Thực trạng báo động về nhận thức của học sinh, sinh viên về ma túy

Thời gian gần đây, ma túy đã và đang âm thầm quay trở lại học đường với nhiều chủng loại đa dạng hơn, sử dụng đơn giản hơn. Đáng báo động , tên gọi, chủng loại ma túy thay đổi hằng ngày, với hàng trăm hoạt chất khác nhau khiến học sinh, sinh viên, thầy cô và gia đình các em khó phát hiện.

Hơn bao giờ hết, Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả để đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi môi trường học đường.

Người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa

Các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, tìm mọi cách len lỏi vào học đường với những cái tên gây tò mò, hoặc núp bóng những đồ ăn, thức uống quen thuộc của học sinh, sinh viên. Vụ việc học sinh cấp 3 ở Hải Dương tẩm ma túy vào thuốc lào, hay như vụ việc trộn cần sa vào trà sữa đóng chai ở Lâm Đồng... chính là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng ma túy xâm nhập học đường. Không chỉ vậy, các hoạt động vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke, vũ trường... cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra thực trạng sử dụng ma túy cho giới trẻ.

Theo số liệu thống kê, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16-30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này lên tới 76%. Đáng báo động, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 – 25 tuổi. Trước thực tế có nhiều chủng loại ma túy giá thành rẻ, dễ sử dụng, nhiều trẻ em từ 13 – 14 tuổi đã sử dụng ma túy. Thậm chí, có nhiều trường hợp chỉ 13 – 14 tuổi đã thường xuyên rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim... như người nghiện ma túy lâu năm.

Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tệ nạn ma túy đã được các cơ quan, ban ngành và toàn xã hội quan tâm. Trong hệ thống trường học, các chương trình học tập, sinh hoạt chính khóa, ngoại khóa cũng thường xuyên được tổ chức, nhằm ngăn chặn sự phát triển của tệ nạn ma túy trong môi trường học đường. Tuy nhiên, trên thực tế kết quả đạt được chưa thật sự mang tính bền vững.

Em Phan Minh Quang – học sinh lớp 11 chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Bắc Giang chia sẻ: “Ở trường em, trong giờ chào cờ đầu tuần thường tổ chức hoạt động ngoại khóa phòng chống tệ nạn xã hội. Trong khuôn viên nhà trường cũng có rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu về tác hại của ma túy. Em cũng tự tìm hiểu thêm về hình ảnh liên quan đến các loại ma túy, vì em biết ma túy ngày càng đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, em cũng có nhiều bạn bè chưa thật sự hiểu sâu về các loại ma túy và tác hại của nó, thậm chí có nhiều bạn tò mò nên đã thử sử dụng...”

Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội cũng thẳng thắn cho biết: “Việc tuyên truyền phòng chống ma túy là vấn đề lớn của cả xã hội. Dưới góc độ nhà trường, tôi thấy rằng việc này cần những giải pháp tích cực, hiệu quả và cần có kinh phí thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, một số nhà trường chưa được đầu tư chiều sâu cho công tác quản lý, tổ chức phòng chống ma túy trong trường học, bộ máy kiêm nhiệm chưa đủ mạnh để duy trì cập nhật, xử lý các nguồn thông tin liên quan đến ma túy.”

Cần nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ

Thực tế cho thấy, tình hình tệ nạn ma túy trong học đường ngày càng có xu hướng gia tăng về mức độ và số lượng vụ vi phạm. Để ngăn chặn ma túy trong học đường, đầu tiên cần phải nhận thức đúng và đủ về ma túy và tác hại của nó, cần có nhiều giải pháp phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban ngành và toàn xã hội.

Ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2021, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa ma túy đối với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên: “Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung phòng chống ma túy vào chương trình và hoạt động của các cấp học".

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 3946/BYT – AIDS về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS trong trường học. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục tăng cường cung cấp thông tin cho học sinh, sinh viên về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các tiết ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS, các hoạt động sân khấu; lồng ghép trong các buổi mít tinh, các sự kiện truyền thông tại các trường trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp... Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng kế hoạch “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy học đường.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng triển khai những chương trình đào tạo, giáo dục về công tác phòng chống ma túy trong học đường. Cô Thanh Ngọc – giáo viên tại quận Ba Đình, Hà Nội nhận định: “Là một giáo viên, tôi thấy việc giáo dục phòng ngừa ma túy trong trường học là vô cùng cần thiết và cấp bách. Việc này không chỉ dừng lại ở một vài buổi tọa đàm, mà còn cần được đưa vào chương trình chính khóa để các em hiểu sâu và rõ về tác hại của ma túy, qua đó hướng dẫn các em những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân mình.”

Kế hoạch đã được xây dựng cụ thể, chi tiết từ phân công nhiệm vụ, cách thức thực hiện, thời gian cụ thể... hy vọng rằng Bộ GD&ĐT sẽ nhanh chóng triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của ma túy vào học đường, bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thuc-trang-bao-dong-ve-nhan-thuc-cua-hoc-sinh-sinh-vien-ve-ma-tuy-post1342648.tpo