Thực thi tự chủ trong giáo dục đại học

Ngày 15-2 tới, Nghị định số 99/2019/NÐ-CP (Nghị định 99) quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới. Trong đó, điểm mới về tự chủ trong giáo dục đại học (GDÐH) thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội.

Tự chủ của các cơ sở GDÐH được nhắc đến từ lâu qua các hoạt động tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và việc thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDÐH công lập giai đoạn 2014 - 2017.

Nhiều cơ sở GDÐH có những đột phá, bước đi vững chắc khi thí điểm tự chủ như Trường đại học Tôn Ðức Thắng (TP Hồ Chí Minh), Trường đại học Mở Hà Nội… Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ sở GDÐH vẫn chưa thật sự "chính danh" do mới là thí điểm và tự chủ từng phần như: tài chính, đào tạo, tổ chức cán bộ hay nghiên cứu khoa học… Vì vậy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDÐH có hiệu lực và Nghị định 99 gồm 20 điều chính thức được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy tự chủ trong GDÐH. Trong đó, Nghị định 99 quy định cơ sở GDÐH được quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn (ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học - công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế…) tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự (số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập…); tự chủ về tài chính và tài sản…

Ðể triển khai các quy định về tự chủ hiệu quả, Bộ Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu các cơ sở GDÐH kiện toàn hội đồng trường theo lộ trình quy định; xây dựng các văn bản, quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường; thực hiện nghiêm lộ trình, tiến độ, các hướng dẫn; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDÐH, bám sát các mục tiêu để đưa ra quyết định quản lý. Ngành giáo dục cho biết sẽ tiên phong làm tốt công việc của mình, đồng thời phối hợp các cơ quan chủ quản và đồng hành, hỗ trợ các cơ sở GDÐH. Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản để triển khai Nghị định 99 và các văn bản pháp luật khác liên quan theo tinh thần không phát sinh thủ tục hành chính và bám sát tinh thần tự chủ đại học. Các cơ sở GDÐH xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn và công khai để xã hội và các bên liên quan giám sát…

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thực hiện tự chủ trong các cơ sở GDÐH hiện nay không dễ dàng. Bởi nhiều trường đại học vẫn dựa vào ngân sách nhà nước; cách thức quản lý, quản trị nặng về bao cấp; chưa có cơ chế, chính sách thu hút người tài, có năng lực về trường; nguồn thu chính của các trường vẫn chủ yếu tập trung vào học phí mà chưa có các nguồn thu về nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ… Trong khi Nghị định 99 ra đời "cởi trói" nhiều vấn đề cho tự chủ nhưng các luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa có sự đồng nhất. Khi áp dụng các quy định khác nhau dẫn tới sự khập khiễng giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Ðáng chú ý, các cơ sở GDÐH thực hiện tự chủ đồng nghĩa với việc các cơ quan quản lý nhà nước thay vì tiền kiểm sẽ chuyển sang hậu kiểm là chính. Trong khi đó, nguồn lực cho việc hậu kiểm còn hạn chế cũng là vấn đề đặt ra trong tự chủ GDÐH.

Để thực hiện những điểm mới về tự chủ trong GDÐH, cần có sự đồng nhất, xuyên suốt trong cách áp dụng các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Mặt khác, ngành giáo dục cũng như các ngành, các cấp liên quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tránh trường hợp các cơ sở GDÐH thực hiện không đúng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

GIANG SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43084402-thuc-thi-tu-chu-trong-giao-duc-dai-hoc.html