Thực thi luật phòng chống tác hại thuốc lá: Cả năm chỉ xử phạt được… 9 đơn vị!

ANTĐ Vài năm gần đây, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá ở nước ta đã giảm song Việt Nam vẫn thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cùng các quy định xử phạt đã có hiệu lực nhưng hiệu quả chưa cao. Tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan và số người bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Người dân vẫn vô tư hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện

Người dân vẫn vô tư hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện

Lãnh đạo, bác sĩ cũng thừa nhận hút thuốc

Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều cơ quan, đơn vị, bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, ngay cả những cơ sở đã đăng ký thực hiện “cơ quan không khói thuốc”, “bệnh viện không khói thuốc”, ý thức tuân thủ pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng như người dân còn thấp. Tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng còn khá phổ biến.

Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị không những chưa thực sự quan tâm đến hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá mà bản thân cũng hút thuốc tại nơi làm việc. Tương tự, ở môi trường bệnh viện, tình trạng người dân, người bệnh hay cán bộ y tế hút thuốc cũng rất phổ biến.

Qua các đợt kiểm tra thực tế, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng thừa nhận có thực trạng này. TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ: “Tại bệnh viện, vẫn còn tình trạng bác sĩ hút thuốc, nhất là các bác sĩ ngoại khoa phải thức đêm. Với họ, hút điếu thuốc là thói quen không dễ bỏ”.

Ông Vũ Cao Khương, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, qua nghiên cứu, tỷ lệ người dân thừa nhận có sử dụng thuốc lá là 30,4%; trong đó tỷ lệ sử dụng thuốc lá hàng ngày là 19,1%, số điếu thuốc lá sử dụng trung bình hàng ngày là 10,47 điếu/ngày…

Trong khi đó, kinh nghiệm xây dựng kế hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động về phòng chống tác hại thuốc lá của một số sở, ngành, địa phương còn hạn chế. Việc xử phạt vi phạm hành chính về thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chủ yếu chỉ dừng lại ở mức lập biên bản nhắc nhở vi phạm hành chính.

Trong năm 2015, Hà Nội tổ chức 3 đợt giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, đồng thời phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế tổ chức đợt kiểm tra phòng chống tác hại thuốc lá tại 3 quận (Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng).

Kết quả, mới chỉ xử phạt được 9 nhà hàng, khách sạn, công ty - mỗi đơn vị 6 triệu đồng với lỗi vi phạm không treo biển cấm hút thuốc lá, không tổ chức thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại đơn vị. Còn với cá nhân vi phạm thì gần như chưa xử phạt được trường hợp nào. Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, việc ra quyết định xử phạt với các cá nhân có hành vi vi phạm về hút thuốc lá tại nơi bị cấm là rất khó khăn.

Đã hại mình còn “đầu độc” cả vợ con

Theo Bộ Y tế, vài năm gần đây, số người hút thuốc lá ở nước ta đã có xu hướng giảm, tỷ lệ người dân bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm theo. Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam thực hiện năm 2015 cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ người hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 59,9%; hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6%; hút thuốc thụ động tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,1%; hút thuốc thụ động trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%.

Dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc nhiều nhất thế giới với khoảng 40% nam giới trưởng thành hút thuốc (tương đương khoảng 16 triệu người) và 1,4% số chị em thường xuyên... phì phèo thuốc lá. Cả nước có khoảng 33 triệu người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, thuốc lá là nguyên nhân khiến 40.000 người dân nước ta tử vong mỗi năm và trung bình mỗi ngày trên cả nước lại có 100 người tử vong có liên quan đến hút thuốc lá. Đặc biệt, người hút thuốc lá không chỉ tự rước bệnh vào người mà còn làm hại cả người xung quanh bởi 2/3 số khói thuốc lá sẽ lan tỏa ra môi trường.

Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì có 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động. Còn theo thống kê từ Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%. Khói thuốc còn là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động. Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc.

Theo các chuyên gia, số người hút thuốc ở Việt Nam vẫn ở mức cao là do việc thực thi các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc lá chưa đủ mạnh. Quảng cáo thuốc lá vẫn đang bị lách luật dưới nhiều hình thức tinh vi. Cùng đó, do mức thuế thấp, giá bán thuốc lá quá rẻ và không bắt buộc các điều kiện cần thiết khiến cho thuốc lá được bán tràn lan...

Trước thực trạng trên, đại diện WHO tại Việt Nam khuyến cáo, Việt Nam nên thành lập đường dây nóng để xử phạt những vi phạm về hút thuốc, đồng thời cân nhắc hưởng ứng thông điệp của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là “Hãy thực hiện in bao bì thuốc lá trơn”.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/xa-hoi/ca-nam-chi-xu-phat-duoc-9-don-vi/681813.antd