Thực tiễn hủy bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng theo CISG 1980 qua một án lệ - Lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam

NGUYỄN THỊ YÊN, ThS. NGUYỄN NGỌC BIỆN THÙY HƯƠNG, ThS. VŨ THỊ BÍCH HẢI, ThS. ĐINH LÊ OANH (Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Trong giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ của hợp đồng, bên còn lại có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu tiền bồi thường thiệt hại.

Thông qua việc phân tích một án lệ thực tế, bài viết tập trung vào quyền hủy bỏ hợp đồng và quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên bị vi phạm theo CISG (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods - Công ước Viên) trong tương quan với quy định pháp luật thương mại Việt Nam. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra một số lưu ý đối với doanh nghiệp Việt trong việc đàm phán, giao kết và giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Từ khóa: CISG 1980, pháp luật thương mại, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hủy bỏ hợp đồng, bồi thường thiệt hại, vi phạm cơ bản.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo CISG, khi một bên có những biểu hiện vi phạm sự thỏa thuận ban đầu, bên bị vi phạm có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng nhiều cách như: Hủy bỏ hợp đồng, Yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vấn đề đặt ra là có phải bất cứ vi phạm hợp đồng nào cũng phát sinh quyền hủy bỏ hợp đồng của bên bị vi phạm không? Đồng thời, điều kiện để bên bị vi phạm được hưởng bồi thường thiệt hại là gì? Những vấn đề này được quy định cụ thể trong CISG tại các Điều 25, 26, 49, 63, 64, 74, 75 của Công ước.

II. NỘI DUNG 1. Quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu tiền bồi thường thiệt hại theo CISG

Theo quy định tại Điều 49.1 CISG, bên mua có quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp sau đây: (i) Nếu hành vi vi phạm của bên bán, theo quy định trong hợp đồng hoặc các quy định trong Công ước này, cấu thành vi phạm cơ bản; (ii) Trong trường hợp không giao hàng, nếu bên bán không giao hàng trong thời hạn được gia hạn theo quy định tại Điều 47.1 hoặc nếu bên bán tuyên bố sẽ không giao hàng trong thời hạn đó.

Ngược lại, bên bán cũng có quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp: (i) Nếu hành vi vi phạm của bên mua, theo quy định trong hợp đồng hoặc các quy định trong Công ước này, cấu thành vi phạm cơ bản; (ii) Nếu bên mua không thanh toán tiền mua hàng hoặc không nhận hàng trong thời hạn được gia hạn theo quy định tại Điều 63.1 hoặc nếu bên mua tuyên bố sẽ không thanh toán tiền mua hàng hoặc không nhận hàng trong thời hạn đó[1].

Có thể thấy, vi phạm cơ bản là một trong các trường hợp để một bên có thể hủy bỏ hợp đồng. Theo Điều 25 CISG, “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”. Vấn đề ở đây là, liệu có phải khi xảy ra vi phạm cơ bản, việc hủy bỏ hợp đồng của bên bị vi phạm sẽ đương nhiên có hiệu lực? Theo CISG, “Một lời tuyên bố về việc hủy hợp đồng chỉ có hiệu lực nếu được thông báo cho bên kia biết”[2].

Đồng thời, khi vi phạm xảy ra, ngoài quyền được hủy bỏ hợp đồng, bên bị vi phạm vẫn được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh do hành vi vi phạm. Vấn đề bồi thường thiệt hại được ghi nhận tại Mục II, từ Điều 74 đến Điều 77 Công ước. Ngoài ra, CISG cũng quy định các cơ sở để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên. Cụ thể, theo quy định tại Điều 45.1, nếu người bán không thực hiện một nghĩa vụ nào đó của họ phát sinh từ hợp đồng mua bán thì người mua có căn cứ để đòi bồi thường thiệt hại theo quy định tại các điều từ 74 đến 77. Ngược lại, bên bán có quyền yêu cầu bên mua bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 61.1(b). Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ được phân tích cùng với án lệ dưới đây.

2. Thực tiễn hủy bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại qua án lệ SARL Ego Fruits v. Sté La Verja Begasti

Thông tin án lệ[3]:

Bị đơn: Bên mua Pháp
Nguyên đơn: Bên bán Tây Ban Nha
Cơ quan giải quyết tranh chấp: Tòa phúc thẩm Grenoble (Pháp), bản án 04/02/1999.

Các vấn đề được đề cập:

Căn cứ để xác định việc đơn phương hủy hợp đồng? Chậm nhận hàng có được coi là vi phạm cơ bản hợp đồng?
(ii) Bồi thường thiệt hại khi người mua phải mua hàng thay thế.

Các điều khoản của CISG được áp dụng: Điều 25, 63, 64, 74 và 75.

Diễn biến vụ việc[4]:

Tháng 5/1996, người mua - bên nước Pháp, đã đặt mua từ người bán - nước Tây Ban Nha, 860.000 lít nước cam ép nguyên chất. Hàng sẽ được giao từng đợt từ tháng 5 đến tháng 12. Theo sửa đổi hợp đồng, hai bên đồng ý đợt hàng giao tháng 9 sẽ được giao vào cuối tháng 8 và người bán sẽ giảm giá hàng cho người mua. Tháng 8, người mua không nhận hàng. Đến tháng 9, người mua yêu cầu giao hàng. Ngày 03/09, người bán thông báo không còn nước cam ép để giao, dẫn đến việc người mua phải tìm một nhà cung cấp khác với giá cao hơn. Người mua từ chối thanh toán tiền những lô hàng trước. Người bán kiện người mua ra Tòa thương mại Romans. Tòa án đã yêu cầu người mua của nước Pháp phải thanh toán tiền hàng với lý do người bán có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình vì người mua chậm trễ nhận hàng. Người mua kháng cáo tại Tòa phúc thẩm Grenoble với nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã không căn cứ các Điều 25, 63, 64 của CISG trong phán quyết của mình. Theo đó, người mua hiểu rằng: “Nếu người bán muốn hủy hợp đồng, một cách hợp lý phải yêu cầu bên mua thực hiện nghĩa vụ nhận hàng của mình và cho thêm một thời hạn bổ sung hợp lý để thực hiện nghĩa vụ nhận hàng”. Người bán không gia hạn cho người mua và không giao hàng khi người mua yêu cầu, như vậy, người bán đã vi phạm hợp đồng. Ngược lại, người bán cho rằng người mua chậm trễ nhận hàng làm phát sinh vấn đề cất trữ hàng hóa vào kho và buộc người bán phải cô đặc nước cam ép để đảm bảo nước ép nguyên chất không bị hỏng, vì vậy không thể tiếp tục giao hàng. Đồng thời, khi xem xét tới sự khẩn cấp phải cất trữ, bảo quản hàng hóa và sự biến động tỷ giá, người bán chỉ có giải pháp phải xử lý hàng hóa như vậy. Việc yêu cầu một thời hạn bổ sung hợp lý là không cần thiết.

Phán quyết của Tòa án:

Căn cứ vào Điều 1.1 CISG, vì người mua và người bán trong vụ tranh chấp có trụ sở thương mại ở các quốc gia là thành viên của Công ước (Pháp và Tây Ban Nha) nên Tòa phúc thẩm áp dụng CISG là nguồn luật giải quyết tranh chấp.

Hợp đồng ban đầu quy định việc nhận hàng vào tháng 9. Việc giao hàng vào cuối tháng 8 là đề xuất sửa đổi hợp đồng của người bán và được người mua chấp nhận. Trong hợp đồng ban đầu, hợp đồng được sửa đổi và khi người mua chậm nhận hàng, người bán chưa từng đề cập tới việc nước cam ép không bền và cần thiết phải cô đặc lại nếu để đến sau tháng 8. Người mua không thể hiểu rằng, việc chậm nhận hàng vài ngày bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng theo Điều 25 CISG. Tòa án cũng thấy rằng, đơn hàng thay thế của người mua cho tới tháng 12/1996 có đối tượng là nước cam ép nguyên chất của mùa năm 1996 cho thấy, việc cô đặc nước cam ép ngay khi người mua chậm nhận hàng là chưa thuyết phục. Đáng lẽ, người bán phải gia hạn một thời gian bổ sung hợp lý để người mua nhận hàng, nếu người mua không nhận hàng trong thời hạn bổ sung này thì người bán mới được hủy hợp đồng. Tuy nhiên, người bán đã hủy hợp đồng không có căn cứ. Việc người bán từ chối giao hàng là vi phạm hợp đồng, buộc người mua phải mua hàng thay thế. Điều 74, 75 CISG cho phép người mua đòi bồi thường thiệt hại do chênh lệch giá giữa giá hợp đồng và giá mua hàng thay thế. Người bán đưa ra thêm lý do về tỷ giá biến động cho biện pháp giải thích không gia hạn thời gian bổ sung cho người mua là một lý lẽ không thuyết phục. Theo các lý lẽ trên, Tòa phúc thẩm đã tuyên hủy bỏ quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và quyết định người bán đã vi phạm hợp đồng, phải bồi thường thiệt hại chênh lệch giá mua hàng thay thế cho người mua (theo Điều 75 CISG).

3. Một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, về việc xác định có vi phạm cơ bản hợp đồng hay không.

Như đã phân tích ở mục 1, để được coi là vi phạm cơ bản hợp đồng theo Điều 25 CISG thì vi phạm đó phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại đáng kể cho bên bị vi phạm. CISG cho rằng, thiệt hại đáng kể là những thiệt hại làm cho bên bị vi phạm mất đi cái mà họ chờ đợi (mong muốn có được) từ hợp đồng nhưng không giải thích rõ cái mà người này chờ đợi là gì. Vì vậy, việc xác định mức độ thiệt hại là đáng kể hay không đáng kể sẽ do cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyết định căn cứ vào từng vụ việc cụ thể. Ví dụ, căn cứ vào giá trị kinh tế của hợp đồng, sự tổn hại về mặt tiền bạc do hành vi vi phạm hợp đồng hoặc mức độ mà hành vi vi phạm hợp đồng gây cản trở đến các hoạt động khác của bên bị vi phạm và tính nghiêm trọng của việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng[5]. Tuy nhiên, hành vi vi phạm hợp đồng gây thiệt hại đáng kể sẽ không bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng nếu bên vi phạm “không thể nhìn thấy trước hậu quả của hành vi vi phạm đó và người ở vào hoàn cảnh tương tự cũng không thể tiên liệu được”. Khả năng tiên liệu trước được những thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra phụ thuộc vào kiến thức của bên vi phạm về những sự kiện xoay quanh giao dịch như: Kinh nghiệm, mức độ tinh tế và khả năng tổ chức của bên vi phạm[6].

Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam quy định khác so với CISG. Khoản 4, Điều 312 Luật Thương mại 2005 của Việt Nam quy định chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây: (i) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; (ii) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Đồng thời, khoản 13, Điều 3 Luật này cũng định nghĩa “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Như vậy, pháp luật Việt Nam không có quy định loại trừ những vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại cho bên bị vi phạm nhưng bên vi phạm không thể tiên liệu trước hậu quả ra khỏi phạm vi thuật ngữ “vi phạm cơ bản”.

Từ những phân tích trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý về việc xác định đâu là vi phạm cơ bản để có thể hủy bỏ hợp đồng theo CISG, lưu ý sự khác nhau giữa Công ước và Luật Thương mại Việt Nam về vấn đề loại trừ trách nhiệm của bên vi phạm trong khái niệm “vi phạm cơ bản”, tránh trường hợp bên vi phạm viện cớ mình không lường trước được hậu quả, biến bên hủy hợp đồng từ chỗ là bên bị vi phạm thành bên vi phạm trong hợp đồng.

Thứ hai, về tính dự đoán trước được của thiệt hại đối với người mua.

Điều 74 CISG đã thiết lập các quy tắc chung cho việc tính toán thiệt hại, cụ thể: “Tiền bồi thường thiệt hại xảy ra do một bên vi phạm hợp đồng là một khoản tiền bao gồm tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ mà bên kia đã phải chịu do hậu quả của sự vi phạm hợp đồng. Tiền bồi thường thiệt hại này không thể cao hơn tổn thất và số lợi bỏ lỡ mà bên bị vi phạm đã dự liệu hoặc đáng lẽ phải dự liệu được vào lúc ký kết hợp đồng như một hậu quả có thể xảy ra do vi phạm hợp đồng, có tính đến các tình tiết mà họ đã biết hoặc đáng lẽ phải biết”. Quy tắc này áp dụng khi một bên trong hợp đồng vi phạm nghĩa vụ theo CISG.

Trong tranh chấp được nêu tại án lệ, người bán đã lập luận rằng việc mình tiến hành bảo quản hàng là hợp lý với loại hàng nhanh hỏng. Thực tế, việc bảo quản bằng cách cô đặc đã làm thay đổi đối tượng của hợp đồng là nước cam ép nguyên chất nên không thể là cách bảo quản hàng hợp lý. Người bán không thông báo và nêu lý do về sự cần thiết của việc bảo quản bằng phương thức cô đặc khi người mua chậm nhận hàng. Người mua không thể tiên liệu được thiệt hại đó khi không nhận hàng vào tháng 8 và hiểu rằng họ được cho một thời hạn bổ sung hợp lý để thực hiện hợp đồng theo Điều 63 CISG.

Tính dự đoán trước của thiệt hại đối với bên vi phạm được CISG nhấn mạnh tại Điều 25 và Điều 74. Khi một bên áp dụng một hành động đối phó hay một biện pháp bảo hộ hợp lý chống lại sự vi phạm hợp đồng của bên kia thì cần phải thông báo cho bên vi phạm, tránh trường hợp bên vi phạm viện dẫn là không thể lường trước được thiệt hại. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định tương tự, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nhằm bảo vệ quyền lợi của mình[7].

Thứ ba, về việc bồi thường thiệt hại khi mua hàng thay thế.

Theo Điều 75 CISG, “Khi hợp đồng bị hủy và nếu bằng một cách hợp lý và trong một thời hạn hợp lý sau khi hủy hợp đồng, người mua đã mua hàng thay thế hay người bán đã bán hàng lại hàng thì bên đòi BTTH có thể đòi nhận phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá mua thế hay bán lại hàng cũng như mọi khoản tiền BTTH khác có thể đòi được chiếu theo Điều 74”. Căn cứ quy định này, để áp dụng Điều 75 thì cần đáp ứng đủ hai điều kiện: (i) Có tồn tại việc hủy hợp đồng; (ii) Có tồn tại giao dịch thay thế và giao dịch thay thế này phải có tính hợp lý, nghĩa là được thực hiện “một cách hợp lý” và “trong một thời gian hợp lý”.[8]

Trong một hợp đồng mua bán hàng hóa, giao dịch thay thế khi có vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng có thể thực hiện bởi cả bên mua hoặc bên bán. Tuy nhiên, việc xác định việc hủy hợp đồng có thực cũng như xác định giao dịch thay thế đó đã thực hiện “một cách hợp lý” “trong một thời gian hợp lý” không hề dễ dàng. Căn cứ vào vụ tranh chấp Roofing Material Case do Tòa án tối cao Oberster Gerichtshof của Áo giải quyết ngày 9/3/2000[9], Điều 75 chỉ áp dụng trong trường hợp hợp đồng đã bị hủy phù hợp với quy định tại Điều 26 của Công ước “một lời tuyên bố về việc hủy hợp đồng chỉ có hiệu lực nếu được thông báo cho bên kia biết”. Nếu hợp đồng không bị hủy, bên bị vi phạm vẫn có thể yêu cầu BTTH căn cứ vào Điều 74[10].

Ngoài ra, việc quy định giao dịch thay thế mà bên bị vi phạm áp dụng phải được tiến hành “một cách hợp lý” và “trong một thời gian hợp lý” nhằm bảo vệ cho bên gây thiệt hại trong trường hợp bên bị thiệt hại lạm dụng quyền yêu cầu BTTH để trục lợi. Thông thường, các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ căn cứ vào tính chất của loại hàng hóa, hàng hóa có đang vào mùa hay không để xem xét việc mua hàng hay bán lại hàng có được tiến hành một cách nhanh nhất có thể hay không. Đồng thời, căn cứ vào hành động của bên bị vi phạm, có căn cứ cho thấy bên này đã chủ động tiến hành nhanh nhất có thể các điều kiện để thực hiện giao dịch thay thế thì sẽ được xem là hợp lý[11]. Đối chiếu với pháp luật Việt Nam, vấn đề bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 302 và 303 Luật Thương mại 2005. Có thể thấy, pháp luật Việt Nam và CISG đều quy định các thiệt hại được bồi thường bao gồm tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ mà bên kia đã phải chịu do hậu quả của sự vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, Luật Thương mại Việt Nam lại không quy định về cách thức tính thiệt hại. Do đó, các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa có thể tham khảo quy định này của CISG để tính toán tiền bồi thường trong trường hợp mua hàng thay thế.

Từ phân tích trên, trong khuôn khổ CISG, khi vi phạm hợp đồng xảy ra, bên bị vi phạm có quyền hủy bỏ hợp đồng nếu chứng minh đó là vi phạm cơ bản theo Điều 25 và có thực hiện thông báo theo Điều 26. Bên vi phạm hợp đồng có trách nhiệm bồi thường khi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, để áp dụng Điều 75 đòi hỏi bên có quyền lợi bị vi phạm phải thỏa mãn các điều kiện nhất định, bao gồm: (i) Đã có tồn tại việc hủy hợp đồng và (ii) Đã tiến hành giao dịch thay thế với mức giá hợp lý trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi hợp đồng bị hủy. Bên cạnh Điều 75, bên bị vi phạm cũng có thể đòi bồi thường các khoản khác theo Điều 74.

III. KẾT LUẬN

Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập nền kinh tế quốc tế nên việc doanh nghiệp nước ta cần trang bị cho mình những hiểu biết đầy đủ liên quan đến quy định của CISG 1980, trong đó có quy định liên quan đến hủy bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại (xác định điều kiện hủy bỏ hợp đồng, điều kiện được bồi thường thiệt hại...), là hết sức cần thiết.

Một số lưu ý được đưa ra trong bài viết sẽ giúp các doanh nghiệp Việt giảm thiểu được đến mức thấp nhất rủi ro khi tham gia vào các hợp đồng MBHHQT từ giai đoạn đàm phán, giao kết hợp đồng đến việc bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình nếu phát sinh tranh chấp và được giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] CISG 1980, Khoản 1 Điều 64 CISG.

[2] CISG Điều 26.

[3] Case SARL Ego Fruits v. Sté La Verja Begasti (1999). Xem tại: http://cisgw3.law.pace.edu/cases/990204f1.html, truy cập 28/5/2020.

[4,7] CISGVN, Vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại, <http://www.cisgvn.org/an-l%E1%BB%87-cisg/vi-ph%E1%BA%A1m-h%E1%BB%A3p-d%E1%BB%93ng-va-b%E1%BB%93i-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-thi%E1%BB%87t-h%E1%BA%A1i/>, truy cập 27/5/2020

[5] Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (2019), Giải quyết tranh chấp hợp đồng - Những điều doanh nhân cần biết, Nxb Thanh niên, tr.194-196 (Chủ đề 62 “Áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng theo Công ước Viên 1980”).

[6] Võ Sỹ Mạnh (2011), Bàn về khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên 1980, <https://cisgvn.wordpress.com/2011/04/09/ban-về-khai-niệm-vi-phạm-cơ-bản-hợp-dồng-theo-cong-ước-vien-1980/> truy cập 27/5/2020.

[8,10,11] Trần Việt Dũng - Phạm Thị Hiền (2017), Bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị hủy và có tồn tại giao dịch thay thế theo Công ước Viên năm 1980, Tài liệu Hội thảo Nghiên cứu Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - Trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr.128,129,136.

[9] Tòa án tối cao Oberster Gerichtshof của Áo (2000). Trước đó, các bên có thiết lập một thỏa thuận khung về mức giá mua bán là 28 Shillings Áo (Austrian shillings - ATS) trên một kilogram hàng. Tuy nhiên, thỏa thuận khung cũng cho phép họ có quyền thỏa thuận lại giá cả tùy từng giao dịch cụ thể. Trong quá trình thực hiện giao dịch, bên mua đã thanh toán tiền hàng theo đơn giá 28 ATS/kg theo thỏa thuận khung, nhưng bên bán yêu cầu bên mua phải trả 40 ATS/kg.

THE PRACTICE OF AVOIDANCE OF CONTRACT AND DAMAGES

FOR BREACH OF CONTRACT UNDER THE CISG 1980

THROUGH A CASE - NOTICES FOR VIETNAMESE ENTERPRISES

NGUYEN THI YEN

Deputy Head, Department of International Law, Faculty of Law, Van Lang University

Master. NGUYEN NGOC BIEN THUY HUONG

Department of Civil and Commercial Law, Faculty of Law, Van Lang University

Master. VU THI BICH HAI

Department of International Law, Faculty of Law, Van Lang University

Master. DINH LE OANH

Department of Civil and Commercial Law, Faculty of Law, Van Lang University

ABSTRACT:

When the contracting parties enter into and perform an international sale of goods contract, if a party makes any fundamental breach of the contract, the other one will have the right to avoid the contract and claim damages for breach of contract. This article analyzes the right to declare of avoidance of contract as well as the right to claim damages according to the The United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Good (CISG) adpoted in 1980. Besides, the practice of dispute resolution through a case is also discussed in comparision with the Vietnamese commercial law, thereby summarizing some notices for Vietnamese enterprises in the negotiation, conclusion and settlement of disputes on international sale of goods contracts.

Keywords: CISG 1980, commercial law, contracts for the international sale of goods, avoidance of contract, damages for breach of contract, fundamental breach.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 13, tháng 6 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-tien-huy-bo-hop-dong-va-boi-thuong-thiet-hai-do-vi-pham-hop-dong-theo-cisg-1980-qua-mot-an-le-luu-y-cho-doanh-nghiep-viet-nam-73308.htm