗ trợ châu Âu bằng khả năng răn đe bổ sung, có thể bằng cách tái triển khai hoặc đe dọa tái triển khai lực lượng đặc nhiệm đa miền của mình - được trang bị hệ thống Hỏa lực Tầm trung Chiến lược mới và tên lửa siêu vượt âm - từ nơi đóng quân ở Đức đến Ba Lan. Việc bố trí lực lượng này tới gần hơn với các mục tiêu tiềm tàng ở Ukraine và vùng đất Kaliningrad của Nga sẽ mang lại khả năng răn đe bổ sung, và gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Nga.

Cuối cùng, châu Âu sẽ cần phải hiểu rõ nhiệm vụ như vậy đòi hỏi những gì và các quy tắc giao tranh cụ thể là gì? Hoạt động này sẽ không thể so sánh với các đợt triển khai của châu Âu ở Afghanistan hoặc Iraq.

 Hệ thống phòng không Patriot tại Schwesing, Đức. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Hệ thống phòng không Patriot tại Schwesing, Đức. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Nhiều câu hỏi cần được giải đáp

Các lực lượng châu Âu sẽ cần phải chuẩn bị cho hoạt động chiến đấu cường độ cao, quy mô lớn chống lại Nga, chứ không phải các hoạt động quy mô nhỏ chống lại phiến quân vũ trang nhẹ.

Điều này bao gồm việc có một kế hoạch rõ ràng để ứng phó với các hành động "khiêu khích" của Nga, bao gồm cả phá hoại sau ranh giới ngừng bắn hoặc các cuộc tấn công bằng tên lửa sẽ giết chết và làm bị thương nhân sự châu Âu.

Một lực lượng như vậy sẽ trông như thế nào? Các lữ đoàn châu Âu sẽ cần được cơ giới hóa, kết hợp xe tăng chiến đấu chủ lực, xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành. Ngoài ra, họ sẽ cần các khả năng hỗ trợ quan trọng như hệ thống phòng không và tên lửa, công cụ tác chiến điện tử và thiết bị kỹ thuật chiến đấu, để thiết lập các vị trí phòng thủ vững chắc trong trường hợp giao tranh tiếp diễn. Hoạt động của máy bay chiến đấu châu Âu và các máy bay khác trong không phận Ukraine cũng là điều cần thiết.

Một câu hỏi khác cần trả lời trước bất kỳ đợt triển khai nào là liệu các lực lượng châu Âu sẽ vẫn tách biệt, hay hợp nhất với các đội hình chiến đấu của Ukraine. Người ta có thể hình dung ra một mối quan hệ cộng sinh: Ukraine sẽ được hợp nhất nhanh hơn vào học thuyết quân sự của NATO, trong khi các lực lượng châu Âu sẽ học hỏi từ quân đội Ukraine, nơi có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc chống lại cỗ máy chiến tranh của Nga.

Giả sử tất cả những điều trên có thể thực hiện được. Câu hỏi lớn nhất vẫn là: Liệu người châu Âu có thực sự chiến đấu với quân đội Nga để thực thi việc ngừng bắn không? Trên hết, chiến tranh là cuộc đấu về ý chí. Nếu các chính trị gia châu Âu không có ý chí chiến đấu thì sao? Nếu lực lượng Nga tấn công, liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có dành nhiều tuần để vừa lịch sự yêu cầu phía Nga dừng lại, vừa cầu xin sự hỗ trợ của Mỹ? Chuyện gì xảy ra nếu một quốc gia châu Âu sẵn sàng chiến đấu nhưng quốc gia khác thì không, và đơn phương rút quân?

Có thể người Nga sẽ phớt lờ sự hiện diện của quân đội châu Âu và đi vòng quanh căn cứ của họ để tấn công mục tiêu Ukraine? Điều gì sẽ xảy ra nếu phía Nga bắn tên lửa qua căn cứ châu Âu vào mục tiêu Ukraine để thử phản ứng? Những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác cần phải được giải quyết và trả lời trước bất kỳ cuộc triển khai thực tế nào.

Như thường lệ, Putin có thể đặt cược vào sự mất đoàn kết của châu Âu. Pháp hiện đang vướng vào một cuộc khủng hoảng chính trị, trong khi chính phủ Đức mới sụp đổ gần đây phải đối mặt với cuộc bầu cử, trong đó vấn đề Đức ủng hộ Ukraine đã bị những kẻ cực đoan chính trị và phe phái trong các đảng truyền thống thao túng.

Mệt mỏi vì chiến tranh là một tình cảm xuất hiện phổ biến ở châu Âu. Trong những tháng tới, một nỗ lực phối hợp của Nga có thể diễn ra nhằm mô tả Nga như bên thực sự thực sự tìm kiếm hòa bình. Để chống lại điều này, trước hết và quan trọng nhất, cần phải làm rõ ý nghĩa thực sự của Ukraine đối với cấu trúc an ninh của châu Âu.

Nếu Ukraine thực sự quan trọng, cần phải giải thích với người châu Âu rằng cuộc chiến này không chỉ liên quan đến tương lai của Ukraine mà cả khả năng của châu Âu trong việc duy trì biên giới an toàn và gìn giữ hòa bình trên khắp lục địa.

Đồng thời, người châu Âu cần hiểu rằng một chiến thắng quyết định của Ukraine, nhằm giải phóng phần lớn Ukraine đang bị phía Nga chiếm đóng, có thể không còn khả thi trong ngắn hạn đến trung hạn. Đó không phải là chủ nghĩa thất bại mà là chủ nghĩa hiện thực - và đó là quan điểm được nhiều người Ukraine chia sẻ, do đã nhận thức được tình hình thực tế.

2025 có thể là năm then chốt để đạt được trạng thái nguyên trạng mới cho Ukraine và châu Âu. Nếu người châu Âu muốn tránh cuộc chiến tiếp theo, họ phải sẵn sàng tham gia trực tiếp vào Ukraine - bất chấp những rủi ro rõ ràng liên quan./."

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thuc-thi-lenh-ngung-ban-tren-chien-truong-ukraine-bai-toan-kho-cho-chau-au-post1003989.vnp