Thực thi Nghị định 168: An toàn hơn cho phụ nữ và trẻ em khi tham gia giao thông

Nghị định 168/2024/NĐ-CP tăng cường mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông đã tác động rõ rệt đối với ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt có ảnh hưởng tới đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em.

 Tại các tuyến đường nội đô Hà Nội, người dân đã tuân thủ luật hơn, điều này cho thấy việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại các tuyến đường nội đô Hà Nội, người dân đã tuân thủ luật hơn, điều này cho thấy việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực. Ảnh minh họa: TTXVN

Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng luật sư Trần Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TPHCM, xoay quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm này.

Phóng viên: Thưa luật sư, Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Với sự quan sát và đánh giá, luật sư có cho rằng mức phạt cao có tác động tới ý thức của người tham gia giao thông hay không?

Luật sư Trần Anh Tuấn: Sau khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, tình hình vi phạm giao thông, đặc biệt là các hành vi như leo lề, vượt đèn đỏ, đã có sự chuyển biến rõ rệt, giảm đáng kể so với trước đây. Theo thông tin được đăng tải trên trang Facebook được xác minh có tên "Thông tin Chính Phủ" đã cập nhật con số cụ thể: 2 tuần qua, tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Toàn quốc xảy ra 681 vụ, làm 365 người thiệt mạng, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người thiệt mạng (-11,41), giảm 426 người bị thương (-34,24%); so với thời gian trước liền kề giảm 347 vụ (-34,53%), giảm 94 người thiệt mạng (-20,47%), giảm 301 người bị thương (-39,92%).

Luật sư Trần Anh Tuấn. Ảnh: NVCC

Luật sư Trần Anh Tuấn. Ảnh: NVCC

Nghị định 168/2024/NĐ-CP này đã tăng cường mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, từ mức tiền phạt đến việc tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe. Điều này đã tạo ra một tác động rõ rệt đối với ý thức của người tham gia giao thông. Mức phạt cao và biện pháp xử lý nghiêm minh đã góp phần cảnh báo, răn đe đối với các hành vi vi phạm. Ví dụ, hành vi vượt đèn đỏ có thể bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng và tước giấy phép lái xe, trong khi đó việc leo lề để tránh tắc đường cũng bị xử phạt với mức tiền khá cao, khiến người vi phạm phải suy nghĩ lại trước khi có hành vi vi phạm.

Phóng viên: Tuy vậy, cũng vẫn có những tranh cãi trên các diễn đàn mạng xã hội xoay quanh việc thực thi Nghị định này …

Luật sư Trần Anh Tuấn: Dù tăng mức xử phạt cao nhưng tình trạng vi phạm giao thông vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư, giao thông phức tạp hoặc những giờ cao điểm. Một phần lý do là thói quen không tuân thủ luật lệ giao thông của một bộ phận người dân vẫn còn tồn tại. Họ coi việc vượt đèn đỏ hay leo lề là cách để tiết kiệm thời gian, đặc biệt trong bối cảnh ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn. Thậm chí, một số người dân còn thiếu hiểu biết về mức độ nguy hiểm của những hành vi này, khi cho rằng đó chỉ là những hành vi nhỏ và không có ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông. Chính vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân vẫn là một yếu tố quan trọng cần được chú trọng bên cạnh các biện pháp xử phạt.

Từ góc độ của một luật sư, tôi tin rằng thượng tôn pháp luật không chỉ đơn thuần là tuân thủ các quy định mà còn là sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân đối với cộng đồng. Việc thượng tôn pháp luật trong giao thông có ý nghĩa sâu rộng trong việc bảo vệ an toàn cho bản thân và cho cộng đồng. Khi mọi người tham gia giao thông một cách nghiêm túc và tuân thủ đúng các quy định pháp luật, các tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản. Thượng tôn pháp luật còn giúp tạo dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và công bằng. Một xã hội mà pháp luật được thực thi nghiêm minh là xã hội có sự ổn định, nơi quyền lợi của mỗi công dân được bảo vệ, và những người vi phạm đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng vi phạm mà còn tạo dựng được niềm tin vào hệ thống pháp lý của quốc gia.

Ngoài ra, thượng tôn pháp luật cũng mang lại lợi ích lâu dài trong việc xây dựng một cộng đồng văn minh. Khi người dân ý thức được rằng mọi hành vi của mình sẽ bị giám sát và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng sống, giúp xã hội phát triển bền vững. Nếu mỗi công dân đều tuân thủ pháp luật và nhận thức được tầm quan trọng của việc thực thi các quy tắc giao thông, chúng ta sẽ tạo ra được một môi trường giao thông an toàn và văn minh, không chỉ giảm thiểu tai nạn mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.

Xử lý vi phạm giao thông trên đường phố. Ảnh: NLĐ

Xử lý vi phạm giao thông trên đường phố. Ảnh: NLĐ

Phóng viên: Chắc chắn rằng khi áp dụng pháp luật một cách chặt chẽ trong việc kiểm soát hành vi giao thông sẽ giảm thiểu tai nạn. Trong khu vực, có thể nhìn thấy hiệu quả này tại quốc gia nào, thưa luật sư?

Luật sư Trần Anh Tuấn: Chính xác là như vậy. Minh chứng từ các quốc gia có hệ thống pháp luật nghiêm ngặt cho thấy rõ sự hiệu quả của việc áp dụng pháp luật một cách chặt chẽ trong việc kiểm soát hành vi giao thông và giảm thiểu tai nạn.

Chẳng hạn, tại Singapore, quốc gia nổi bật với việc thực thi pháp luật giao thông rất nghiêm minh, mọi vi phạm đều bị xử lý kiên quyết. Hệ thống giao thông của Singapore rất ít xảy ra tai nạn, phần lớn nhờ vào các quy định nghiêm ngặt và việc áp dụng các biện pháp công nghệ cao như camera giám sát giao thông, hệ thống cảnh báo sớm, và việc phạt tiền nặng đối với những vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, hoặc lái xe trong tình trạng say rượu. Các hình phạt nghiêm khắc và biện pháp giám sát liên tục đã giúp tạo ra một ý thức cộng đồng rất cao, giảm thiểu vi phạm và đảm bảo an toàn giao thông. Việc áp dụng những quy định xử phát nghiêm khắc các hành vi vi phạm giao thông đã đem lại kết quả bất ngờ ở Singapore. Minh chứng đã thể hiện rõ trong báo cáo Tình trạng Toàn cầu năm 2018 về An toàn Đường bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi Singapore là quốc gia được đánh giá an toàn giao thông cao nhất Đông Nam Á, với tỷ lệ người thiệt mạng do tai nạn giao thông là 2,8/100.000. Tại quốc gia này, việc thực thi các quy định giao thông rất nghiêm ngặt và có hệ thống giám sát hiện đại. Các hình phạt này không chỉ được áp dụng cho người dân mà còn cho cả khách du lịch, do đó, ý thức tuân thủ giao thông ở Singapore rất cao.

Phóng viên: Nhưng ngoài việc nâng cao mức phạt, cũng cần phải có thêm, bổ sung sự hỗ trợ của nhiều yếu tố khác nữa!

Luật sư Trần Anh Tuấn: Mục tiêu cuối cùng của các nhà quản lý khi nâng cao mức phạt chính là để người dân tự giác nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, xây dựng một quốc gia văn minh, thượng tôn pháp luật.

Bên cạnh biện pháp này, bản thân tôi cho rằng chúng ta còn có thể áp dụng những biện pháp sau: Thứ nhất, tăng cường sử dụng công nghệ: Việt Nam có thể học hỏi Singapore và Đức trong việc sử dụng các camera giám sát giao thông, hệ thống nhận diện biển số tự động để phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý ngay lập tức mà không cần sự can thiệp của cảnh sát. Thứ hai, áp dụng mức phạt hợp lý và công bằng: Mức phạt cần phải được thiết kế sao cho đủ sức răn đe nhưng không quá nặng nề với người dân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Các hình phạt có thể bao gồm phạt tiền, tước giấy phép lái xe, và điểm vi phạm trong hệ thống lưu trữ quốc gia. Thứ ba, xem xét nguyên nhân vi phạm: Mặc dù mức phạt nghiêm khắc là cần thiết, nhưng cũng cần có sự linh động trong việc xử lý, đặc biệt là đối với những trường hợp vi phạm do tình huống đặc biệt, như ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, cũng cần có các chương trình giáo dục và đào tạo người tham gia giao thông, đặc biệt là đối với người mới lái xe. Yếu tố này đặc biệt quan trọng, mang tính nhân văn và có thể giúp người dân tự nhận ra sai lầm và sửa chữa nó. Chúng ta có thể học hỏi điều này từ pháp luật Mỹ. Cụ thể, ở một số bang ở Mỹ, người dân vi phạm luật giao thông sẽ bị triệu tập lên Tòa và nghe phán quyết, mức phạt mà Thẩm phán đưa ra. Một trong số những thẩm phán nổi tiếng với cách xử phạt linh động và nhân văn đó là Thẩm phán Frank Caprio, người từng đảm nhiệm vị trí thẩm phán trưởng của tòa án thành phố Providence, Rhode Island và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Giáo dục Đại học Rhode Island. Công việc xử án của ông đã được ghi lại và chiếu thành chương trình truyền hình thực tế "Caught in Providence". Trong chương trình, ông thường xuyên xử lý các vụ vi phạm giao thông, đặc biệt là những trường hợp vượt đèn đỏ, đỗ xe sai quy định, hoặc các vi phạm khác, với một phương pháp không chỉ dựa vào hình phạt cứng nhắc mà còn chú trọng đến hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm của người dân. Ông tin rằng việc giáo dục và giúp người vi phạm hiểu rõ quy định là một phần quan trọng trong việc giảm thiểu vi phạm giao thông, và chỉ phạt tiền không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất. Phương pháp này không chỉ tạo ra sự linh động trong xử lý vi phạm mà còn xây dựng một môi trường pháp lý mà ở đó, mọi người đều có cơ hội sửa chữa lỗi lầm và cải thiện hành vi trong tương lai.

Cuối cùng, cần cải thiện hạ tầng giao thông, xây dựng các tuyến đường mới, cải thiện phương tiện giao thông công cộng để giảm thiểu mật độ xe cá nhân trên đường phố, từ đó giảm tình trạng vi phạm giao thông.

Phóng viên: Một vấn đề quan trọng cũng cần được đề cập tới, chính là sự ảnh hưởng của NĐ168/2024/NĐ-CP tới an toàn của trẻ em và phụ nữ, thưa luật sư!

Luật sư Trần Anh Tuấn: Việc áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến an toàn giao thông, đặc biệt là đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em và phụ nữ. Nghị định này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực nhưng cũng không thiếu những thách thức cần phải giải quyết.

Trước hết, một trong những tác động tích cực lớn nhất của nghị định là việc nâng cao ý thức về an toàn giao thông, đặc biệt là đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em và phụ nữ. Các quy định nghiêm ngặt về xử phạt vi phạm, như yêu cầu thắt dây an toàn khi chở trẻ em trong ô tô, sử dụng ghế ngồi an toàn cho trẻ em, hay việc cấm lái xe khi có nồng độ cồn cao, sẽ góp phần bảo vệ tính mạng và sức khỏe của trẻ em trong các tình huống giao thông. Trẻ em, với thể chất và khả năng tự bảo vệ hạn chế, luôn là đối tượng dễ bị tổn thương trong các vụ tai nạn giao thông. Việc xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm các quy định an toàn khi chở trẻ em sẽ tạo ra một thói quen tuân thủ, giúp giảm thiểu các tai nạn không đáng có. Hơn nữa, các quy định này cũng sẽ khuyến khích các bậc phụ huynh và người lớn thực hiện các biện pháp bảo vệ cho trẻ em như sử dụng ghế ngồi ô tô dành riêng cho trẻ nhỏ, đeo dây an toàn khi di chuyển, từ đó tạo một môi trường giao thông an toàn hơn.

Đối với phụ nữ, nghị định cũng có thể góp phần nâng cao an toàn trong giao thông, đặc biệt là khi đối mặt với tình trạng bạo lực hoặc quấy rối giao thông. Các quy định nghiêm ngặt trong việc xử lý các vi phạm giao thông có thể giảm thiểu tình trạng phụ nữ bị tấn công hoặc làm phiền khi tham gia giao thông, đặc biệt là ở những khu vực công cộng. Đồng thời, việc áp dụng các hình phạt cứng rắn với hành vi lái xe ẩu, vượt đèn đỏ, hay không tuân thủ các tín hiệu giao thông sẽ làm giảm tình trạng ùn tắc, mang lại sự an toàn hơn cho phụ nữ, đặc biệt là những người di chuyển một mình vào ban đêm.

Người dân chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Người dân chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phóng viên: Trên thực tế, có các ý kiến cho rằng việc thực hiện một số quy định cũng đối mặt với nhiều khó khăn ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Luật sư Trần Anh Tuấn: Khi áp dụng vào thực tế, một số quy định trong Nghị định 168/2024 cũng có thể tạo ra vài tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với những nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn hoặc sống ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Một trong những khó khăn lớn là chi phí trang bị các thiết bị an toàn như ghế ngồi cho trẻ em hoặc các thiết bị bảo vệ giao thông. Mặc dù nghị định yêu cầu sử dụng ghế ngồi an toàn cho trẻ em nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ khả năng tài chính để mua những thiết bị này, đặc biệt là ở những khu vực có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, việc thực thi nghiêm ngặt các quy định tại các khu vực đô thị lớn có thể sẽ dễ dàng hơn nhưng ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi giao thông chưa phát triển và cơ sở hạ tầng còn hạn chế, việc triển khai nghị định sẽ gặp nhiều khó khăn. Người dân ở những khu vực này có thể chưa quen thuộc với các quy định mới, hoặc thiếu các phương tiện hỗ trợ như bãi đỗ xe an toàn, các trạm kiểm tra giao thông, hoặc cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại. Điều này có thể dẫn đến việc khó thực hiện và áp dụng đồng đều các quy định, từ đó tạo ra sự bất công trong việc xử lý các vi phạm giao thông giữa các khu vực.

Ngoài ra, mặc dù việc xử phạt nghiêm ngặt có thể giúp giảm thiểu vi phạm nhưng cũng có thể tạo ra áp lực tài chính cho những người có thu nhập thấp, đặc biệt là khi vi phạm giao thông không phải lúc nào cũng dễ tránh khỏi, đặc biệt đối với những người lái xe đường dài hoặc đi công tác thường xuyên. Các khoản phạt nặng có thể là gánh nặng đối với những gia đình nghèo, làm tăng thêm khó khăn trong cuộc sống của họ.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!

Đinh Thu Hiền (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuc-thi-nghi-dinh-168-an-toan-hon-cho-phu-nu-va-tre-em-khi-tham-gia-giao-thong-20250116150704933.htm