'Thúc' tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh thường nằm trong mức trung bình của cả nước. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đưa các dự án, công trình vào sử dụng bảo đảm tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy KT-XH.
Your browser does not support the audio element.
Kế hoạch vốn đầu tư công vốn NSNN năm 2021 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao 3.781 tỷ đồng; vốn được HĐND tỉnh thông qua 4.086 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã giao chi tiết số vốn 3.079 tỷ đồng, đạt 81% so với kế hoạch vốn TTCP giao và 75% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh; số vốn chưa được giao chi tiết là 1.007 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách tỉnh 505,5 tỷ đồng, vốn ngân sách T.Ư 501,7 tỷ đồng.
Quý I/2021, tổng số kế hoạch vốn đã giải ngân là 413,9 tỷ đồng, đạt 11% so với kế hoạch vốn TTCP giao, đạt 13% so với vốn kế hoạch UBND tỉnh đã giao chi tiết. Cụ thể: Vốn đầu tư cân đối ngân sách tỉnh đã giải ngân 358,04 tỷ đồng, đạt 18% so với số vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Vốn ngân sách T.Ư giải ngân 55,9 tỷ đồng, đạt 14% so với kế hoạch vốn UBND đã giao chi tiết. Vốn nước ngoài (ODA) chưa thực hiện giải ngân. Các ngành chức năng đã chỉ ra nguyên nhân tiến độ giải ngân chậm do: Nguồn vốn thu từ sử dụng đất và thu xổ số giải ngân phụ thuộc vào nguồn thu, tuy nhiên, 3 tháng đầu năm nay, nguồn thu đạt thấp, vì vậy chưa có nguồn vốn cấp cho các dự án theo kế hoạch giao để thực hiện. Một số dự án chưa chủ động hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán. Một số chủ đầu tư chưa đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được giao; còn có dự án đã được bố trí vốn để hoàn trả vốn ứng trước ngân sách tỉnh, ngân sách T.Ư, nhưng đến nay, chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục hoàn ứng tại Kho bạc Nhà nước, hoặc dự án chưa triển khai thực hiện kế hoạch vốn giao. Các dự án khởi công mới chưa đủ điều kiện giao vốn, các dự án chuyển tiếp nguồn ngân sách T.Ư bố trí vốn quá thời gian quy định, chưa hoàn thành trong năm 2021, phải báo cáo xin ý kiến TTCP... Đối với nguồn vốn ODA, một số dự án chưa thực hiện xong thủ tục điều chỉnh đầu tư, hoặc đang thực hiện thiết kế dự án, do đó chưa giải ngân. Các dự án giải ngân theo kết quả đầu tư chưa thực hiện được các thủ tục rút vốn, nên chưa thanh toán giải ngân…
UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp thực hiện nghiêm chỉ đạo của TTCP về đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo đó, chỉ đạo các cơ quan hành chính Nhà nước thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát tình hình giải ngân kế hoạch vốn được giao để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu đúng quy định pháp luật, có năng lực triển khai các công trình, dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ. Thực hiện phân bổ vốn đầu tư tập trung, hiệu quả, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dở dang, kéo dài, chú trọng bố trí vốn hoàn trả, ứng trước ngân sách, đặc biệt là ứng trước cho các dự án đã có thời gian ứng kéo dài. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn, thanh toán vốn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đang tham mưu UBND tỉnh làm việc với các cơ quan T.Ư để sớm hoàn thành phân bổ 100% kế hoạch vốn năm 2021, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công của Thường trực Tỉnh ủy mới đây, các đại biểu thống nhất cho rằng: Các ngành chức năng, chủ đầu tư tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; tăng cường kiểm tra chất lượng các dự án để bảo đảm công trình, dự án sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Theo đồng chí Lê Hoài Thanh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, tỷ lệ giải ngân của tỉnh thường xuyên nằm ở mức trung bình của cả nước. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng, địa phương nơi thực hiện dự án kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà thầu tổ chức thi công.
Cần có chế tài xử lý đối với các công trình, dự án có khối lượng lớn song không giải ngân, có thể trình cấp có thẩm quyền xem xét, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn, điều chuyển nguồn vốn đó sang dự án, công trình khác đã có khối lượng, tỷ lệ giải ngân cao, đủ điều kiện để giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm. Đối với một số dự án chậm giải ngân, cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán khi có khối lượng hoàn thành, tránh tình trạng dồn hồ sơ thanh toán vào dịp cuối năm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan đôn đốc chủ đầu tư ngay sau khi nghiệm thu khối lượng hoàn thành, phải gửi hồ sơ thanh toán đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để kiểm soát, thanh toán kịp thời cho nhà thầu.