Thực tiễn là động lực sáng tạo kỹ thuật

Tác giả Dương Quốc Hiệu (trái) giới thiệu giải pháp Pin năng lượng mặt trời tự điều chỉnh theo hướng ánh sáng đến Ban giám khảo Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 7. Ảnh: THÁI HÀ

“Khoa học công nghệ phải bắt nguồn từ thực tiễn và phục vụ đời sống” chính là một trong những tiêu chí quan trọng trong các hoạt động khuyến khích sáng tạo do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tổ chức. Từ tiêu chí đó, các kỳ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã cho ra đời nhiều giải pháp, sáng kiến, mô hình, sản phẩm dự thi nổi bật, có tính ứng dụng cao, góp phần phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Khoa học phục vụ cuộc sống

Sự phát triển nghiên cứu khoa học cung cấp nhiều sản phẩm cho cộng đồng và phục vụ xã hội. Chính vì vậy, sản phẩm được ứng dụng tốt trong thực tiễn là điều mà mọi tác giả trăn trở, hướng đến sau khi phát triển mô hình đề tài nghiên cứu khoa học.

Kỹ sư Nguyễn Tấn Tùng, giảng viên Khoa Cơ khí chế tạo, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đạt hai giải thưởng trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 8. Trong quá trình nghiên cứu, ưu tiên của kỹ sư Tùng là chế tạo các máy móc, thiết bị có thể ứng dụng trong thực tiễn, thương mại hóa sản phẩm và giúp các em học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội để thực hành cũng như thực hiện các giải pháp kỹ thuật được giảng dạy trong nhà trường.

Năm 2018, kỹ sư Nguyễn Tấn Tùng thực hiện giải pháp Máy nén khí tạo ôxy cho hồ nuôi cá chình từ năng lượng gió. Qua nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm được đưa vào hoạt động tại một hồ nuôi cá chình ở phường 9, TP Tuy Hòa. Mới đây, kỹ sư Nguyễn Tấn Tùng tiếp tục chế tạo thành công máy gọt vỏ và cắt hạt lựu nha đam. Với sản phẩm này, người dùng có thể vừa gọt vỏ, vừa cắt hạt lựu từ 400-600kg nha đam nguyên liệu/giờ. Hiện kỹ sư Tùng đang sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện máy bóc vỏ, lấy tim hạt sen vì nhận thấy người trồng sen ở quê anh (huyện Đông Hòa) tốn rất nhiều thời gian để bóc vỏ, sơ chế hạt sen.

Chia sẻ về quá trình làm việc để đưa những giải pháp sáng tạo vào thực tiễn, anh Tùng cho biết: “Tôi có thói quen quan sát những hoạt động lao động sản xuất từ cuộc sống và thấy thiếu thứ gì mà trong khả năng mình làm được thì sẽ lên ý tưởng để thiết kế và chế tạo ra. Vì vậy, khi sản phẩm hoàn thành, ngay lập tức đến tay người sử dụng chứ không phải trăn trở việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Cứ mỗi lần làm xong một sản phẩm, giao cho khách hàng, tôi lại mày mò và tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời những máy móc mới”.

Hai tác giả Nguyễn Hoàng Viên và Dương Quốc Hiệu (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) cũng là những gương mặt quen thuộc của các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật những năm gần đây. Chia sẻ về việc thực hiện các giải pháp của mình, Dương Quốc Hiệu cho biết: “Năm 2019, chúng tôi đạt giải ba với sản phẩm Bộ Boost DC/DC ổn định điện áp lưới quang điện độc lập. Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu dựa trên nhu cầu thực tế để giúp nâng cao hiệu suất khai thác năng lượng mặt trời lên 30%; quản lý hiệu suất của từng tấm pin; giúp phát hiện hư hỏng dễ dàng, bảo trì kịp thời”.

Động lực để sáng tạo

Cuộc sống ngày càng phát triển, con người ngày càng phát minh ra nhiều tiện ích, thiết bị và các giải pháp nhằm phục vụ cuộc sống hàng ngày. Nhìn thấy ý tưởng của mình được ứng dụng trong thực tiễn chính là động lực để những người làm công tác nghiên cứu vượt qua khó khăn, theo đuổi đam mê sáng tạo.

Em Phạm Nhật Hoàng, lớp 12 Lý Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa) là tác giả của giải pháp Blue eye, ứng dụng di động hỗ trợ đọc văn bản cho người khiếm thị. Dù đang là học sinh cuối cấp, nhưng Hoàng vẫn dành thời gian để hoàn thiện giải pháp, tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8 và đạt giải nhì. Sản phẩm của Hoàng hiện mới chỉ được sử dụng thử nghiệm ở quy mô nhỏ nên em mong muốn tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm. “Em đã được suất tuyển thẳng vào một số trường đại học nhưng chưa đúng trường em thích. Vào đại học em sẽ cố gắng để nâng cấp sản phẩm mình lên chứ không chỉ dừng lại ở những cuộc thi”, Hoàng chia sẻ.

Tham gia và đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8, giải pháp Inut nebi, giải pháp quản lý nhà yến 4.0 của nhóm tác giả Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, sinh năm 1996; Đoàn Vinh Phú, sinh năm 1997; Trương Trọng Thân, sinh năm 1998 và Nguyễn Hoàng Đạt, sinh năm 1999 đã được thương mại hóa thành công, bán ra hơn 500 đầu sản phẩm và được phân phối rộng rãi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang. Giải pháp này giúp quản lý về môi trường và dịch bệnh, quản lý về thời gian phát âm thanh, tần số phát để dẫn dụ chim yến mà không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.

Đánh giá rất cao tiêu chí “khả năng ứng dụng thực tiễn” của giải pháp, ông Nguyễn Minh Song, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 8 (2018-2019), cho biết: “Hội thi lần thứ 8 đã tiếp nhận 100 công trình, giải pháp tham gia dự thi; tuy nhiên, ban tổ chức chỉ chọn ra được 31 giải pháp có hiệu quả thực tế và khả năng ứng dụng rộng rãi vào vòng chung khảo. Ban tổ chức rất coi trọng việc sản phẩm ứng dụng thành công trong thực tế. Cũng nhờ đặt nặng tiêu chí này nên càng những hội thi về sau, càng có nhiều giải pháp triển khai ứng dụng thành công”.

Tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật chỉ là một phần của mục tiêu mà chúng tôi hướng tới. Mục tiêu lớn hơn là chúng tôi sử dụng các dự án này để khởi nghiệp, phát triển và thương mại hóa sản phẩm. Sản phẩm “sống” được và phục vụ cho những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống mới chính là động lực để mình đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để hoàn thiện sản phẩm đến mức tối đa.

Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ iNut

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/239164/thuc-tien-la-dong-luc-sang-tao-ky-thuat.html